Người dân tuân thủ nguyên tắc 5K khi đi mua sắm - Ảnh: DUYÊN PHAN
Ngành y tế và chính quyền địa phương TP.HCM liên tục khuyến cáo, đồng thời tăng cường lực lượng kiểm tra, nhắc nhở người dân, hàng quán tuân thủ nghiêm biện pháp 5K.
Đừng quên mức phạt 1-3 triệu
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ trong ngày 7-11, tại các tuyến đường trên địa bàn TP.HCM như Phạm Văn Đồng (quận Gò Vấp), Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh), Võ Văn Ngân (TP Thủ Đức)... đa số người dân vẫn nghiêm túc chấp hành quy định phòng dịch như đeo khẩu trang, không tụ tập. Nhiều hàng quán, cửa hàng vẫn duy trì việc khai báo y tế, giữ khoảng cách, sát khuẩn tay.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người chủ quan, lơ là không đeo khẩu trang, tụ tập không đảm bảo giãn cách... Nhiều hàng quán, đặc biệt là các quán ăn, quán cà phê không bố trí dung dịch sát khuẩn, không đảm bảo đúng khoảng cách.
Cụ thể, một số quán cà phê trên tuyến đường Phạm Văn Đồng đông nghẹt khách, đa số không đeo khẩu trang, lại ngồi sát nhau, cười nói rôm rả.
Tại công viên Gia Định (quận Gò Vấp), nhiều nhóm bạn trẻ tụ tập 4-5 người nhưng cũng không đeo khẩu trang. Các bậc cha mẹ dắt theo trẻ vui chơi nhưng không đảm bảo khoảng cách, nhiều trẻ lớn không được đeo khẩu trang.
Tại nhiều khu chợ tự phát, việc mua bán diễn ra tấp nập, đa số người dân đều đeo khẩu trang, tuy nhiên lại không đảm bảo đúng khoảng cách.
Vậy các trường hợp không tuân thủ 5K sẽ bị xử phạt ra sao? Ông Nguyễn Hồng Tâm - phó giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) - cho biết Phòng cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Công an TP vẫn duy trì xử phạt người không đeo khẩu trang khi đi đường từ ngày 1-6. Theo đó, nếu phát hiện người dân không mang khẩu trang khi đi đường thì có quyền lập biên bản xử phạt từ 1-3 triệu đồng.
Tương tự, ông Nguyễn Trí Dũng - chủ tịch UBND quận Gò Vấp - cho biết ngoại trừ việc ăn uống tại các hàng quán (công suất không quá 50%), nếu người dân không đeo khẩu trang tại các nơi công cộng vẫn bị xử phạt.
Kích hoạt đội phản ứng nhanh
Trước tình hình số lượng F0 cách ly tại nhà khá lớn, đội giám sát F0 cách ly tại nhà chưa đủ để đảm bảo yêu cầu giám sát sự tuân thủ, cách ly tại nhà.
Ông Nguyễn Thế Dũng - chủ tịch UBND phường 14, Gò Vấp - cho biết tâm lý người dân lơ là sau dịch là có. Nguyên nhân là do người dân nghĩ rằng mình đã tiêm được 2 mũi vắc xin, mặt khác trên các phương tiện truyền thông có các thông tin: số ca nhiễm giảm, số ca khỏi, số ca chuyển nặng, số ca tử vong giảm rõ rệt... nên người dân tự tin là đã khống chế được dịch.
"Mặc dù các cơ quan, ngành tuyên truyền liên tục về việc đã tiêm vắc xin 2 mũi vẫn có thể bị nhiễm nhưng tâm lý người dân lúc này đã chuyển sang giai đoạn sống chung với dịch", ông Thế Dũng nói.
Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu nhận định nếu người dân không tuân thủ biện pháp 5K và các biện pháp phòng chống dịch thì số ca mắc có thể tăng lên cao hơn.
Tính đến chiều 7-11, dữ liệu bản đồ COVID-19 TP.HCM của Sở Thông tin và truyền thông TP cho thấy TP đang cấp độ 2 (vùng vàng, nguy cơ trung bình) với 14/22 địa phương là vùng xanh (cấp 1, nguy cơ thấp, chiếm 64%).
Trước tình hình dịch bệnh có chiều hướng chuyển biến xấu, Sở Y tế TP cho biết đã kích hoạt trạm y tế lưu động và đội phản ứng nhanh tại các địa phương có số ca mắc tăng cao.
Tập trung hỗ trợ Hóc Môn dập dịch
Theo thanhuytphcm.vn, ngày 7-11, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cùng lãnh đạo TP.HCM làm việc với huyện Hóc Môn để đánh giá tình hình kiểm soát dịch COVID-19 và các hoạt động khôi phục phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn bình thường mới.
