vĐồng tin tức tài chính 365

Làm sao để hàng hóa Việt "phủ sóng" trời Âu?

2021-11-05 17:05

Sáng 5/11, Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp cùng Trung tâm Hỗ trợ hội nhập quốc tế Tp.Hồ Chí Minh (CIIS) tổ chức Hội nghị trực tuyến “Triển vọng và giải pháp thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường EU trong bối cảnh mới” nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong quá trình xuất khẩu sang thị trường EU.

Tiềm năng tăng trưởng tốt

Đánh giá về thị trường EU, bà Nguyễn Thảo Hiền - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Âu - Châu Mỹ, Bộ Công Thương cho biết, EU là đối tác thương mại lớn hàng đầu của Việt Nam với trao đổi thương mại 2 chiều tăng trưởng trung bình khoảng 9% (từ năm 2015) và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam.

EU được nhận định là thị trường có dung lượng lớn với sự thống nhất trong đa dạng và nhiều dư địa tăng trưởng; đồng thời cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hoá giữa Việt Nam và EU phần nhiều mang tính bổ trợ thay vì cạnh tranh trực tiếp.

“Thị phần hàng hóa của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của EU chiếm tới 1,91% và Việt Nam được ghi nhận là một trong những nhà cung ứng ngoại khối lớn nhất cho EU (nằm trong Top 11). Theo con số của Hải quan Việt Nam, tình hình trao đổi thương mại Việt Nam – EU luôn duy trì mức tăng trưởng dương và luôn luôn duy trì cán cân thương mại thặng dư”, bà Hiền thông tin thêm.

Kinh tế vĩ mô - Làm sao để hàng hóa Việt 'phủ sóng' trời Âu?

Bà Nguyễn Thảo Hiền. Ảnh TTX

Trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành, thị trường EU cũng bị ảnh hưởng rất nhiều. Mặc dù vậy, thương mại EU vẫn diễn ra rất sôi động, với nhu cầu nhập khẩu hàng hóa có xu hướng tăng mạnh: xuất khẩu sang các thị trường ngoại khối đạt 1400,01 tỷ EUR tăng 13,82% so với cùng kỳ năm 2020, nhập khẩu từ các thị trường ngoại khối đạt 1306,59 tỷ EUR tăng 16,73% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sau 1 năm thực hiện Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), trao đổi thương mại Việt Nam – EU đã có 1 số khởi sắc nhất định. Các cơ quan, tổ chức được ủy quyền cấp C/O mẫu EUR.1 đã cấp khoảng 207.682 chứng nhận C/O mẫu EUR.1 với kim ngạch đạt khoảng 7,71 tỷ USD đi 27 nước EU. Doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang EU còn thực hiện tự chứng nhận xuất xứ cho 6.115 lô hàng được hưởng ưu đãi thuế quan theo EVFTA.

Nhập khẩu của EU từ Việt Nam trong 8 tháng năm 2021 đạt 24,97 tỷ EUR tăng 9,66% so với cùng kỳ năm 2020. Thị phần hàng hóa của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của EU từ thị trường ngoại khối 8 tháng năm 2021 chiếm 1,91% và trong 8 tháng năm 2021. Một số ngành đã tận dụng tốt Hiệp định EVFTA là: rau quả, nhựa và sản phẩm từ nhựa, gỗ và sản phẩm từ gỗ, thủy sản, dệt may và giày dép.

Đường đã mở nhưng vẫn hẹp

Bà Nguyễn Thảo Hiền cho biết xu hướng tiêu dùng của thị trường EU chủ yếu là các sản phẩm có quy trình sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường, sản phẩm bền vững, sử dụng các nguyên vật liệu và bao bì tái chế, thân thiện môi trường; các sản phẩm có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng, thực phẩm hữu cơ; sản phẩm thông minh, tiện dụng, có khả năng sử dụng nhiều lần; sản phẩm có nhãn mác và xuất xứ rõ ràng, cụ thể; sản phẩm công nghệ số và một số mặt hàng đặc sản, mới lạ - đây là một trong những thế mạnh của Việt Nam khi có những sản phẩm độc đáo.

