Dự kiến vào sáng 6.6.2022, chiếc máy bay đầu tiên của hãng hàng không vận tải hàng hóa IPP Air Cargo của ông Johnathan Hạnh Nguyễn sẽ hạ cánh tại sân bay quốc tế Đà Nẵng.
Hãng bay vận tải đầu tiên tại Việt Nam
Trao đổi với PV Báo Lao Động, đại diện Công ty Cổ phần IPP Air Cargo xác nhận, dự kiến ngay trong ngày khai mạc Diễn đàn Phát triển đường bay Châu Á (Routes Asia) tổ chức tại Đà Nẵng vào sáng 6.6.2022, chiếc máy bay đầu tiên của IPP Air Cargo sẽ hạ cánh tại sân bay quốc tế Đà Nẵng.
Đây là chiếc máy bay đầu tiên của IPP Air Cargo nhằm chuẩn bị cho kế hoạch khai thác các đường bay vận tải hàng hóa nội địa và quốc tế. Ngay sau khi được cấp phép, hãng đặt lộ trình sẽ khai thác 5 tàu bay hàng hoá trong năm đầu tiên, sau đó tăng lên 7 chiếc vào năm thứ hai và 10 chiếc vào năm thứ 3.
Hãng cũng xây dựng kế hoạch vận chuyển khoảng 115.000 tấn hàng hóa, đạt doanh thu 71 triệu USD. IPP Air Cargo dự kiến bắt đầu có lãi từ năm thứ 4 kể từ khi cất cánh chuyến bay đầu tiên.
Đại diện IPP Air Cargo cho biết, hiện hãng đang triển khai các bước tiếp theo nhằm hoàn tất thủ tục cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không để thành lập một hãng không chuyên biệt vận tải hàng hóa đầu tiên tại Việt Nam.
Trong ngày 5.11, theo chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải, Cục Hàng không Việt Nam cũng chính thức có văn bản hướng dẫn IPP Air Cargo thực hiện các thủ tục cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không theo các quy định tại Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Nghị định 89/2019 của Chính phủ quy định về các ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng và Nghị định 30/2013 về kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung.
Trao đổi với Báo Lao Động trước đó, ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần IPP Air Cargo chia sẻ mong muốn thành lập một hãng hàng không vận tải hàng hóa chuyên biệt đầu tiên tại Việt Nam với phạm vi hoạt động trải khắp các đường bay nội địa và quốc tế.
Dự án này có tổng mức đầu tư 2.400 tỉ đồng (khoảng 100 triệu USD), trong đó 30% là vốn chủ sở hữu và 70% còn lại là huy động từ các nguồn hợp pháp khác.
Đến khu phi thuế quan 7.000 tỉ đồng
Liên quan đến “ông vua hàng hiệu” Johnathan Hạnh Nguyễn, Ban quản lý Khu kinh tế Phú Quốc (Kiên Giang) vào ngày 2.11 cũng chính thức cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Công ty Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPP Group) để thực hiện dự án đầu tư xây dựng Khu phi thuế quan Phú Quốc tại Ấp Bãi Vòng, xã Hàm Ninh (Phú Quốc, Kiên Giang).
Dự án này có tổng vốn đầu tư trên 6.830 tỉ đồng và dự kiến sau khi đi vào hoạt động trong năm 2028 sẽ hình thành nên một khu phi thuế quan, khu thương mại dịch vụ, vui chơi giải trí và sinh hoạt đáp ứng nhu cầu về thương mại dịch vụ, giải trí của người dân. Qua đó tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương lân cận xung quanh khu vực dự án, nhất là tạo công ăn việc làm cho người lao động trong suốt quá trình thực hiện và hoàn thành dự án.
Theo ông Lâm Minh Thành - Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, dự án Khu phi thuế quan Phú Quốc được tỉnh xác định là dự án trọng điểm của Phú Quốc, được đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, đây là dự án có quy mô lớn, góp phần tạo nên sản phẩm độc đáo cho Việt Nam và thế giới.
Vào giữa tháng 9.2021, Sở Xây dựng tỉnh Kiên Giang có thông báo kết luận của Hội đồng thẩm định thông qua nhiệm vụ và đồ án quy hoạch tỉ lệ 1/2.000 phân khu xây dựng khu phi thuế quan Phú Quốc tại xã Hàm Ninh, huyện Phú Quốc.
Dự án có quy mô 101 hecta, dự kiến gồm 12 hạng mục chính, gồm khu phi thuế quan (hàng rào cứng) và khu thương mại, dịch vụ nằm ngoài khu phi thuế quan. Tổng thể dự án sẽ gồm trung tâm bán hàng giảm giá (Factory Outlet), khu vực siêu thị miễn thuế, cửa hàng miễn thuế, khu thương mại dịch vụ ăn uống (F&B), khu vui chơi giải trí, các hạng mục và cơ sở hạ tầng khác…
Xem thêm: odl.861179-neit-uad-yab-yam-nod-ib-nauhc-neyugn-hnah-nahtanhoj-gno-auc-yab-gnah/et-hnik/nv.gnodoal