Cuối tháng 10/2021, giới nhà giàu và siêu giàu ở xứ sở cờ hoa không ngớt xôn xao bàn tán về "cú xuống tay nặng ký" trị giá 354 triệu USD của "ai đó" để mua đứt một khu phức hợp siêu sang tọa lạc dọc biên giới tiểu bang California và Nevada mang tên Hyatt Regency Lake Tahoe Resort.
Khu nghỉ dưỡng này có quy mô 422 phòng cùng với hàng loạt tiện ích sang trọng khác, như du thuyền, bãi biển, sòng bạc, spa,... Đây chính là nơi mà cô đào huyền thoại Marilyn Monroe đã đến nghỉ ngơi và qua đời bí ẩn vào ngày 5/8/1962.
Như vậy, khu nghỉ dưỡng này là "món đồ chơi" mới nhất được bổ sung vào bộ sưu tập bất động sản lớn mà chủ nhân của nó đang sở hữu, trải dài từ 98% hòn đảo Lanai thuộc quần đảo Hawaii cho đến tận khu dân cư Pacific Heights ở San Francisco, nơi sinh sống của giới siêu giàu nước Mỹ.
Tất nhiên là giới truyền thông cũng không thể ngồi yên với tin tức nóng sốt này, và ngay lập tức, tung tích vị chủ nhân mới của khối bất động sản khổng lồ cả về diện tích lẫn giá trị đã được nhanh chóng "khai quật".
Và nhân vật đó không ai khác, chính là Larry Ellison, tỷ phú công nghệ, đồng thời là "cha đẻ" của tập đoàn Oracle nổi tiếng. Ông cũng chính là người giàu thứ 6 trên thế giới do tạp chí Forbes bình chọn vào đầu tháng 4/2021 với khối tài sản khủng lên tới 130.8 tỷ USD.
Khu nghỉ dưỡng phức hợp cao cấp Hyatt Regency Lake Tahoe vừa được tỷ phú Larry Ellison mua lại cuối tháng 10/2021 (Ảnh: Hyatt)
Không chỉ giàu nứt đố đổ vách, "tay chơi" 77 tuổi này còn là một trong những nhân vật được cho là có một cuộc đời đầy thú vị và đáng được khai thác nhất trong giới công nghệ vốn vẫn luôn ngập tràn những điều thú vị.
Vị tỷ phú không có duyên với bằng cấp
Lawrence Joseph Ellison sinh ngày 17/8/1944 ở phía Nam thành phố Chicago (Mỹ). Ngay khi chưa đầy 1 tuổi, cậu bé Ellison ốm quặt quẹo đã được chú thím đón về nuôi bởi người mẹ trẻ đơn thân mới 19 tuổi quá nghèo của cậu không đủ khả năng chăm sóc con mình. Kể từ đó, Ellison sống một cuộc sống khá giả nhờ sự chu cấp đầy đủ của người bố nuôi là một công chức chính phủ cùng sự bảo bọc chăm lo của người thím hết mực yêu thương ông.
Những năm đầu đời, Ellison được gửi vào học tại trường tiểu học Eugene Field ở Chicago và học cấp 3 ở trường Sullivan năm 1959. Là một cậu bé cực kỳ thông minh, thế nhưng Ellison lại tỏ ra không mấy hứng thú với những môn học khô khan được dạy ở trường.
Khi ông đang là sinh viên năm thứ 2 ở Đại học Illinois thì một biến cố lớn đã xảy ra. Người thím yêu quý, cũng là mẹ nuôi của ông đột ngột qua đời khiến ông cảm thấy chán nản đến nỗi không thiết tha gì với việc học hành nữa, và đã quyết định bỏ ngang cuộc đời sinh viên. Ít lâu sau, ông ghi danh lại vào Đại học Chicago, ngành Vật lý. Đây cũng là lúc ông có cơ hội tiếp cận với máy tính và bắt đầu bị "cỗ máy ma lực" này cuốn hút.
