Nhậm Chính Phi, người sáng lập 77 tuổi và là giám đốc điều hành của tập đoàn viễn thông khổng lồ Trung Quốc Huawei Technologies, mới đây đã nói với các nhân viên rằng "hòa bình chỉ có thể đạt được thông qua chiến đấu" và họ nên chiến đấu để có một ngày "không ai dám bắt nạt chúng ta".
Thông điệp được đưa ra từ ông Nhậm, người có thói quen sử dụng biệt ngữ quân sự và triết học trong các bài phát biểu và viết của mình, đã được đưa vào một video dài hai phút rưỡi do Huawei xuất bản, với mục tiêu rõ ràng là động viên nhân viên trong bối cảnh công ty đang đấu tranh để đối phó với các lệnh trừng phạt của chính quyền Mỹ.
"Chúng ta phải trải qua gian khổ và hy sinh dũng cảm để đấu tranh cho một môi trường hòa bình trong ba thập kỷ tới, để không ai dám bắt nạt chúng ta. Chúng ta đang chiến đấu vì bản thân cũng như đất nước của chúng ta", CEO Huawei nói.
"Chúng ta sẽ được hưởng vinh quang vĩnh cửu như mặt trời và mặt trăng, nếu chúng ta cống hiến cuộc đời mình cho đất nước. Chúng ta sẽ được ngưỡng mộ trên cả Trái đất và thiên đường, nếu chúng ta có thể tái sinh như một con phượng hoàng".
Giám đốc điều hành Huawei Nhậm Chính Phi trong buổi phỏng vấn tại Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc, vào ngày 9/2. Ảnh Tân Hoa Xã
Video bài phát biểu được ghi lại tại buổi lễ công bố bốn "quân đoàn" mới - theo như cách ông Nhậm gọi - về cơ bản đây là các nhóm liên bộ phận (ngoài nhóm hiện có trong ngành than) sẽ chịu trách nhiệm tìm kiếm sự tăng trưởng về doanh thu để thay thế cho mảng kinh doanh điện thoại thông minh của Huawei. Bộ phận này đang bị tê liệt bởi các hạn chế của Mỹ đối với quyền truy cập vào các chip cao cấp.
Bốn nhóm mới sẽ tập trung vào các lĩnh vực đường cao tốc thông minh, hải quan và cảng, năng lượng mặt trời, cũng như các giải pháp năng lượng cho trung tâm dữ liệu. Đây là các thị trường mục tiêu được Huawei chọn làm lĩnh vực quan trọng để vực dậy động lực kinh doanh của mình.
Doanh thu của tập đoàn Huawei trong 9 tháng năm nay đã giảm 32% so với một năm trước .
Đoạn video được Huawei phát hành có tựa đề "Con đường chiến thắng là một đi không có trở lại", cũng bao gồm các đoạn video quay lại cảnh các nhân viên Huawei đồng thanh hét lên: "Sẽ chiến thắng, sẽ chiến thắng". VIdeo cũng được đăng tải trực tuyến bởi tờ Nhân dân Nhật báo của nhà nước Trung Quốc.
Một người đàn ông đi dạo bên ngoài cửa hàng Huawei ở Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 10/1/2021. Ảnh: EPA-EFE
Huawei đã sớm nhận thấy mình là trung tâm của sự cạnh tranh địa chính trị giữa chính quyền Bắc Kinh và Washington.
Mạnh Van Chu, con gái của ông Nhậm và là giám đốc tài chính của Huawei, đang được truyền thông chính thức của Trung Quốc miêu tả như một anh hùng dân tộc sau khi cô được giải thoát khỏi gần ba năm quản thúc tại Canada, trong khi chờ yêu cầu dẫn độ từ Mỹ.
Đồng thời, Huawei cũng đang phải đối mặt với những sóng gió mạnh mẽ trong nỗ lực tiến lên trước, trước các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Công ty công nghệ Trung Quốc này đang nhanh chóng mất đi vị thế trên thị trường điện thoại thông minh toàn cầu, trong khi doanh số bán thiết bị viễn thông của họ đang gặp phải sự phản kháng ở một số quốc gia.
Theo báo cáo của Bloomberg tuần trước, Huawei cũng đang trao đổi với những người mua tiềm năng cho bộ phận kinh doanh máy chủ của mình. Bởi bộ phận này vốn dựa vào chip từ gã khổng lồ Intel của Mỹ.
Huawei đã cố gắng mở rộng sang các lĩnh vực kinh doanh mới. Những sáng kiến đó bao gồm mở rộng hoạt động dịch vụ đám mây của mình ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, giúp các doanh nghiệp trong nước cắt giảm lượng khí thải carbon, cung cấp thêm các trạm gốc 5G và thiết bị mạng lõi cho các nhà khai thác viễn thông lớn của Trung Quốc, hay tăng các thỏa thuận cấp phép bằng sáng chế và thiết lập quan hệ đối tác cho thiết bị di động sử dụng nền tảng HarmonyOS của họ.
Năm ngoái, Huawei đã bán thương hiệu smartphone giá rẻ Honor nhằm giải phóng doanh nghiệp đó khỏi tác động của các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với công ty mẹ cũ. Tuy nhiên mới đây, Thượng nghị sĩ Mỹ Marco Rubio đã gây sức ép với chính quyền Biden để đưa Honor vào danh sách đen giống như Huawei.
Bảo Nam
Pháp luật và bạn đọc