Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (Hội nghị COP26) năm nay đã phải đối mặt với một thách thức lớn khi các nước phát triển chưa thể thực hiện được mục tiêu hỗ trợ tài chính khí hậu cho các nước đang phát triển như đã cam kết đề ra cách đây hơn 1 thập kỷ.
Từ năm 2009, các quốc gia giàu có đã cam kết huy động 100 tỷ USD mỗi năm trong giai đoạn từ 2020 - 2025 để giúp các nước đang phát triển đối phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, các số liệu thống kê của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho thấy, trong năm 2019, con số cao nhất cũng chỉ đạt gần 80 tỷ USD. Nhiều cam kết tài trợ mới đã được đưa ra tại Hội nghị COP26. Điều này khiến các nước phát triển tin rằng, đến năm 2023, họ có thể đạt được mục tiêu đã đề ra.
"Trên cơ sở thông tin từ các nhà tài trợ, phân tích của OECD cho thấy rằng các nước phát triển sẽ đạt được bước tiến đáng kể đến mục tiêu 100 tỷ USD vào năm 2022. Tôi tin rằng, chúng ta có thể sẽ đạt được mục tiêu đó vào năm 2023. Trong giai đoạn 5 năm từ 2021 - 2025, chúng ta hoàn toàn có thể đạt được tổng mức hỗ trợ trên 500 tỷ USD", Chủ tịch Hội nghị COP26 Alok Sharma cho biết.
Chủ tịch COP26 Alok Sharma phát biểu khai mạc hội nghị hôm 31/10 tại Glasgow, Anh. (Ảnh: Reuters)
Tuy nhiên việc các nước phát triển chậm trễ hoàn thành các mục tiêu như đã cam kết được dự báo sẽ làm xói mòn niềm tin của các quốc gia đang phát triển. Trong khi đó, tại các cuộc đàm phán về chống biến đổi khí hậu, niềm tin giữa các quốc gia lại là một trong những nền tảng quan trọng nhất dẫn đến thành công.
Nguyên nhân các nước không hoàn thành mục tiêu tài chính khí hậu
Có thể thấy, mục tiêu 100 tỷ USD/năm là một cột mốc mang tính biểu tượng cho sự hợp tác giữa các quốc gia trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Vậy tại sao trong suốt một thời gian dài, các nước phát triển chưa thể hoàn thành được mục tiêu này?
Theo trang Politico, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là việc Mỹ đã cắt giảm các nguồn tài trợ liên quan đến chương trình chống biến đổi khí hậu dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump.
Trong giai đoạn 2017 - 2018, Mỹ chỉ đóng góp gần 1,9 tỷ USD, trong khi nếu xét về quy mô kinh tế và dân số, mức chia sẻ công bằng phải gấp 23 lần con số này.
Tuy nhiên, một nguyên nhân quan trọng hơn chính là việc giữa các nước phát triển chưa có một sự quy định rõ ràng về mức đóng góp tài chính cụ thể.
Để phân tích sâu hơn về câu chuyện thực hiện cam kết tài chính khí hậu này, phóng viên VTV đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ông Tấn hiện đang là Phó Trưởng đoàn đàm phán của Việt Nam về Biến đổi khí hậu tại Hội nghị COP26 ở Glasgow.
PV: Thưa ông Tấn, việc các nước giàu có đóng góp tài chính để hỗ trợ các quốc gia đang phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu đang được thực hiện như thế nào?
Ông Phạm Văn Tấn, Phó Trưởng đoàn đàm phán của Việt Nam về Biến đổi khí hậu: Đóng góp này mang tính chất bắt buộc đối với tất cả các nước phát triển, nhưng lại không quy định cụ thể thế nào là đóng góp và đóng góp bao nhiêu đối với mỗi nước. Cũng mới chỉ huy động được 80 tỷ USD. Đây là con số các nước phát triển thống kê chứ chưa được các nước đang phát triển kiểm chứng. Một số người nói dịch COVID ảnh hưởng đến đóng góp, nhưng theo tôi đây không phải là lý do chính. Lý do chính là không rõ trách nhiệm cụ thể, lộ trình nên các nước thường nhìn nhau để đóng góp. Đây là điều cả thế giới không mong muốn và cho rằn, đóng góp như vậy là không minh bạch và yêu cầu về làm rõ vấn đề tài chính khí hậu đã được các quốc gia đưa ra trong khoảng 10 hội nghị toàn cầu về biến đổi khí hậu.
