Theo một cuộc điều tra của đài truyền hình ARD và tờ Welt am Sonntag được tiết lộ ngày 6-11, một số loại tàu chiến của hải quân Trung Quốc được trang bị động cơ do các nhà sản xuất Đức phát triển hoặc chế tạo, báo Deutsche Welle (DW) đưa tin.
Báo cáo kết quả từ cuộc điều tra chỉ ra hai công ty có liên quan là công ty MTU ở thành phố Friedrichshafen và chi nhánh công ty con MAN của Volkswagen tại Pháp.
Hải quân Trung Quốc. Ảnh: M.XIAOLIANG / DW
Theo DW, hai công ty trên đều chia sẻ với truyền thông rằng luôn tuân thủ các quy định kiểm soát xuất khẩu và đã công khai các giao dịch có liên quan quân đội Trung Quốc.
Chi tiết về việc bàn giao động cơ của MTU tại Trung Quốc được tìm thấy công khai trên trang web của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI).
SIPRI lập danh mục các hợp đồng mua bán vũ khí và chuyển giao vũ khí cho các ấn phẩm và báo cáo.
Theo SIPRI, MTU là nhà cung cấp động cơ cho các tàu khu trục tên lửa lớp Luyang III của Trung Quốc thông qua một nhà máy sản xuất được cấp phép ở Trung Quốc cho đến ít nhất là năm 2020.
Ngoài ra, MTU được cho là đã cung cấp các động cơ được sử dụng cho các tàu ngầm lớp Nguyên của Bắc Kinh.
Tuy nhiên, phía trụ sở chính của MTU trao đổi với ARD và Welt am Sonntag rằng công ty đã "dứt khoát ngừng" cung cấp động cơ cho tàu ngầm.
Công ty tuyên bố họ đã không còn "ký kết bất kỳ hợp đồng nào với Bộ Quốc phòng Trung Quốc hoặc các lực lượng vũ trang".
Tuy nhiên, liên quan việc thành lập một liên danh ở Trung Quốc vào năm 2010, người đứng đầu công ty, được biết đến với tên Tognum, vào thời điểm đó đã ghi nhận việc cung cấp "động cơ hàng hải cho hải quân và tàu hải cảnh Trung Quốc".
Tương tự, vào năm 2002, SEMT Pielstick - công ty con của MAN tại Pháp - đã thông báo trên website về việc cung cấp động cơ PA6 được sản xuất dành cho một thế hệ khinh hạm mới được cấp phép tại Trung Quốc.
SIPRI lưu ý rằng động cơ MTU được lắp đặt trên tàu chiến của Trung Quốc là một công nghệ mang tính lưỡng dụng, không yêu cầu giấy phép xuất khẩu.
Hải quân Trung Quốc đang biên chế thêm tàu khu trục Luyang III trong năm nay. Các tàu lớp này được trang bị tên lửa đất đối không và tên lửa hành trình.
Từ năm 1989, Liên minh châu Âu (EU) đã áp đặt lệnh cấm vận vũ khí đối với Trung Quốc, song được cho là có hiệu lực ràng buộc hạn chế.
Trao đổi với ARD, ông Sebastian Rossner - chuyên gia tại thành phố Köln – nhận định: "Vì lệnh cấm vận vũ khí của EU đối với Trung Quốc không được quyết định chính thức theo các hiệp ước châu Âu, nên một số hoạt động xuất khẩu động cơ tàu cho hải quân Trung Quốc cũng có thể được phép".
“Nếu muốn thay đổi điều này, EU phải sửa đổi Quy chế sử dụng kép hoặc chính thức áp đặt lệnh cấm vận vũ khí” – chuyên gia nói thêm.
Hồi tháng 8, tàu khu trục Bayern của Đức đã khởi hành từ Wilhelmshaven bắt đầu chuyến hải trình kéo dài sáu tháng đến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Đức đang tìm cách tăng cường sự hiện diện của mình trong khu vực và việc kiềm chế Trung Quốc được cho có thể giúp giảm bớt áp lực cho các nhiệm vụ của hải quân Đức.
Tuy nhiên, hồi tháng 9, Trung Quốc đã từ chối yêu cầu của Đức về việc cho phép tàu Bayern ghé cảng ở Thượng Hải.