Cậu bé Larry Ellison khi còn nhỏ sống cùng bố mẹ nuôi (Ảnh: Childhood Biography)
Tuy nhiên, cũng giống như một số đại gia công nghệ khác, Ellison chưa bao giờ hoàn thành bất cứ chương trình học nào ở các trường đại học. Thay vào đó, ông chọn "trường đời" làm nơi tạo nền tảng cho sự phát triển và thành công của bản thân.
Lúc 22 tuổi (năm 1970), Ellison quyết định rời đại học, chuyển đến Berkley, nơi ông bắt đầu công việc đầu tiên của mình tại công ty Ampex. Ở đây, chàng trai trẻ được giao quản trị dữ liệu và lập trình máy tính. Đây chính xuất phát điểm quan trọng giúp Ellison dựng nên "đế chế công nghệ" là tập đoàn Oracle về sau.
Trong thời gian làm việc tại Ampex, ở tuổi 33, Ellison gặp gỡ, kết giao với Ed Oates và Bob Miner. Bộ ba này quyết định cùng nhau mở công ty phát triển phần mềm Software Development Laboratories (SDL) với số vốn ban đầu chỉ vỏn vẹn 2.000 USD cùng 8 nhân viên. Khách hàng lớn đầu tiên của họ chính là Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA).
Đến năm 1979, cả nhóm quyết định đổi tên thành Công ty phần mềm Relational Software, chuyên tập trung vào lĩnh vực xây dựng và quản trị dữ liệu, đồng thời tìm kiếm cơ hội hợp tác với "ông lớn" IBM. Một trong những sản phẩm đầu tiên của mối quan hệ hợp tác này chính là hệ thống Oracle Database 2 được phát hành vào cuối năm 1979. Không chỉ dừng lại ở đó, công ty của họ còn mở rộng thêm quy mô bằng việc cung cấp các giải pháp phần cứng, phần mềm, và cả dịch vụ tư vấn giúp doanh thu đạt 1 triệu USD.
Oracle - "Con gà đẻ trứng vàng"
Vào năm 1983, Ellison cùng các đồng sự quyết định thêm một lần nữa đổi tên công ty thành Oracle Systems Corporation (sau này được biết đến một cách phổ biến là Oracle). Cùng với tên mới, công ty cũng bắt đầu tự tin đặt chân vào những thị trường mới bằng cách xây dựng các sản phẩm cơ sở dữ liệu cho Windows và Unix, vốn chịu sự cạnh tranh gay gắt với nhiều đối thủ sừng sỏ thời bấy giờ.
Nhờ khả năng lãnh đạo của Ellison, Oracle tiếp tục đà phát triển và trở thành một trong những nhà cung cấp uy tín trong lĩnh vực quản trị dữ liệu, middleware (phần mềm máy tính với nhiệm vụ kết nối các thành phần phần mềm hoặc các ứng dụng với nhau), phát triển phần mềm, ứng dụng và cung cấp giải pháp cho các doanh nghiệp.
Ellison giàu lên nhanh chóng nhờ sự phát triển trong kinh doanh của Oracle (Ảnh: Forbes)
Công việc kinh doanh ăn nên làm ra và không ngừng phát triển cũng đã giúp biến Ellison nhanh chóng trở thành một doanh nhân giàu có. Ông chính thức đặt chân vào "bộ lạc" của những tỷ phú từ những năm 1990, đồng thời cùng là thành viên quản lý cấp cao trong hàng loạt đại công ty sau đó, bao gồm: Apple (1997) và Tesla (2018).
Năm 1992, Ellison cho trình làng một phiên bản phổ biến của hệ thống dữ liệu có tên gọi là Oracle 7, giúp đưa công ty lên tột đỉnh vinh quang trong lĩnh vực quản trị cơ sở dữ liệu. Ngân hàng, các tập đoàn tài chính, cơ quan chính phủ, hãng hàng không cùng hàng loạt lĩnh vực khác trong cuộc sống đã phải dựa vào hệ thống máy tính với dịch vụ do Oracle cung cấp. Tờ Wall Street Journal lúc ấy thậm chí còn gọi Ellison là "vị giám đốc được trả lương cao nhất thế giới", hàm ý lợi nhuận thu được của công ty Oracle do ông làm chủ thuộc dạng "khủng" nhất thời bấy giờ với 1.84 tỷ USD.