EU là một thị trường trẻ nên có thói quen tiêu dùng và mua sắm trực tuyến rất cao, buộc chúng ta phải thay đổi và thích nghi để phù hợp với xu hướng tiêu dùng ở thị trường này. Người dân EU không chỉ mua hàng hóa và dịch vụ trực tuyến trong nước mà còn mua hàng từ nước thành viên EU khác cũng như từ các quốc gia ngoài lãnh thổ EU điều đó đem đến cho chúng ta cơ hội lớn về phát triển thương mại điện tử và mở ra triển vọng một kênh giao thương tiềm năng trong thời gian tới

Bên cạnh những tiềm năng để phát triển, EU vẫn được các chuyên gia nhấn mạnh đây là một thị trường khó tính và rất khắt khe với những quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật cao và nghiêm ngặt đối với hàng hóa nhập khẩu. Không những yêu cầu về chất lượng sản phẩm cao, thị trường này còn quan tâm đến cả quy trình tạo ra sản phẩm, các ảnh hưởng của nó lên sức khỏe con người và bảo tồn hệ sinh thái, yêu cầu về bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc xuất xứ và rất nhiều biện pháp phòng vệ thương mại được sử dụng thường xuyên.

Kinh tế vĩ mô - Làm sao để hàng hóa Việt 'phủ sóng' trời Âu? (Hình 2).

(Con đường đưa sản phẩm Việt Nam tới thị trường EU còn nhiều thách thức)

Ông Vũ Chiến Thắng - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Tây Ban Nha chia sẻ, để đảm bảo yêu cầu kỹ thuật mà EU đặt ra, các doanh nghiệp phải cực kỳ cẩn trọng từ những khâu nhỏ nhất để sản xuất được hàng hóa đạt chất lượng để tránh gây hệ lụy ảnh hưởng đến cả các doanh nghiệp kinh doanh khác.

Ngoài ra, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu của nước thứ 3 vào EU cũng rất được EU quan tâm. Trách nhiệm này liên quan trực tiếp đến sản xuất xuất khẩu sang thị trường EU về vấn đề đảm bảo về điều kiện an toàn lao động, về môi trường và những điều kiện lao động khác như: sử dụng lao động trẻ em, điều kiện môi trường lao động yếu kém,... đây được xem là điều kiện ràng buộc của nhiều nước EU khi ký kết hợp đồng nhập khẩu hàng hóa với các doanh nghiệp.

Hội nghị nhấn mạnh, Việt Nam còn chưa hoàn toàn ổn định sau sự càn quét của đại dịch Covid dẫn tới gián đoạn chuỗi cung ứng cả trong nước và xuất khẩu, tới thời điểm này chúng ta vẫn đang trong giai đoạn phục hồi phát triển kinh tế, không gian cho các họat động kinh tế mới còn hạn chế. Đồng thời, địa lý xa xôi, chi phí vận chuyển, chi phí sản xuất cao cũng đem lại nhiều vướng mắc cho doanh nghiệp. Các sản phẩm xuất khẩu cần được tính toán kỹ lưỡng và cẩn trọng trong từng bước đi. Để tiếp cận và đẩy mạnh xuất khẩu sang EU đặt ra bài toán không hề dễ dàng cho các doanh nghiệp Việt bởi hạn chế về năng lực sản xuất nội tại, cũng như thiếu thông tin thị trường.

Tiềm ẩn rủi ro pháp lý

Phân tích về những rủi ro thường trực khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Châu Âu, LS. Đinh Ánh Tuyết - Trưởng Văn phòng Luật IDVN, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho biết chúng ta cần rất cẩn trọng và tỉnh táo khi ký kết hợp đồng cũng như tìm hiểu rõ ràng về tất cả các điều luật cần sử dụng khi tham gia vào thị trường này.

Những rủi ro pháp lý thường gặp nhất khi tham gia xuất khẩu vào thị trường EU được bà Tuyết chia sẻ tại Hội nghị bao gồm: rủi ro chính sách, rủi ro do vi phạm luật EU, lựa chọn đối tác, rủi ro trong ký kết và thực hiện hợp đồng. Tất cả những rủi ro trên xảy ra đều xuất phát từ việc doanh nghiệp chưa nghiên cứu kỹ về các điều luật của thị trường này cũng như thiếu tầm nhìn chiến lược đối với những vấn đề phát sinh trong thời gian thực hiện hợp đồng.

