Tại phim trường ở tòa nhà thuộc khu ngoại ô thủ đô Seoul, một thanh tra đang đuổi theo gã đàn ông đã sống qua 600 năm vì mắc phải một lời nguyền. Những tiếng súng vang lên, kéo theo sự im lặng kéo dài. Rồi một giọng nữ hét lên, phá vỡ sự im lặng: "Tôi đã dặn là đừng có bắn vào tim anh ấy!"
Đó là một phân cảnh của "Bulgasal: Immortal Souls" - bộ phim giả tưởng có kinh phí 40 tỉ won của Hàn Quốc, sẽ được trình chiếu trên nền tảng Netflix trong tháng 12 tới đây. Jang Young-woo, đạo diễn phim hy vọng rằng bộ phim sẽ là sản phẩm mới nhất của Hàn Quốc có tiềm năng trở thành một hiện tượng toàn cầu, nhắm đến khán giả quốc tế.
Một cảnh trong "Bulgasal: Immortal Souls"
Trên thực tế, Hàn Quốc từ lâu đã nổi tiếng vì khả năng "xuất khẩu văn hóa". Trong nhiều thập kỷ, họ xây dựng danh tiếng nhờ ô tô và điện thoại di động, với những cái tên nổi tiếng là Hyundai và LG. Những bộ phim, show truyền hình, và âm nhạc thì chủ yếu thu hút khán giả trong khu vực.
Nhưng giờ thì đã khác. Từ những ngôi sao K-pop nổi tiếng như BTS hay BLACKPINK, cho đến drama siêu phẩm như "Squid Game" (Trò Chơi Con Mực) và phim điện ảnh "Parasite" (Ký Sinh Trùng), tất cả đã trở thành hiện tượng toàn cầu, tương tự như những chiếc smartphone của gã khổng lồ Samsung.
Đạo diễn Jang Young-woo
Giống như cái cách Hàn Quốc đã "mượn" Nhật Bản và Mỹ để phát triển năng lực sản xuất hàng hóa, các đạo diễn và nhà sản xuất của xứ sở kim chi suốt nhiều năm qua cũng đã học hỏi từ Hollywoods và những kinh đô giải trí khác, thu nhặt rồi tạo ra công thức của riêng mình với các nét chấm phá đặc trưng của văn hóa xứ Hàn. Cùng với sự xuất hiện của những nền tảng như Netflix phá tan rào cản về địa lý, Hàn Quốc chuyển mình từ "khách hàng" của phương Tây trở thành một "quả bom giải trí", xuất khẩu văn hóa đi khắp thế giới.
Từ "khách hàng" trở thành "quả bom văn hóa" toàn cầu
Chỉ riêng vài năm gần đây, người Hàn Quốc đã khiến thế giới phải kinh ngạc với "Parasite" - bộ phim đầu tiên "không phải tiếng Anh" đạt giải Oscar cho hạng mục "phim truyện hay nhất". Họ sở hữu một trong những nhóm nhạc lớn và nổi tiếng nhất thế giới, đó là BTS.
Netflix những năm qua đã trình chiếu 80 bộ phim của Hàn Quốc - cả phim điện ảnh lẫn phim truyền hình. Con số ấy vượt ngoài sức tưởng tượng của những người mộng mơ nhất vào thời điểm nền tảng này xuất hiện tại Hàn Quốc vào năm 2016. Hiện tại, 3 trong số 10 phim truyền hình ăn khách nhất trên Netflix đều là của xứ sở kim chi.
"Squid Game" xuất hiện và tạo ra nhiều kỷ lục
"Khi chúng tôi làm 'Mr. Sunshine' (Quý Ngài Ánh Dương), 'Crash Landing on You' (Hạ Cánh Nơi Anh) hay 'Sweet Home' (Thế Giới Ma Quái), chúng tôi không nghĩ nhiều về phản ứng của khán giả toàn cầu," - trích lời đạo diễn Jang. "Chúng tôi chỉ cố gắng làm ra một bộ phim thú vị và giàu ý nghĩa nhất có thể. Đó là khi thế giới bắt đầu thấu hiểu và nắm bắt được những cảm xúc mà chúng tôi cố gắng tạo ra trong suốt thời gian qua."