PV: Khái niệm về tài chính khí hậu là gì mà 10 kỳ Hội nghị COP vẫn còn tranh cãi và tại COP26 năm nay, sau tuần đàm phán đầu tiên, các bên đã có bước tiến gì?
Ông Phạm Văn Tấn, Phó Trưởng đoàn đàm phán của Việt Nam về Biến đổi khí hậu: Có thể nói tài chính khí hậu hiện nay là một khái niệm rất mơ hồ. Qua 10 năm đàm phán, lúc đầu các nước đang phát triển đòi hỏi tài chính khí hậu phải là tài chính công, tức là do nhà nước các nước phát triển bỏ ra khoản tiền cụ thể hàng năm đóng góp vào ngân sách chung của toàn cầu để cho các nước đang phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu. Nguồn này không kể các nguồn lực tư nhân, nhưng trong quá trình vừa qua, đầu tư tư nhân đã được cho là một phần của tài chính khí hậu. Điểm thứ hai lúc đầu cũng đề nghị đó là các cái khoản tài chính khí hậu phải là tài chính không hoàn lại, nghĩa là cung cấp không có điều kiện vay, không có bất cứ một điều kiện nào cho các nước đang phát triển, nhưng hiện nay khoản cho vay đang chiếm phần lớn trong đóng góp tài chính cho vấn đề ứng phó biến đổi khí hậu. Điểm tiếp đó là khoản hỗ trợ tài chính, nó phải thêm vào bên cạnh nguồn ODA hiện có vì vấn đề biến đổi khí hậu nên khoản hỗ trợ này phải cao hơn, phải lấy cơ sở là ODI hiện có cộng thêm những khoản bổ sung thêm. Tất cả những vấn đề này qua nhiều năm đã có thay đổi, những cái khoản hỗ trợ đấy đi vào các quốc gia và được chi tiêu như thế nào, thì các nước đang phát triển đòi hỏi phải có một cái phần gọi là minh bạch trong hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu.
(Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters)
Hiệu quả thực chất các khoản đóng góp tài chính
Số liệu từ OECD trong giai đoạn 2017 - 2018 cho thấy, 80% mức cam kết tài chính khí hậu của các nước giàu được thực hiện dưới dạng các khoản vay, không phải trợ cấp một chiều. Đã là vay thì sẽ có lãi suất, trong đó nhiều hơn là lãi suất thương mại như trên thị trường. Như vậy, trong khi nhận được những khoản hỗ trợ tài chính để ứng phó với biến đổi khí hậu, nhiều quốc gia đang và kém phát triển cũng phải đối mặt với những gánh nặng nợ không mong muốn. Hệ quả của điều này là việc tỷ lệ giải ngân từ các Quỹ Chống biến đổi khí hậu vốn được cam kết từ những lần họp thượng đỉnh COP trước là rất thấp.
PV: Quá trình giải ngân các khoản tài trợ cho các nước đang và kém phát triển đang gặp phải những khó khăn gì?
Ông Phạm Văn Tấn, Phó Trưởng đoàn đàm phán của Việt Nam về Biến đổi khí hậu: Có thể thấy việc có được tiền đã là rất khó, nhưng để tiền đó về được quốc gia lại càng khó hơn. Có 2 quỹ đã được các bên tham gia công ước khung Liên Hợp Quốc về chống biến đổi khí hậu chỉ định để giải ngân khoản huy động cho các nước đang phát triển ứng phó biến đổi khí hậu là quỹ môi trường toàn cầu và quỹ khí hậu xanh. Tuy nhiên tỷ lệ giải ngân rất thấp. Trong đó, quỹ môi trường toàn cầu chỉ giải ngân được cỡ khoảng 16% cho thích ứng và 7% cho giảm nhẹ phát thải. Quỹ khí hậu xanh cả giai đoạn 2013 - 2017 huy động được 2,44 tỷ USD, nhưng theo báo cáo của tổ chức này gửi OECD thì không giải ngân được đồng nào. Lý do chính là thủ tục phức tạp. Từ lúc đề xuất ý tưởng dự án cho đến lúc tiền về được đến quốc gia, nhanh nhất trong thời gian qua là mất khoảng 3 năm. Vì vậy, đây đã trở thành nút thắt cho các nước trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
VTV.vn - COP26 vừa chính thức khai mạc tại Vương quốc Anh với mục tiêu lớn là huy động nguồn lực tài chính cho các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.90641405160111202-uah-ihk-hnihc-iat-tek-mac-neih-cuht-gnort-cuht-hcaht/et-hnik/nv.vtv