Ngày 5-11, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) tổ chức hội thảo trực tuyến "Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP): Những điều doanh nghiệp (DN) cần biết". Đây là hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới có quy mô lớn nhất thế giới với 15 thành viên, gồm 10 nước ASEAN và Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, New Zealand; chiếm khoảng 30% dân số thế giới và 30% GDP toàn cầu.
Quy tắc xuất xứ "dễ thở" hơn
Tại hội thảo, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI, cho biết việc thực thi RCEP sẽ tạo nên khuôn khổ pháp lý ràng buộc trong khu vực về chính sách thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử (TMĐT)..., từ đó tạo ra sân chơi công bằng trong khu vực. "Hiệp định dự kiến có hiệu lực vào đầu năm 2022 trong bối cảnh thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang phải đối mặt với những tác động chưa từng có của đại dịch Covid-19. Do đó, RCEP mang nhiều kỳ vọng trở thành một xung lực mới cho nền kinh tế và các DN Việt Nam để có thể phục hồi và tăng trưởng sau đại dịch" - ông Phòng nhìn nhận.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập - VCCI, trong quá trình thực thi các FTA trước đây, không ít sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sử dụng nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ nước nằm ngoài FTA nên không đáp ứng yêu cầu xuất xứ để được hưởng ưu đãi thuế quan. Nay, Trung Quốc và Hàn Quốc - 2 quốc gia cung cấp nguyên liệu chủ yếu cho Việt Nam - đều nằm trong RCEP nên các vấn đề về quy tắc xuất xứ để hàng hóa xuất khẩu được hưởng ưu đãi thuế quan trở nên dễ dàng hơn. Do đó, DN cần tìm hiểu tiến trình, cam kết cụ thể trong RCEP để tận dụng được các cơ hội kỳ vọng từ hiệp định, đặc biệt là cơ hội tham gia sâu hơn, rộng hơn vào các chuỗi giá trị trong khu vực này.
Ngành thủy sản có thêm cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu nhờ RCEP. Ảnh: THÀNH TRUNG
Khuyến khích doanh nghiệp tận dụng
Mặc dù những lợi thế từ các FTA đã được chỉ ra nhưng theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, trên thực tế, không ít DN Việt Nam đã bỏ lỡ cơ hội do chưa biết đến hoặc chưa hiểu rõ về cam kết. Do đó, các hiệp hội, ngành hàng cần tăng cường thông tin, huấn luyện cho DN về nội dung của các FTA, trong đó có RCEP, để DN nắm được việc hài hòa quy tắc xuất xứ nội khối RCEP, sẽ giúp hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng khả năng đáp ứng điều kiện để hưởng ưu đãi thuế quan.
Trao đổi thêm với phóng viên Báo Người Lao Động, bà Mã Thị Thanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Sóc Trăng, cho hay ngay khi RCEP chưa có hiệu lực, các DN xuất khẩu thủy sản trên địa bàn đã khai thác tốt thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong khi đó, thị trường Úc và New Zealand còn khá xa lạ với DN bởi không thể cạnh tranh với các đối thủ về giá. Với cam kết ưu đãi thuế quan từ RCEP, DN hy vọng có thể tăng xuất khẩu sang các thị trường mới này. "Sau gần 2 năm diễn ra đại dịch Covid-19, đa phần DN trên địa bàn đã khá mệt mỏi để bám trụ, duy trì sản xuất an toàn. Hiện tại, nhiều DN rơi vào tình trạng có đơn hàng nhưng nhân công, chi phí vận chuyển lớn… Hầu như ít DN có đủ sức và sự quan tâm dành cho việc nghiên cứu để tận dụng ưu đãi từ các FTA mới như RECP, chỉ chủ yếu bám giữ thị trường cũ. Hy vọng từ đầu năm 2022 khi dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn, các DN sẽ có thời gian tính toán và cơ cấu lại thị trường, không bỏ lỡ cơ hội tốt để mở rộng thị trường, tăng trưởng xuất khẩu" - bà Thanh nói.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam, cho hay các DN trong ngành đã tận dụng khá tốt các thị trường thành viên RCEP từ nhiều năm nay. Do đó, khi RCEP chính thức có hiệu lực, khả năng hấp thụ sản phẩm của DN Việt Nam từ các thị trường này sẽ khó tăng thêm. Tuy nhiên, sau đại dịch, có thể có sự dịch chuyển, thay đổi giữa các thị trường xuất nhập khẩu trên thế giới. Như vậy, DN Việt Nam có thể nhanh chân tận dụng các cơ hội mới từ các thị trường cũ trên cơ sở có lợi thế về mặt thuế quan. "Với tốc độ hồi phục khá tốt của DN trong ngành cùng với nhiều FTA thế hệ mới đã ký kết, trong đó có RCEP, ngành da giày năm 2021 dự kiến về đích tương đương năm ngoái và có sự tăng trưởng mạnh vào năm 2022" - bà Xuân kỳ vọng.
Lãnh đạo một DN trong lĩnh vực thực phẩm cho rằng Việt Nam sẽ không tận dụng được ưu đãi từ RCEP một cách nhanh chóng do DN còn đang phải xoay xở hồi phục sau làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát mạnh mẽ. Tuy nhiên, với RCEP, DN sẽ có thêm cơ hội tốt cho tiến trình hồi phục của mình. Tất nhiên, để khai thác hiệp định có hiệu quả, các bộ - ngành, hiệp hội… cần tăng cường tập huấn, khuyến khích DN chủ động tận dụng ưu đãi.
Nhiều tiềm năng xuất khẩu trực tuyến sang châu Âu
Tại hội nghị "Triển vọng và giải pháp thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường châu Âu (EU) trong bối cảnh mới" do Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam cùng Trung tâm Hỗ trợ Hội nhập quốc tế TP HCM tổ chức ngày 5-11, bà Nguyễn Thảo Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương), nhìn nhận năm 2021, tuy hoạt động giao thương nhìn chung bị tắc nghẽn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 song xuất khẩu sang thị trường châu Âu vẫn khởi sắc. Sau 1 năm thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt 38,48 tỉ USD, tăng 11,3% so với năm trước đó.
Theo bà Hiền, số liệu thống kê của Ủy ban EU cho thấy tổng lượng tiêu dùng trực tuyến ở EU năm 2020 đạt 269 tỉ euro với tổng cộng 293 triệu người mua sắm trực tuyến. Trong đó, hơn 220 triệu người EU tham gia mua sắm trực tuyến xuyên biên giới. "TMĐT xuyên biên giới đang là cơ hội ngày càng lớn tại EU, mở ra triển vọng một kênh giao thương tiềm năng trong thời gian tới. DN Việt Nam có nhiều dư địa để tận dụng vì xuất khẩu sang EU hiện chỉ chiếm 20% tổng trị giá TMĐT của Việt Nam. Đặc biệt, trong EVFTA cũng có 1 chương về TMĐT với nhiều thỏa thuận về miễn thuế mà DN cần lưu ý để tận dụng" - bà Hiền nhìn nhận.
Xem thêm: mth.73013752250111202-pecr-ut-et-hnik-cuhp-ioh-ioh-oc-meht/et-hnik/nv.moc.dln