Thực hiện chỉ đạo của UBND TP.HCM về kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn TP, các sở, ngành, đơn vị liên quan đã triển khai thực hiện nhiều chương trình, giải pháp.
Các giải pháp trọng tâm ứng phó biến đổi khí hậu
Để ứng phó với BĐKH, bảo vệ môi trường và phòng chống thiên tai, UBND TP giao Sở TN&MT hướng dẫn và điều phối việc tổ chức thực hiện kế hoạch hành động theo quy định. Đồng thời, tham gia góp ý, thực hiện kiểm tra giám sát phương án triển khai các nhiệm vụ, chương trình thuộc kế hoạch hành động.
Sở còn được giao nhiệm vụ xây dựng khung báo cáo giám sát, đánh giá kết quả (định kỳ, đột xuất) việc triển khai kế hoạch hành động.
Theo đó, Sở TN&MT đã cùng Phân viện Khoa học khí tượng thủy văn và BĐKH xây dựng, cập nhật kế hoạch, hành động ứng phó với BĐKH giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn TP. Đồng thời, tham mưu UBND TP ban hành Quyết định 3273 về phê duyệt kế hoạch hành động này.
TP.HCM thực hiện các kế hoạch về vệ sinh môi trường, chăm sóc cây xanh, phát triển mảng xanh để chống biến đổi khí hậu. Ảnh: NGUYỄN CHÂU
Kế hoạch này được xây dựng dựa trên cơ sở kết quả đánh giá các kịch bản BĐKH, đánh giá công tác triển khai kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH trên địa bàn giai đoạn 2017-2020. Đồng thời, dựa trên việc xác định các khu vực dễ bị tổn thương nhằm đề xuất các giải pháp thích nghi và giảm thiểu với tác động tiêu cực của BĐKH.
Theo Sở TN&MT, kế hoạch trên đã đánh giá được xu thế và dự báo về các yếu tố khí hậu trên địa bàn TP đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050 như nhiệt độ, lượng mưa, độ ẩm tương đối, gió, bốc hơi, mực nước, hạn hán, xâm nhập mặn và bão, áp thấp nhiệt đới.
Bên cạnh đó, căn cứ vào kết quả dự báo của BĐKH, ngành môi trường có thể đánh giá được tác động BĐKH đến từng khu vực (theo phạm vi quận, huyện) và ngành, lĩnh vực như: nông nghiệp, năng lượng - công nghiệp - thương mại, xây dựng, giao thông, du lịch, tài nguyên đất, nước…
Sở TN&MT và đơn vị tư vấn cũng xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn năm 2050 với giải pháp trọng tâm nhằm thích ứng và giảm nhẹ về BĐKH cho các ngành/lĩnh vực trên theo ba giai đoạn (2021-2025, 2026-2030 và 2031-2050). Tương ứng với mỗi chương trình, nhiệm vụ, dự án sẽ có đơn vị chủ trì và đơn vị phối hợp thực hiện.
Đồng thời, sở sẽ đại diện ban chỉ đạo tham gia góp ý và kiểm tra, giám sát phương án triển khai các nhiệm vụ, chương trình, dự án thuộc kế hoạch hành động của TP.
Đào tạo nguồn nhân lực cho ngành môi trường
Một trong những giải pháp mà UBND TP.HCM đưa ra là tăng cường công tác, sắp xếp cán bộ có đủ năng lực, chuyên môn và có đủ khả năng quản lý, điều hành các chương trình, dự án môi trường nhằm tránh thất thoát, lãnh phí nguồn lực. Đồng thời, thường xuyên cập nhật thông tin, nâng cao nhận thức và năng lực, trình độ về chuyên môn, nghiệp vụ, quản lý nhà nước; tích hợp các yếu tố BĐKH vào quản lý đô thị.
Theo đó, Viện Môi trường và Tài nguyên (ĐH Quốc gia TP.HCM) đã tham gia đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao, đáp ứng yêu cầu phát triển ngành môi trường TP.
Theo GS-TS Lê Thanh Hải, Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên, thời gian qua, công tác ứng phó với BĐKH, phòng tránh thiên tai, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đã được ngành chức năng quan tâm nhiều hơn, có bước chuyển biến tích cực và đạt được một số kết quả quan trọng.
Trong đó, Viện Môi trường và Tài nguyên đã có những đóng góp cho xã hội khi tham gia công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo và cấp giấy chứng nhận trong lĩnh vực môi trường, tài nguyên và BĐKH. Viện tạo ra một môi trường thuận lợi cho sự hợp tác, liên kết giữa các nhà quản lý và các đồng nghiệp khoa học trong cùng lĩnh vực. Từ đó, góp phần tích cực xây dựng và phát triển mô hình ĐH định hướng nghiên cứu ứng dụng trong hệ thống ĐH Quốc gia TP.HCM.
Ông Hải cho biết Viện Môi trường và Tài nguyên là cơ sở đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao, đáp ứng yêu cầu phát triển ngành môi trường. Toàn viện hiện có hơn 200 cán bộ, giảng viên và công nhân viên. Đến nay, đã đào tạo cho đất nước hơn 1.000 thạc sĩ, khoảng 50 tiến sĩ khoa học chuyên ngành.
“Viện đã đóng vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu, chuyển giao những tiến bộ kỹ thuật và công nghệ vào việc cải thiện, quản lý, sử dụng hợp lý để bảo vệ tài nguyên môi trường và ứng phó với BĐKH” - GS-TS Lê Thanh Hải chia sẻ.
Theo PGS-TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn (ĐH Quốc gia TP.HCM), để giảm phát thải, ứng phó với BĐKH, chúng ta nên lồng ghép các chương trình giảm phát thải vào những dự án, mô hình sản xuất trên các lĩnh vực như công nghiệp, nông nghiệp.
“Chúng ta cũng có thể lồng ghép dự án vào các chương trình công của TP như mua sắm tiêu dùng xanh, trồng cây xanh…” - PGS-TS Quân chia sẻ.•
Tăng cường quản lý nhà nước về biến đổi khí hậu Mục tiêu của TP.HCM trong giai đoạn 2021-2025 là tập trung hoàn thiện cơ chế chính sách về ứng phó với BĐKH; kế thừa và triển khai thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ, dự án ưu tiên nhằm nâng cao năng lực ứng phó với BĐKH, giảm thiểu thiệt hại do BĐKH gây ra. Nâng cao hiệu quả thích ứng với BĐKH thông qua việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về BĐKH, thúc đẩy lồng ghép thích ứng BĐKH vào quy hoạch, kế hoạch của TP. Tăng cường khả năng chống chịu và nâng cao năng lực thích ứng của cộng đồng, nâng cao nhận thức để sẵn sàng điều chỉnh trước những thay đổi của khí hậu. Triển khai các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, tận dụng các cơ hội của BĐKH để phát triển nền kinh tế theo hướng carbon thấp. |