Công ty Cổ phần Xi măng Hà Tiên 1 (HT1) thông báo tăng 80.000 đồng một tấn xi măng Vicem Hà Tiên cho loại bao 50 kg kể từ đầu tháng này. Cũng cùng mức tăng, Công ty Cổ phần Xi măng Bỉm Sơn (BCC) bán xi măng bao và rời với giá cao hơn 6% kể từ cuối tháng 10.
Cùng thời điểm, Công ty Cổ phần Xi măng Vicem Hoàng Mai (HOM) chọn mức tăng 50.000 đồng một tấn đối với tất cả chủng loại xi măng.
Xi măng Hà Tiên 1 cho biết, mặc dù đã cố gắng tìm giải pháp tiết kiệm trong sản xuất, tối đa hóa hiệu quả sử dụng nguyên - nhiên vật liệu nhưng vẫn không thể bù đắp chi phí. Tương tự, Xi măng Bỉm Sơn cũng không bù đắp được tốc độ gia tăng của nguyên vật liệu đầu vào nên phải tăng giá bán.
Số liệu từ Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam cho thấy, xi măng là ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp của việc tăng nguyên nhiên liệu. Hiện giá than trong nước tăng bình quân từ 7-10%. Nhiên liệu này chiếm 40-45% giá thành sản xuất xi măng.
Ngoài ra, dầu DO dùng để đốt khi mới sấy lò tăng giá trên 10% và nhiều phụ gia dùng cũng tăng giá. Do đó, từ ngày 25/10 đến nay, giá xi măng đã tăng rất mạnh, trung bình từ 80.000-100.000 đồng một tấn.
Giá xi măng tăng cao cũng diễn ra ngay sau một quý kinh doanh ảm đạm của nhiều doanh nghiệp. Trong quý III, hàng loạt nhà sản xuất xi măng ghi nhận tình trạng lợi nhuận sụt giảm nghiêm trọng. Trong đó, Công ty Cổ phần Xi măng Hải Phòng (HCT) thâm hụt hơn một nửa lợi nhuận khi doanh thu vơi đi hơn 20%. Có doanh thu giảm không nhiều, nhưng Công ty Cổ phần Xi măng Quán Triều (CQT) vẫn bị mất đi gần một nửa lợi nhuận sau thuế trong kỳ.
Nhiều tên tuổi trong ngành còn phải điểm danh trong danh sách doanh nghiệp chuyển từ lãi thành lỗ. Nhiều thành viên thuộc Tổng Công ty Xi măng Việt Nam(Vicem) góp mặt trong nhóm này. Trong đó, đây là quý đầu tiên kể từ năm 2013, Xi măng Hà Tiên 1 báo lỗ với mức lợi nhuận âm 20 tỷ đồng.
Theo số liệu từ Vicem, tổng sản phẩm tiêu thụ xi măng tại thị trường nội địa trong quý III giảm gần 24% về mức 11,8 triệu tấn. Trong đó, Vicem tiêu thụ gần 4 triệu tấn, giảm hơn 20% so với cùng kỳ. Con số này chưa bằng ba phần tư kế hoạch đặt ra.
Quý vừa qua chỉ có hai thương hiệu là Vicem Hải Phòng và Vicem Hoàng Thạch có sản lượng bằng và cao hơn cùng kỳ. Năm thương hiệu còn lại có sản lượng tiêu thụ thấp hơn, đặc biệt Vicem Hà Tiên 1 và Vicem Hạ Long. Nguyên nhân chủ yếu là thị trường tiêu thụ chính - các tỉnh phía Nam đều nằm trong địa bàn bị ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch.
Vì vậy lợi nhuận trước thuế quý III toàn Vicem chỉ đạt hơn 3% kế hoạch quý, bằng 2,4% so cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, lợi nhuận công ty mẹ giảm 62%, các công ty sản xuất xi măng lỗ tổng cộng gần 80 tỷ đồng. Các công ty bị thâm hụt lợi nhuận tới hơn 390 tỷ đồng so cùng kỳ 2020.
Tuy nhiên, điểm rơi lợi nhuận của ngành xi măng được dự đoán diễn ra ngay trong quý IV khi nhu cầu tiêu thụ khôi phục với cao điểm mùa xây dựng cuối năm.
Trong nước, Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) dự báo, tiêu thụ xi măng sẽ tăng trở lại khi dịch bệnh từng bước được khống chế, hoạt động xây dựng phục hồi và các công trường xây dựng được hoạt động trở lại.
Với thị trường xuất khẩu, VNDirect cho rằng, trước thực trạng thiếu hụt nguồn cung xi măng tạm thời từ quốc gia láng giềng, đây sẽ là cơ hội xuất khẩu cho các doanh nghiệp Việt Nam, tối thiểu đến hết năm nay.
Tất Đạt