Nhu cầu cho các sản phẩm giải trí từ Hàn Quốc ngày càng tăng đã tạo ra nguồn cảm hứng cho nhiều người, trong đó có Seo Jea-won - người đã cùng vợ viết kịch bản cho "Bulgasal". Seo cho biết thế hệ của ông đã chìm đắm trong các siêu phẩm truyền hình của Mỹ, học hỏi những điều cơ bản nhất và rồi thử nghiệm thêm bằng cách đưa vào những màu sắc văn hóa Hàn Quốc.
"Khi các nền tảng như Netflix xuất hiện và tạo ra một cuộc cách mạng phim truyền hình, chúng tôi đã sẵn sàng để cạnh tranh rồi," - ông khẳng định.
Seo Jea-won - người viết kịch bản cho "Bulgasal"
Số lượng các sản phẩm văn hóa của Hàn Quốc vẫn còn là rất nhỏ nếu so với một số mặt hàng xuất khẩu chính của họ (như chất bán dẫn), nhưng nó đủ để tạo ra những ảnh hưởng khó lòng đong đếm. Tháng 9/2021, từ điển Oxford bổ sung thêm 26 từ mới bắt nguồn từ Hàn Quốc, trong đó có "hallyu" (tạm dịch: làn sóng Hàn Quốc). Nhiều quốc gia thậm chí còn khá dè chừng trước sự xâm lăng văn hóa này, với sự tồn tại của cộng đồng fan cuồng.
Nỗ lực không nghỉ và... thời đến cản không kịp
Thành công của họ không tự nhiên mà có. Rất lâu trước khi "Squid Game" ra mắt và lập nên nhiều kỷ lục, trước cả khi BTS được trình diễn tại Liên hợp Quốc, những bộ phim như "Winter Sonata" (Bản Tình Ca Mùa Đông) cùng các nhóm nhạc như Big Bang và SNSD đã sớm thống trị thị trường châu Á và nhiều khu vực khác. Nhưng họ đã không thể chạm đến tầm vóc toàn cầu giống như làn sóng đang có bây giờ. "Gangnam Style" của Psy là ngoại lệ, nhưng cũng chỉ được xem là one-hit wonder (tạm hiểu là "thành công nhất thời").
"Bản Tình Ca Mùa Đông", Big Bang và SNSD từng thống trị thị trường châu Á, nhưng chưa thể tiếp cận khán giả toàn cầu
"Chúng tôi thích kể chuyện và có những câu chuyện hay để kể," - Kim Young-kyu, CEO của Studio Dragon, hãng phim lớn nhất của Hàn Quốc. "Nhưng thị trường trong nước quá nhỏ, quá chật chội. Chúng tôi cần vươn ra thế giới."
Phải đến năm 2020, khi "Parasite" - phim điện ảnh nói lên thực trạng khoảng cách giàu nghèo - đạt giải Oscar, khán giả quốc tế mới thực sự chú ý đến Hàn Quốc, dù họ đã làm những sản phẩm tương tự từ cách đây khá lâu rồi.
"Parasite" - Phim điện ảnh đầu tiên "không phải tiếng Anh" đạt giải Oscar
"Thế giới đơn giản là không biết cho đến khi các nền tảng trực tuyến như Netflix và YouTube giúp họ tìm ra chúng, vào đúng thời điểm xu hướng giải trí trên internet lên ngôi," - Kang Yu-jung, giáo sư ĐH Kangnam nhận định.
Trước Netflix, chỉ một số đài truyền hình quốc gia nắm quyền kiểm soát toàn bộ ngành truyền hình tại Hàn Quốc. Họ sau đó đã bị lu mờ bởi các nền tảng trực tuyến và những hãng phim độc lập như Studio Dragon. "Độc lập" ở đây là về tài chính, đồng thời cho phép nghệ sĩ có được sự tự do để nhắm đến thị trường quốc tế.
Hàn Quốc có quy định kiểm duyệt rất "gắt" về những nội dung liên quan đến bạo lực và tình dục, nhưng Netflix thì lỏng lẻo hơn rất nhiều. Các nhà sản xuất cho biết quy định kiểm duyệt trong nước đã khiến họ phải đào sâu hơn, tạo ra các nhân vật và tình tiết cho hấp dẫn và hợp lý nếu mong được trình chiếu.
BTS - một trong những nhóm nhạc nổi tiếng nhất Hàn Quốc đã trở thành hiện tượng toàn cầu
BLACKPINK - nhóm nhạc nữ cực hot của K-pop hiện nay
Chẳng hạn, bộ phim thường phải rất giàu phân đoạn tương tác cảm xúc. "Anh hùng" trong phim phải có những khiếm khuyết, rồi người bình thường phải bị mắc kẹt trong những tình huống bất khả thi, rồi phải bám vào những giá trị như tình yêu, gia đình và quan tâm người với người. Các nhà sản xuất cho biết họ muốn tất cả nhân vật của họ bám sát với thực tế, "người" nhất có thể.
Là một đất nước đi lên từ chiến tranh, từ độc tài trở thành dân chủ và sở hữu nền kinh tế phát triển nhanh chóng, các nhà làm phim sẽ hướng đến những điều mà khán giả muốn xem và lắng nghe, và nó thường liên quan đến xã hội. Đa số các phim bom tấn sẽ có cốt truyện nhắm đến người bình thường, chẳng hạn như bất bình đẳng thu nhập, cùng với đó là sự tuyệt vọng và xung đột giai cấp theo sau.
Ảnh hưởng khó chối bỏ
Hwang Dong-hyuk - đạo diễn của "Squid Game" lần đầu làm nên tên tuổi của mình vào năm 2011 với "Dogani" (Sự Im Lặng) - một phim điện ảnh dựa trên scandal có thật về xâm hại tình dục ở một trường học với nạn nhân bị khiếm thính. Bộ phim đã tạo ra một làn sóng phẫn nộ trong công chúng, buộc chính phủ phải điều tra và loại bỏ giáo viên có tiền sử lạm dụng tình dục tại các trường dành cho học sinh khuyết tật.
"Một trong những nội dung đặc trưng của Hàn Quốc là tính tranh đấu," - Lim Myeong-mook, một tác giả về văn hóa Hàn Quốc. "Nó khơi dậy khao khát của mọi người, về sự tức giận và động lực của họ để tạo ra các phong trào tập thể." Và khi ngày càng nhiều người phải ở nhà vì đại dịch, sự phẫn nộ có thể leo thang và được đồng cảm hơn bao giờ hết bởi khán giả quốc tế.
Kim Young-kyu - CEO của Studio Dragon
"Các nhà sáng tạo của Hàn Quốc rất giỏi trong việc học hỏi, sao chép những điều thú vị từ nước ngoài, rồi khiến nó trở nên thú vị hơn nữa bằng những nét đặc trưng của mình," Lee Hark-joon, giáo sư ĐH Kyungil cho hay.
Trở lại với phim trường "Bulgasal", hàng chục nhân viên chạy đôn đáo, cố gắng để khiến từng chi tiết trở nên chân thật nhất. Từ làn khói lơ lửng, những giọt nước nhỏ xuống từ trần nhà, cho tới "gương mặt đau xót" của người đàn ông bị bắn gục. Dựa trên một số kịch bản kinh điển của Mỹ như "X-Files" và "Stranger Things", đạo diễn Jang thêm lần nữa tạo ra một tác phẩm đặc trưng của riêng người Hàn, xoay quanh cái gọi là "eopbo" - khi các việc thiện/ ác đều sẽ gây ảnh hưởng đến kiếp sau.
Jang cho biết, ông mong rằng khán giả quốc tế sẽ đón nhận bộ phim này, giống như cái cách mà "làn sóng Hàn Quốc" những năm qua đã làm được.
"Tóm lại là, thứ gì bán được ở Hàn, sẽ bán được cho cả thế giới."
Nguồn: NY Times
JD
Trí thức trẻ