Vậy nên mọi doanh nghiệp muốn ký kết hợp đồng xuất khẩu hàng hóa sang Châu Âu đều nên thông qua sự tư vấn pháp lý của các công ty luật. Doanh nghiệp cần phải chủ động bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình không nên chủ quan trong kinh doanh.

Kinh tế vĩ mô - Làm sao để hàng hóa Việt 'phủ sóng' trời Âu? (Hình 3).

Luật sư Đinh Ánh Tuyết cho rằng, chúng ta cần tỉnh táo và có tầm nhìn chiến lược rõ ràng.

Cùng với đó LS. Đinh Ánh Tuyết nhấn mạnh: “Ký kết hợp đồng với EU phải lưu ý ngoài những điều kiện được đề ra trong hợp đồng còn có các vấn đề khác vượt qua thỏa thuận của các bên, cần điều tra và xem xét kỹ lưỡng hợp đồng, các nguyên tắc và điều khoản giải quyết tranh chấp có trong hợp đồng để xử lý khi có tranh chấp xảy ra”.

Trong trường hợp rủi ro đã xảy ra, bà Tuyết khuyến nghị các doanh nghiệp không nên bỏ qua bước thương lượng, hòa giải; có luật sư tham gia giải quyết càng sớm càng tốt và chuẩn bị tốt, chủ động tham gia vào giải quyết tranh chấp.

Châu Âu là một thị trường phức tạp, có tính cạnh tranh cao, rủi ro lớn, nhiều vấn đề phát sinh khó lường trước, nhưng nếu nắm bắt được thị trường thì sẽ đem lại hiệu quả kinh tế tốt, xây dựng được lòng tin và thương hiệu vững chắc trên thị trường EU sẽ là tiền đề tốt để phát triển lâu dài trên thị trường quốc tế.

Giải pháp nào giúp doanh nghiệp bứt phá?

Từ bối cảnh thực tế hiện nay, các chuyên gia đều nhận định EU là một thị trường nhiều tiềm năng phát triển cho doanh nghiệp Việt. Mặc dù đi kèm nhiều khó khăn, doanh nghiệp của Việt Nam vẫn hoàn toàn có thể bứt phá ở thị trường này.

“Quan trọng nhất là doanh nghiệp cần bám sát thị trường, xây dựng kế hoạch kinh doanh bài bản, chung, dài hạn. Tận dụng công nghệ tiên tiến từ nguồn đầu tư Châu Âu để các sản phẩm mình sản xuất ra phù hợp với tiểu chuẩn, yêu cầu kỹ thuật của Châu Âu”, bà Nguyễn Thảo Hiền nhận định.

Trong bối cảnh dịch bệnh còn phức tạp, doanh nghiệp Việt Nam cần tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trên môi trường trực tuyến, đăng ký tham gia gian hàng ảo, trưng bày sản phẩm từ xa, tham gia các hội chợ quốc tế,... Cùng với đó thực hiện đề án đưa hàng Việt Nam trực tiếp đến kênh phân phối như các đơn vị siêu thị sở tại, nhanh nhạy trong nắm bắt thông tin và tư duy linh hoạt, lợi dụng những điều kiện tốt để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô.

Bổ sung thêm, ông Nguyễn Đăng Dương cho rằng nhà nước cần tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, đẩy mạnh kích cầu, thúc đẩy nỗ lực tái cấu trúc nền kinh tế, tái cấu trúc không gian thị trường của nền kinh tế Việt Nam theo hướng tăng cường tính tự chủ, giảm lệ thuộc vào các thị trường; mà còn phải tái cấu trúc về thể chế, tạo môi trường, cơ chế thông thoáng để tận dụng các luồng đầu tư mới, nâng cao năng lực sản xuất trong nước và gia tăng xuất khẩu.

Cùng với đó Chính phủ cần tăng cường các biện pháp quản lý nhằm dự báo, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ để phát triển bền vững sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, nhất là khi chủ nghĩa bảo hộ tiếp tục có xu hướng gia tăng, khai thác triệt để Hiệp định EVFTA, biến tiềm năng và lợi thế của hiệp định thành hiện thực

Xem thêm: lmth.068235a-ua-iort-gnos-uhp-teiv-aoh-gnah-ed-oas-mal/nv.nitaudiougn.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Làm sao để hàng hóa Việt "phủ sóng" trời Âu?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools