Ban soạn thảo cho rằng, việc sửa đổi Thông tư 23 là cần thiết để giải quyết một số vướng mắc phát sinh từ thực tế qua nhiều năm triển khai. Đánh giá chung về dự thảo, chuyên gia cho rằng các quy định mới theo hướng ngày càng chặt chẽ, minh bạch, hỗ trợ tốt hơn cho hoạt động của Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) là hướng đi đúng.
Theo đó mặc dù vẫn giữ nguyên quy định về việc các tổ chức tín dụng (TCTD) Nhà nước duy trì số dư tiền gửi tại NHCSXH bằng 2% tổng số dư nguồn vốn huy động, song dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung nội dung rất quan trọng. Cụ thể tại Điều 3 Dự thảo quy định số dư nguồn vốn huy động bằng đồng Việt Nam của các TCTD nhà nước bao gồm: (i) Tiền gửi của tổ chức (không bao gồm TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thành lập và hoạt động tại Việt Nam) và cá nhân tại TCTD nhà nước dưới các hình thức: tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, tiền gửi vốn chuyên dùng; (ii) Tiền TCTD nhà nước thu được từ phát hành chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu, trái phiếu; (iii) Tiền gửi khác tại TCTD nhà nước theo nguyên tắc có hoàn trả đầy đủ tiền gốc, lãi cho người gửi tiền theo thỏa thuận (trừ tiền ký quỹ; tiền gửi của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thành lập và hoạt động tại Việt Nam).
So với quy định tại Thông tư 23 thì cách tính tỷ lệ 2% trên tổng nguồn vốn huy động của TCTD ở dự thảo lần này không những chi tiết, mà còn mở rộng hơn rất nhiều. Đơn cử, trong mục “tiền gửi vốn chuyên dùng” bao gồm cả tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại TCTD nhà nước. Như vậy, khả năng khi quy định này được áp dụng, tổng lượng vốn tiền gửi của TCTD tại NHCSXH sẽ tăng đáng kể.
Điều 3 cũng bổ sung thêm quy định: Trường hợp TCTD nhà nước ở diện kiểm soát đặc biệt được rút toàn bộ số dư tiền gửi này tại NHCSXH; và khi được chấm dứt kiểm soát đặc biệt sẽ thực hiện duy trì số dư tiền gửi 2% tại NHCSXH.
Nội dung sửa đổi khác theo hướng tăng hỗ trợ cho NHCSXH là tại Điều 4 quy định về lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam của các TCTD nhà nước tại NHCSXH. Dự thảo thông tư điều chỉnh giảm mức phí huy động vốn từ 1,35%/năm giảm xuống 1,30%/năm nhằm mục đích chia sẻ khó khăn với NHCSXH trong việc thực hiện nhiệm vụ về giảm nghèo nhanh và bền vững, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định an ninh chính trị, trật tự xã hội tại địa phương.
Cũng tại Điều 4, dự thảo bổ sung thêm quy định: Căn cứ biểu số dư nguồn vốn huy động và lãi suất huy động đối với từng kỳ hạn bằng đồng Việt Nam do các TCTD nhà nước gửi, NHNN (Vụ Chính sách tiền tệ) tính toán mức lãi suất huy động vốn bằng đồng Việt Nam bình quân chung của các TCTD tại thời điểm 31/12 năm trước và thông báo cho các TCTD nhà nước và NHCSXH trước ngày 31/1 hằng năm để làm cơ sở xác định lãi suất tiền gửi trong năm.
Từ quy định này, tại Điều 7 về trách nhiệm của các đơn vị thuộc NHNN, được bổ sung thêm nội dung: Vụ Chính sách tiền tệ có trách nhiệm tính toán và thông báo mức lãi suất huy động vốn bằng đồng Việt Nam bình quân chung để làm cơ sở xác định lãi suất tiền gửi 2%...
Tổng giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng khẳng định, NHCSXH luôn đồng hành, sẵn sàng đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho người nghèo và các đối tượng chính sách vượt khó trong đại dịch, trong khó khăn. Để hoàn thành nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao, Tổng Giám đốc yêu cầu các đơn vị trong hệ thống tích cực huy động các nguồn vốn, trong đó, đẩy mạnh việc nhận vốn ủy thác từ ngân sách các địa phương, huy động tiền gửi từ các tổ chức, cá nhân trên thị trường, làm tốt công tác thu hồi nợ đến hạn… nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn giải ngân các chương trình tín dụng chính sách, hoàn thành 100% chỉ tiêu kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao và đảm bảo khả năng thanh khoản của toàn hệ thống.
Theo thông tin từ NHCSXH, đến 31/10/2021, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt 259.902 tỷ đồng; tổng dư nợ đạt 243.191 tỷ đồng với gần 6,4 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ. Năm 2020, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đến 31/12/2020 đạt 233.426 tỷ đồng; tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt 226.197 tỷ đồng. Những con số trên cho thấy chênh lệch giữa vốn huy động và giải ngân của NHCSXH luôn trong tình trạng khá eo hẹp. Đây cũng là vấn đề bức thiết nhất của NHCSXH nhiều năm qua. Do đó, thông tư sửa đổi Thông tư 23 được kỳ vọng sẽ phần nào tháo gỡ khó khăn này cho NHCSXH, hỗ trợ ngân hàng thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao.
Xem thêm: lmth.69970000042210202-hcas-hnihc-gnud-nit-ohc-cul-nougn-gnat/nv.semitaer