Thừa thắng xông lên, vị tỷ phú công nghệ này tiếp tục vung tiền mua lại hàng loạt doanh nghiệp khác để sáp nhập vào công ty của mình, bao gồm những cái tên đình đám như: Retek, PeopleSoft, Hyperion Solutions, và Siebel Systems.
Tháng 11/2000, ông được tạp chí Fortune đưa lên trang bìa với dòng title in đậm "Người đàn ông giàu nhất thế giới". Tập đoàn Oracle nhanh chóng vươn vai trở thành một người khổng lồ với hơn 136.000 nhân viên, 430.000 khách hàng tại 175 quốc gia, 20.000 đối tác trên toàn cầu. Doanh thu hàng năm của Oracle lên tới 40 tỷ USD theo số liệu báo cáo năm 2019.
Năm 2009, Ellison kiếm được tổng cộng khoảng 57 triệu USD. Cũng trong thời gian đó, ông quyết định mua lại Sun Microsystems, giúp Oracle có được quyền kiểm soát cơ sở dữ liệu mở MySQL phổ biến mà Sun đã mua trước đó một năm. Tính đến năm 2019, tập đoàn công nghệ này đã chi tới 80 tỷ USD cho 140 thương vụ mua lại đình đám trên khắp thế giới.
Năm 2014, Ellison thôi giữ vị trí CEO để trở thành Chủ tịch kiêm Giám đốc công nghệ (CTO) của Oracle. Trong một cuộc trò chuyện với các học viên cao học tại Đại học Southern California, ông nói: "Đừng e ngại việc thí nghiệm và làm thử nhiều thứ. Và cũng đừng để những kẻ được cho là chuyên gia làm bạn nhụt chí khi bạn đang thách thức những điều khác lạ".
Larry Ellison còn là một tỷ phú quyên tặng nhiều tiền cho các hoạt động từ thiện (Ảnh: Toru Yamanaka/AFP/Getty Images)
Bên cạnh công việc kinh doanh, Ellison còn là một nhà đại từ thiện. Năm 2010, ông đã ký một bản cam kết sẽ cho đi 95% tài sản của mình trước khi chết để làm từ thiện. Vào tháng 5/2016, ông đã tài trợ khoản ngân sách trị giá 200 triệu USD để xây dựng một trung tâm điều trị bệnh ung thư tại Đại học Nam California.
Để từ một cậu bé không cha, xuất thân nghèo khó trở thành một người thành công về sau, bên cạnh sự nỗ lực của bản thân còn phải kể đến người bạn đồng hành thân thiết của Ellison, chính là sách.
Trong một lần nói chuyện với các bạn trẻ tại trường đại học, khi được đề nghị giới thiệu những cuốn sách mà ông tâm đắc nhất, Ellison đã chia sẻ 03 tác phẩm "đáng đọc" cho bất cứ ai muốn khởi nghiệp thành công hoặc trở thành những con người có tâm hồn cởi mở:
"High Output Management" của tác giả Andrew Grove (cựu CEO của Intel)
"Suối nguồn" (The Fountainhead) của tác giả Ayn Rand
"The Mythical Man-Month: Essays on Software Engineering", một cuốn sách về quản trị dự án phần mềm của tác giả Fred Brooks
tham vọng "Thành phố thông minh" ở Việt Nam
Tập đoàn Oracle đặt chân vào thị trường Việt Nam từ năm 1993 với việc thành lập Công ty Oracle Việt Nam tập trung vào hoạt động chính là kinh doanh phần mềm, vốn là thế mạnh của tập đoàn này trên toàn cầu.
