Chương trình workshop “Sinh viên và kỹ năng tài chính thông minh thời 4.0” - Ảnh chụp màn hình
Ngày 6-11, Báo Tuổi Trẻ phối hợp với Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) tổ chức chương trình workshop “Sinh viên và kỹ năng tài chính thông minh thời 4.0”.
Chương trình nằm trong chuỗi sự kiện Ngày không tiền mặt do Báo Tuổi Trẻ, Vụ thanh toán, Vụ truyền thông Ngân hàng Nhà nước phối hợp thực hiện.
Nhiều rủi ro nếu không kiểm soát được chi tiêu
Theo nhà báo Võ Hùng Thuật, phó giám đốc Trung tâm truyền thông Báo Tuổi Trẻ, các bạn sinh viên hiện nay đều thuộc thế hệ Z (18 - 23 tuổi), thế hệ được tiếp cận với công nghệ hiện đại từ rất sớm, tư duy phóng khoáng hơn, có hiểu biết và nhận thức sớm về tài chính.
"Điều này mang đến cho GenZ cuộc sống năng động, thoải mái, làm hết mình và cũng không ngần ngại tận hưởng cuộc sống, chiều chuộng bản thân. Tuy nhiên bên cạnh đó sẽ là việc đối mặt với vấn đề không kiểm soát và cân bằng được chi tiêu, xuất hiện những món nợ xấu hoặc không có khoản tiền dự phòng rủi ro”, ông Thuật nhận định.
“Nếu không được trang bị kiến thức đầy đủ, chúng ta có thể tự gây ra rủi ro cho chính mình. Ví dụ chúng ta vô tình cung cấp mã xác thực OTP cho người khác, hoặc cho mượn thẻ tín dụng. Khi sử dụng các dịch vụ ngân hàng, có những kiến thức căn bản mà vì thói quen nhiều người dùng lại bỏ qua như cho người khác mượn sổ, ký khống giấy tờ ngân hàng, hoặc vay tiền ngân hàng hộ người khác.
Hay như khi cần tiền, thay vì có thể sử dụng các thẻ tín dụng để chi tiêu trước trong hạn mức cho phép của ngân hàng mà thông thường trả trong 45 ngày và ngân hàng không tính lãi, nhiều bạn sinh viên lại đi vay tín dụng đen”, bà Lê Thị Thúy Sen, vụ trưởng Vụ truyền thông, Ngân hàng Nhà nước, cho biết.
Ở phạm vi rộng hơn, PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh, phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết đại dịch COVID-19 đã và đang gây ra rất nhiều hệ lụy cho người dân, đặc biệt ảnh hưởng của đại dịch lên nền kinh tế đã tạo ra khó khăn, áp lực trong mọi hoạt động sinh hoạt, học tập hàng ngày.
Trong thời gian qua, hàng chục nghìn người dân đã phải rời khỏi TP.HCM vì nhiều lý do, trong đó có lý do về tài chính khi họ không có thu nhập, không có bảo hiểm, không có tiết kiệm… Điều đó cho thấy tầm quan trọng của việc quản lý tài chính cá nhân trong cuộc sống nhiều biến động hiện nay.
Trang bị kỹ năng cho sinh viên
Theo nghiên cứu của Visa, lứa tuổi GenZ chiếm đến 69% hành vi mua sắm trực tuyến thông qua các ứng dụng hay website trên mạng. Lứa tuổi này cũng chiếm đến 52% việc mua sắm thông qua mạng xã hội như Facebook.
Đối với các công nghệ mới trong thanh toán, GenZ có mức độ nhận biết về thanh toán bằng sinh trắc học chiếm đến 84% và tham gia vào thanh toán chiếm đến 88%...
“Các bạn có sức trẻ, có kiến thức, có kỹ năng cũng như cơ hội tiếp cận nhiều công nghệ mới. Họ là thế hệ đóng vai trò dẫn dắt vô cùng quan trọng giúp Việt Nam trở thành thị trường không dùng tiền mặt và ứng dụng các công nghệ một cách hiệu quả nhất trong lĩnh vực thanh toán cũng như các lĩnh vực về phát triển số khác”, bà Đặng Tuyết Dung, giám đốc Visa Việt Nam và Lào, đánh giá.
Chính vì vậy, việc tuyên truyền nhận thức, nâng cao kỹ năng quản lý tài chính cho sinh viên ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường là vô cùng cần thiết. Hiện nay, nhiều chương trình đã được các doanh nghiệp, cơ quan chức năng, ngân hàng tổ chức hướng đến các bạn sinh viên.
Chẳng hạn, chương trình kỹ năng quản lý tài chính do Visa phối hợp với Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam. Đây là chương trình trang bị cho sinh viên những kỹ năng, kiến thức về quản lý tài chính, kỹ năng vận hành doanh nghiệp trong thời đại kỹ thuật số…
“Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia và các đề án của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, tăng cường thanh toán các dịch vụ công qua ngân hàng, đồng thời hạn chế tình trạng 'tín dụng đen', Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ phối hợp với các trường ĐH ở TP.HCM cũng như các cơ quan báo chí thực hiện những chương trình truyền thông để phổ cập các kiến thức về tài chính ngân hàng cho sinh viên, trang bị các kỹ năng tài chính để sinh viên trở thành những người sử dụng dịch vụ tài chính thông minh”, bà Lê Thị Thúy Sen, vụ trưởng Vụ truyền thông, Ngân hàng Nhà nước, cho biết.
Bên cạnh đó, với sự phát triển của công nghệ, việc quản lý tài chính cá nhân hiện nay không còn cần phải ghi chép vào giấy các khoản thu chi như “thời ông bà anh” mà có thể chỉ cần một ứng dụng ngân hàng số.
Theo ông Phạm Đức Duy, giám đốc Trung tâm thẻ, Ngân hàng Sacombank: “Hiện Sacombank cũng như các ngân hàng khác đều xây dựng những ứng dụng ngân hàng số đa tính năng đóng vai trò như một trợ lý quản lý tài chính cho cá nhân”.
Tương tự, ông Phạm Quang Khánh, phó trưởng đại diện Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS), cho rằng: “Việc đầu tiên các bạn có thể bắt đầu là thay vì bỏ tiền mặt ở trong ví có thể dẫn đến thất lạc, mất cắp, thì mình hãy mở một tài khoản ngân hàng.
Điện thoại thông minh bây giờ ai cũng có thì mình có thể mở một ứng dụng mobile banking của ngân hàng đi kèm. Với tính linh hoạt, thích nghi của các bạn trẻ bây giờ thì việc thông thạo sử dụng cũng không phải là một điều khó”.
Theo nhà báo Võ Hùng Thuật, “việc trang bị cho mình những kỹ năng tài chính thông minh rất cần thiết bởi việc hoạch định tài chính sẽ giúp các bạn trẻ tận hưởng hết mình tự do và đam mê tuổi trẻ, vừa tạo nền móng tài chính vững chắc cho tương lai”.
TTO - Agribank cùng ngành ngân hàng đã và đang đưa ra nhiều giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt là trong bối cảnh dịch COVID-19 còn nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay.
Xem thêm: mth.78023110260111202-hnihc-iat-yl-nauq-gnan-yk-ib-gnart-iahp-0-4-ioht-neiv-hnis-oas-iat/nv.ertiout