Bị cáo Nguyễn Hải Nam và bị cáo Lâm Hoàng Tùng sau khi tòa tuyên án - Ảnh: TUYẾT MAI
Theo đó, TAND cấp cao tại TP.HCM đã tuyên bác kháng cáo kêu oan của 2 bị cáo Nguyễn Hải Nam và Lâm Hoàng Tùng, bác kháng cáo của bà Hoàng Thị Thu Thảo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Theo đó, ông Nguyễn Hải Nam bị tuyên phạt 17 tháng tù, ông Lâm Hoàng Tùng bị tuyên phạt 2 năm tù về tội xâm phạm chỗ ở của người khác. Cả hai bị cáo đã chấp hành xong hình phạt.
HĐXX phúc thẩm cho rằng việc tòa án cấp sơ thẩm tuyên các bị cáo phạm tội xâm phạm chỗ ở của người khác là có căn cứ.
Ngày 19-9-2019, các bị cáo Lâm Hoàng Tùng, Nguyễn Hải Nam cùng Nguyễn Thị Minh Tâm và 11 người là bảo vệ Công ty bảo vệ Thành Hồ, Nguyễn Thị Hạnh và một số nhân viên Văn phòng thừa phát lại quận 1 tự ý vào nhà 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm đuổi những người bên trong ra khỏi nhà và chiếm giữ căn nhà.
Luật xử lý vi phạm hành chính, Luật nhà ở, Luật cư trú đã có quy định cụ thể về chỗ ở. Việc bà Hoàng Thị Thu Thảo thực hiện việc quản lý, tiếp tục thi công nhà 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm là theo hợp đồng mua bán nhà giữa bà Hoàng Trọng Anh Chi và bà Hoàng Thị Thu Thảo.
Công an phường Đa Kao (quận 1) cũng xác định bà Thảo có 4 người con và người giúp việc sinh sống tại đây từ tháng 3-2019. Việc bà Thảo có đăng ký tạm trú tạm vắng hay không là thủ tục hành chính, công an có quyền xử phạt bà Thảo về hành vi không đăng ký tạm trú.
Việc xác định đó có phải là nhà, là nơi ở hay không không căn cứ vào việc đăng ký tạm trú mà xem nơi đó có phải là nơi có sinh sống hằng ngày hay không.
Với các căn cứ như trên cho thấy Nguyễn Hải Nam và Lâm Hoàng Tùng vào đuổi người bên ra khỏi nhà, chiếm giữ căn nhà 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm, sau đó tháo dỡ cửa ra vào, bồn cầu, bồn tắm, rèm cửa… là xâm phạm chỗ ở của người khác.
Là cán bộ cơ quan tư pháp nhưng bị cáo Tùng, bị cáo Nam đã thực hiện hành vi gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự. Bị cáo Tùng cho rằng căn nhà 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm là nhà của bị cáo đồng sở hữu, nhưng tòa cho rằng bà Chi là người đứng tên, bà Chi đã làm hợp đồng chuyển nhượng cho bà Thảo, bàn giao nhà cho bà Thảo nên bị cáo Tùng không có quyền chiếm đoạt nhà như hành vi nêu trên. Nếu cho rằng mình là đồng sở hữu nhưng bà Chi bán nhà không được sự đồng ý của mình thì bị cáo được quyền khởi kiện dân sự.
Đối với bị cáo Nam, tòa cho rằng Lâm Hoàng Tùng không phải chủ sở hữu căn nhà 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm nên bị cáo Nam nói thuê 1 phòng trong căn nhà trên là không có căn cứ. Là cán bộ tòa án, hơn ai hết, bị cáo Nam biết Tùng không có thẩm quyền cho thuê, sang nhượng căn nhà trên. Sự có mặt của bị cáo tại căn nhà 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm không phải là sự có mặt ngẫu nhiên.
Mức án tòa sơ thẩm tuyên là đúng tính chất, mức độ hành vi, đúng người, đúng tội, nên bác kháng cáo kêu oan của các bị cáo.
Về kháng cáo của bà Hoàng Thị Thu Thảo, bà Thảo kháng cáo cho rằng ngoài hành vi xâm phạm chỗ ở, bị cáo Nam và bị cáo Tùng có dấu hiệu phạm tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi. Tòa phúc thẩm cho rằng các bị cáo đuổi những người trong nhà ra ngoài vì mục đích chiếm lại căn nhà nên bế các cháu nhỏ ra xe, hành vi trên không phạm tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi. Từ đó, tòa bác kháng cáo của người bị hại.
TTO - Sáng 8-11, TAND cấp cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm 2 bị cáo Nguyễn Hải Nam (cựu phó chánh án TAND quận 4) và Lâm Hoàng Tùng (cựu giảng viên trường nghiệp vụ kiểm sát) về tội xâm phạm chỗ ở của người khác.