Chị Nguyệt ở Vinh (Nghệ An) cho biết, gia đình có 0,7 ha cam với khoảng 400 gốc. Đây là giống cam chín sớm chủ yếu dùng vắt nước uống phục vụ trong các nhà hàng. Nếu năm ngoái, giá cam thu hoạch 12.000-15.000 đồng một kg thì nay chỉ 5.000 đồng (bán sô tại vườn).
"Thời điểm này năm ngoái, cam sớm vụ được thương lái săn lùng, thậm chí đặt cọc trước, còn giờ thì không mấy người ghé mua", chị Nguyệt nói.
Cũng thấp thỏm vì giá liên tục xuống thấp, chị Thương ở Quỳnh Hợp cho biết, 1 ha cam của chị đang bắt đầu vào vụ thu hoạch nhưng chưa thấy thương lái ghé mua. Một số trái chín sớm, chị nhờ con gái đăng bán online với giá lẻ 8.000 đồng một kg. Nếu khách mua với số lượng 50 kg trở lên, giá chỉ khoảng 6.000 đồng.
"Với hàng bán lẻ, tôi chỉ chọn những trái chín và to tròn đều để bán cho khách nhưng lượng mua rất yếu. Dân trong vùng ít mua, đa phần bán cho dân vùng lân cận", chị nói.
Là thương lái chuyên thu mua cam để xuất đi các tỉnh, anh Hoàng cho biết, nguyên nhân khiến giá cam giảm mạnh là do dịch bệnh diễn biến phức tạp, sức mua yếu nên giới buôn ở các vùng chậm thu mua. Một số nơi đặt hàng giảm 50% so với năm ngoái. Hoạt động xuất khẩu cũng gặp nhiều khó khăn nên anh không dám thu mua số lượng lớn như mọi năm.
"Thời điểm này năm ngoái, tôi đã mua vài chục tấn cam, nhưng năm nay từ đầu vụ tới giờ mới chỉ khoảng chục tấn để gửi đi các tỉnh Tây Nguyên và phía Nam. Tuy nhiên, giá cước vận chuyển tăng, đi lại còn khó khăn nên lượng hàng xuất đi không đáng kể", anh cho hay.
Chuyên bán hàng cho tiểu thương ở các chợ lẻ, chị Anh ở Nghệ An cũng cho biết, giá cam bỏ sỉ 6.000-7.000 đồng một kg nhưng các mối chỉ lấy khoảng 20-50 kg chứ không lấy nhiều như mọi năm. Còn giá bán lẻ là 10.000 đồng mỗi kg nhưng cũng chẳng mấy khách mua.
"Dịch bệnh hàng hoá khó lưu thông nên giá rớt thảm. Hai tuần tới, khi cam vào chính vụ, việc ế ẩm và đổ bỏ có thể khó tránh khỏi", chị Anh dự báo.
Bên cạnh việc mất giá, năm nay nhiều nhà vườn trồng cam tại Vinh còn bị thiệt hại khi cây cam sâu bệnh khiến trái rụng hàng loạt. Nhiều nhà vườn còn bị mất trắng.
Theo lãnh đạo Chi Cục bảo vệ thực vật Nghệ An, năm nay nguời trồng cam của tỉnh liên tục gặp khó. Ngoài phải bán với mức giá thấp, nhiều nhà vườn xảy ra hiện tượng cam rụng. Nguyên nhân là thời tiết thiếu thuận lợi, mưa nắng thất thường khiến cây sốc nhiệt, đồng thời, nhiều diện tích cam trồng lâu năm đất suy thoái. Ngoài ra, quy trình chăm sóc cây cam không đúng cách khiến cây mất cân đối dinh dưỡng.
Hiện toàn tỉnh có khoảng 5.300 ha cam, trong đó, có gần 3.500 ha cho thu hoạch. Dù sắp vào chính vụ thu hoạch nhưng người trồng cam ở các huyện Yên Thành, Con Cuông, Tân Kỳ, Anh Sơn, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn... đang phải bán với giá thấp, thương lái giảm thu mua.
Cam Vinh là đặc sản nổi tiếng của Nghệ An. Năm 2007, cam Vinh được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý với quy mô 12 xã thuộc 5 huyện. Đến năm 2019 chỉ dẫn địa lý cam Vinh được mở rộng lên 73 xã thuộc 11 huyện của tỉnh Nghệ An.
Hồng Châu