Trong bài viết ngày 4/11 trên tờ Nikkei Asia, cây bút bình luận Katsuji Nakazawa cho rằng, nền kinh tế ngày càng có dấu hiệu suy yếu của Trung Quốc đang phủ bóng đen u ám lên các chính sách của Chủ tịch Tập Cận Bình, nhất là chiến lược "thịnh vượng chung"
Trung Quốc "sốc" vì kinh tế suy yếu
Một nguồn tin Trung Quốc thân cận với các nhà hoạch định chính sách kinh tế của nước này cho biết, mối lo này đã hiện hữu rõ nét trong một bài báo đăng ngày 24/10 của Tân Hoa Xã, cơ quan ngôn luận chính thức của Trung Quốc.
Tiêu đề của bài báo là: "10 câu hỏi về nền kinh tế Trung Quốc" và một trong 10 câu hỏi là: "Làm thế nào để ‘làm cho chiếc bánh lớn hơn’ và 'chia chiếc bánh thật tốt?".
"Chiếc bánh" ở đây được hiểu là thành quả của sự tăng trưởng kinh tế.
Bài báo ngày 24/10 cho biết, thịnh vượng chung không phải là mọi người đều phát triển cào bằng như hay kiểu "lấy của người giàu chia cho người nghèo", mà là việc "từng bước hiện thực hóa về thịnh vượng hài hòa cho tất cả mọi người".
Đó là một thông điệp đề ra nhằm mang lại cảm giác đảm bảo cho giới kinh doanh cũng như cho các thị trường đang lo sợ bởi chính sách này sẽ gây sụt giảm kinh tế.
Evergrande giáng đòn mạnh vào nền kinh tế Trung Quốc. Ảnh Reuters
Tuy nhiên, chiến lược này đang gặp phải những khó khăn khi nền kinh tế xuất hiện nhiều tín hiệu suy yếu nghiêm trọng.
Theo công bố của chính phủ vào ngày 18/10, GDP trong quý 3 (tháng 7 đến tháng 9) vừa qua tăng với tốc độ chậm hơn dự kiến là 4,9%. Chỉ số quản lý mua hàng sản xuất chính thức (PMI) đứng ở mức 49,2 điểm trong tháng 10, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2020 khi nền kinh tế Trung Quốc bị ảnh hưởng trực tiếp bởi đại dịch Covid-19.
Thông thường, các bộ dữ liệu kinh tế như thế này được báo cáo cho giới lãnh đạo cấp cao chính phủ Trung Quốc khoảng 10 ngày trước khi chúng được công bố rộng rãi. Theo các nguồn tin, lãnh đạo cao nhất, bị sốc trước tình hình suy thoái nhanh chóng của nền kinh tế và quyết định tổ chức một cuộc họp khẩn cấp bí mật để thảo luận về cách đối phó với tình hình.
Sau đó, Thủ tướng Lý Khắc Cượng giải quyết cuộc khủng hoảng điện đang diễn ra trên toàn quốc và tìm cách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Phó Thủ tướng Hàn Chính theo phụ trách cải cách thuế bất động sản và điều phối, kiểm soát giá bất động sản. Ngay cả Phó Thủ tướng Lưu Hạc, người thực thi chính sách "thịnh vượng chung", cũng không thể phớt lờ các xu hướng kinh tế ảm đạm gần đây, tờ Nikkei cho hay.
Cuộc tranh luận gần 10 năm trước
Năm 2012, cuộc tranh luận về "chiếc bánh" này từng xuất hiện trước thềm Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18 vào năm 2012.
Cuộc tranh luận về cách phân chia từng nổi đình đám ở Trung Quốc, giữa ông Bạc Hy Lai, Bí thư Thành ủy Trùng Khánh và Uông Dương, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông lúc đó. Cuộc chiến xem ra đã ngã ngũ bởi thực tế là trong khi ông Bạc Hy Lai đang thụ án chung thân, ông Uông Dương hiện nắm giữ chức vụ cao cấp: Chủ tịch Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân (Chính hiệp) Trung Quốc.
Thời điểm đó, ông Bạc Hy Lai cho rằng cần ngay lập tức chia đều, bình đẳng "chiếc bánh". Ông Uông Dương không đồng ý, nhấn mạnh sự cần thiết phải làm "chiếc bánh lớn hơn" trước khi tính đến tăng thu nhập cho người nghèo.
Tín hiệu của Bắc Kinh
Những thỏa hiệp chính sách nào đã được thực hiện và thể hiện trong bài báo của Tân Hoa Xã?
Bài xã luận viết: "Để đạt thịnh vượng chung, làm ‘chiếc bánh phình rộng ra’, thông qua mô hình phát triển chất lượng cao gắn với nền tảng và điều kiện cần thiết đi kèm. Trong quá trình "làm to chiếc bánh", chúng ta cần mở rộng thành phần trung lưu, tăng thu nhập nhóm thu nhập thấp và điều chỉnh hợp lý nhóm thu nhập cao.
Những cách diễn đạt này rất mơ hồ và khó hiểu. Dường như chúng gợi ý rằng việc làm "chiếc bánh to lên" và chia lại cho đồng đều là sẽ diễn ra đồng thời.
Người sáng lập Tập đoàn Alibaba, Jack Ma đến thăm viện nghiên cứu hoa ở thị trấn Bleiswijk, Hà Lan, vào ngày 25/10. Ảnh: Reuters
Đáng chú ý là chính quyền ông Tập gần đây cũng đã gửi một tín hiệu khác tới giới kinh doanh.
Người sáng lập Tập đoàn Alibaba, Jack Ma, vào nửa cuối tháng 10 đã bất ngờ có chuyến thị sát nước ngoài đến Tây Ban Nha và Hà Lan. Một nguồn tin trong khu vực tư nhân cho biết: "Đó là tín hiệu xoa dịu căng thẳng gửi đến giới kinh doanh, những người đã nhận thức được tác động tiêu cực của các cuộc trấn áp đối với các doanh nghiệp".
Liệu Trung Quốc có tiếp tục gửi đi các thông điệp ủng hộ doanh nghiệp? Hay sẽ lại siết chặt kiểm soát?, tờ Nikkei đặt câu hỏi.