Với trụ sở chính ở Hà Nội và chi nhánh ở TP.HCM, sau 28 năm hoạt động, hiện Oracle Việt Nam là một trong những nhà cung cấp phần mềm quản trị hệ thống cơ sở dữ liệu lớn nhất tại Việt Nam với hệ thống Oracle Database và các dịch vụ nền tảng đám mây của mình theo đúng định hướng phát triển của Oracle toàn cầu.
Năm 2019, tại Hội nghị Oracle Openworld thường niên được tổ chức tại TP. San Francisco, California (Mỹ), nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Oracle, ông Larry Ellison, đã tuyên bố sứ mệnh mới của Oracle là "giúp mọi người nhìn dữ liệu theo cách mới, khám phá ra các sự thật ngầm hiểu và mở ra những khả năng vô tận".
Ông Phạm Hồng Phong, Tổng Giám đốc Điều hành Oracle Việt Nam (Ảnh: Techtimes)
Theo ông Phạm Hồng Phong - Tổng Giám đốc Điều hành Oracle Việt Nam thì đây là tầm nhìn mới mà Oracle mong muốn thực hiện nhằm "đem lại cơ sở hạ tầng Đám mây hiện đại, công nghệ Tự động hoá tiên phong, giải pháp toàn diện cho ứng dụng đám mây trong hoạt động kinh doanh, sản phẩm và dịch vụ an ninh chuyên nghiệp, dịch vụ phân tích dữ liệu lớn đa dạng, và nền tảng mở hiện đại giúp tất cả mọi người có thể sáng tạo nên những cải tiến mới".
Để có thể hiện thực hóa tầm nhìn này ở Việt Nam, Oracle Việt Nam đã tập trung phát triển các giải pháp công nghệ mang tính thực tiễn và ứng dụng cao, giúp doanh nghiệp chủ động đáp ứng các nhu cầu thay đổi liên tục của thế hệ người tiêu dùng công nghệ mới. Đặc biệt, Oracle Việt Nam tích cực hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp, ngân hàng để góp phần đem đến cách nhìn mới về dữ liệu và biến tài sản này trở thành giá trị kinh doanh thực tế. Một số dự án hợp tác với các ngân hàng, doanh nghiệp lớn ở Việt Nam đã thành công.
Đối với lĩnh vực đầu tư công thì mục tiêu xây dựng Thành phố thông minh" (Smart city) hiện đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo chính quyền địa phương các thành phố lớn tại Việt Nam, như: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Bình Dương và Nha Trang... nhằm mang lại sự đồng bộ, hiện đại và bền vững cho cơ sở hạ tầng cũng như sự phát triển của kinh tế - xã hội, nhất là sau thời gian gần 2 năm chịu những tác động nặng nề từ đại dịch COVID-19..
"Nghiên cứu cho thấy, Hà Nội được xếp nằm trong nhóm các thành phố lớn dẫn đầu ở khu vực trong vấn đề nâng cao khuôn khổ xây dựng "Thành phố thông minh", cũng như có các bước tiến trong các hạng mục thuộc Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs). Đây là minh chứng cho thấy Việt Nam đã sẵn sàng trong việc phát triển các "Thành phố thông minh" thích nghi với mọi thay đổi trong tương lai cho người dân", ông Phạm Hồng Phong cho biết.
Một mô hình thành phố thông minh được Oracle mô phỏng bằng bộ lắp ghép Lego (Ảnh: Codemotion)
Để có thể hỗ trợ Việt Nam xây dựng thành công mô hình "Thành phố thông minh", Oracle Việt Nam đang triển khai cung cấp các dịch vụ dựa trên dữ liệu có khả năng tăng cường mức độ tham gia của cộng đồng trong mọi lĩnh vực ưu tiên của chính quyền địa phương - từ y tế công cộng đến thanh toán.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp này còn hỗ trợ các thành phố tương lai tận dụng khối lượng dữ liệu lớn, kết hợp từ AI và học máy để chuyển đổi các nền tảng sẵn có thành các dịch vụ công dân tự động và thân thiện với người dùng.
Nguyễn Thuận
Doanh nghiệp tiếp thị