Ngày 5/11, giá vàng giao ngay trên thị trường New York đóng cửa ở mức 1.818 USD một ounce, lên gần sát ngưỡng cao nhất trong 2 tháng. Tuần này, các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới thể hiện quan điểm mềm mỏng về định hướng chính sách lãi suất cơ bản, nhu cầu đối với loại tài sản an toàn này vì thế tăng cao.
Bộ Lao động Mỹ cũng vừa công bố nền kinh tế có thêm 531.000 việc làm mới trong lĩnh vực phi nông nghiệp vào tháng 10. Trước đó, các chuyên gia chỉ dự báo khoảng 450.000 việc làm mới.
Tuy nhiên, theo chuyên gia phân tích thị trường cao cấp tại quỹ OANDA, ông Edward Moya, báo cáo thị trường việc làm mới nhất sẽ không làm thay đổi những thông điệp chính sách mà Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã đưa ra trong tuần này.
Ngày 3/11, Fed vẫn giữ quan điểm rằng lạm phát chỉ là vấn đề ngắn hạn, chính vì vậy không cần phải nhanh chóng nâng lãi suất cơ bản. Sau đó, Ngân hàng trung ương Anh đã khiến các thị trường ngạc nhiên bằng việc duy trì lãi suất ở mức hiện tại.
Trong tuần này, tuyên bố của ngân hàng trung ương các nước lớn đã giúp giá vàng đảo chiều từ những phiên thua lỗ trước đó và có tuần tăng mạnh nhất tính từ cuối tháng 8, mức tăng ghi nhận đạt 1,9%.
"Những người có quan điểm lạc quan về giá vàng dường như cảm thấy được khích lệ bởi quan điểm không vội vàng của Fed trong việc không sớm nâng lãi suất cơ bản đồng USD", chuyên gia phân tích tại FXTM – ông Lukman Otunuga phân tích.
Lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ trong phiên ngày 5/11 rơi xuống mức thấp nhất trong 1 tháng. Nhu cầu vàng vật chất tại Ấn Độ, nước tiêu thụ vàng lớn thứ hai trên thế giới, tăng trong tuần qua khi mà người tiêu dùng tận dụng cơ hội giá vàng giảm để mua vào chuẩn bị cho mùa lễ hội sắp tới.
Trên thị trường chứng khoán Mỹ, cả ba chỉ số chính đều lập mức kỷ lục mới sau khi báo cáo thị trường lao động Mỹ phát đi tín hiệu tích cực hơn kỳ vọng, gợi mở về quá trình phục hồi kinh tế.
Ngoài ra, thông tin mới về thuốc điều trị Covid-19 của Pfizer giúp mang đến hy vọng về khả năng sẽ có quá trình mở cửa nền kinh tế suôn sẻ; cổ phiếu của các hãng hàng không và du thuyền tăng vọt.
Chốt phiên, chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones nhích thêm gần 0,6% lên 36.327,9 điểm; chỉ số S&P 500 tăng 0,4% và đóng cửa tại 4.697,5 điểm và ghi nhận ngày tăng thứ bảy liên tiếp; chỉ số Nasdaq ghi nhận mức tăng 0,2% lên 15.971,5 điểm.
Nhận xét về tâm lý nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, trưởng bộ phận đầu tư tại quỹ Cornerstone Wealth – ông Cliff Hodge, nhận xét: "Thị trường đang đón nhận thông tin về việc làm tốt hơn kỳ vọng. Tất cả ngành đều đang tăng trưởng, ngành sản xuất có thể coi như điểm sáng".
Tất cả chỉ số chính của thị trường đều khép lại một tuần tăng điểm. Trong tuần, chỉ số S&P 500 tăng 2% và tính từ đầu năm 2021 đến nay đã tăng 25%; chỉ số Dow Jones và Nasdaq lần lượt tăng 1,4% và 3,1% - tuần lên điểm mạnh nhất tính từ tháng 4.
Diệu Thanh (Theo CNBC)