Theo Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 huyện Hóc Môn, từ ngày 23-10 đến 6-11, toàn huyện ghi nhận 6.712 ca test nhanh dương tính tại các xã Xuân Thới Thượng, Đông Thạnh, Bà Điểm, Xuân Thới Sơn, Tân Thới Nhì, Nhị Bình... Nguyên nhân do huyện và các xã, thị trấn còn lúng túng đề ra các giải pháp xử lý, một số nơi còn chủ quan, lơ là trong thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Ông Dương Hồng Thắng, chủ tịch UBND huyện Hóc Môn, cho biết sẽ chủ động tính toán, sắp xếp các vị trí bố trí khu cách ly tạm tại các xã - thị trấn, trong đó xem xét việc sử dụng các trường mầm non để triển khai các khu cách ly tạm. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện và đưa vào sử dụng bệnh viện dã chiến 300 giường và thành lập tổ phản ứng nhanh, tầm soát các điểm có nguy cơ...
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên chia sẻ khó khăn với các trạm y tế tại các xã đông dân và yêu cầu ngành y tế TP cần có hướng dẫn cụ thể cho lực lượng y tế tại đây. Ban thường vụ Thành ủy sẽ sẵn sàng quyết định cho các trạm y tế hoạt động thuận lợi, phù hợp với số lượng dân cư của từng địa bàn cấp xã. Trước mắt là phát huy tốt các lực lượng có sẵn.
Về quản lý F0, ông Nên cho rằng cần tập trung ngăn chặn nguồn lây và khi có ca nhiễm phải điều trị, hạn chế tối đa tử vong, hạn chế thấp nhất số ca chuyển nặng. Khi phát hiện F0 cần kịp thời cấp thuốc cho bệnh nhân, có tờ hướng dẫn rõ ràng, thực hiện tốt các quy định không để lây lan bệnh...
Bí thư Thành ủy cũng lưu ý các ổ bệnh trong gia đình, thôn xóm phải được khoanh lại, xét nghiệm, bóc tách kịp thời và làm thật nhanh. Nếu lực lượng tại chỗ không thể đảm đương, lực lượng TP phải tăng cường.
K.YÊN
Người mắc COVID-19 tăng trở lại, phải làm gì?
Nhân viên y tế chăm sóc F0 đang điều trị tại Bệnh viện hồi sức COVID-19 TP Thủ Đức (TP.HCM) - Ảnh: DUYÊN PHAN
Số người mắc COVID-19 trong 1 tuần tính từ 29-10 đến 4-11 là gần 40.500 ca, tăng trên 12.600 ca so với 1 tuần trước đó. Tại TP.HCM, kết quả test nhanh tại một số khoa cấp cứu bệnh viện, số có kết quả dương tính đã tăng 5-10%. Hà Nội cũng có số mắc mới trên dưới 100 ca trong những ngày gần đây, hơn 1/2 trong đó là ca cộng đồng.
Tại Hà Nội, đã có nhiều tòa nhà phải tạm phong tỏa trong thời gian ngắn để triển khai xét nghiệm. Tại Bắc Giang, sau khi ghi nhận chùm 20 F0, huyện Yên Thế với 100.000 dân đã thực hiện cách ly xã hội, theo yêu cầu trong quyết định, từ 18h ngày 6-11, Yên Thế cách ly xã hội theo chỉ thị 16.
Tuy nhiên nếu theo qui định của nghị quyết 128 về thích ứng an toàn với dịch COVID-19, với 20 ca mắc mới từ 1-11 đến nay, huyện Yên Thế, Bắc Giang phải tính cấp độ dịch bằng số mắc mới/100.000 dân ở quy mô xã phường trong tuần, kết hợp với tỉ lệ tiêm chủng. Việc cách ly y tế, nếu đủ điều kiện, không ở qui mô rộng mà chỉ thực hiện ở quy mô nhỏ (ngõ xóm, tầng trong chung cư).
Bên cạnh đó, việc tìm người đến địa điểm có ca dương tính liên tục, công bố tên, địa chỉ, công việc, lịch trình của người nhiễm COVID-19 cũng đang có ý kiến là "lợi bất cậấp hại" trong thời điểm hiện nay.
Trong khi đó, 10 ngày vừa qua, hàng loạt địa phương đã phải đổi màu cấp độ dịch, trong đó Bạc Liêu từ vàng sang đỏ, Hà Nội từ xanh sang vàng, kéo theo đó là hàng loạt hoạt động bị hạn chế.
Lý do Hà Nội đổi màu cấp độ dịch là do tỉ lệ tiêm chủng người trên 65 tuổi chưa đạt, nếu tháng 11 này tỉ lệ tiêm cho người từ 50 tuổi cũng chưa đạt sẽ phải nâng tiếp cấp độ dịch vào tháng 12. Cấp độ dịch hiện liên quan nhiều đến vắc xin, nhưng nếu độ phủ vắc xin tăng thì có giữ số ca mắc mới/100.000 dân để đánh giá cấp độ dịch hay không?
Trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết hướng dẫn 4800 là tạm thời và sẽ được tiếp tục nghiên cứu, cập nhật cho hoàn thiện để để địa phương không làm sai, làm nhầm.
LAN ANH
TTO - Bảng tin trên nhóm của chung cư báo đã có 30 ca dương tính, con số này cao hơn những ngày giãn cách. Sân chơi, hồ bơi, thang máy vẫn dập dìu, chen cứng người chứ không có giãn cách như trước nữa.
Xem thêm: mth.93994858080111202-k5-al-ol-ed-gnohk-91-divoc-hcid-meid-ueihn-neih-tahp-mchpt/nv.ertiout