Trong bối cảnh chống dịch mới “sống chung với COVID-19”, rất nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu xây dựng các mô hình sản xuất an toàn, để có thể vừa phục hồi kinh doanh. “Không để lây nhiễm COVID-19” là mục tiêu và điều kiện tiên quyết của các doanh nghiệp.
"Sản xuất xanh" giữa đại dịch
Từ ngày 24.7, anh Phan Lạc Quý (34 tuổi) - chủ xưởng sản xuất đồ gỗ nổi tiếng ở xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, Hà Nội - phải đóng cửa hai xưởng sản xuất, cho hơn 30 công nhân tạm nghỉ việc để thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, sau khi Thành phố Hà Nội cho phép nới lỏng một số hoạt động kinh doanh dịch vụ, Thạch Thất là huyện "vùng xanh", xưởng sản xuất đồ gỗ của anh Quý bắt đầu hoạt động trở lại. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong điều kiện mới, trước khi vào làm việc, các công nhân đều phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, như đeo khẩu trang, đo thân nhiệt và sát khuẩn tay.
"Công nhân của nhà xưởng hầu hết là bà con trong xã và đã được tiêm 1 mũi vaccine để phòng dịch COVID-19. Việc trở lại sản xuất không chỉ đem lại niềm vui cho công nhân, mà còn giúp họ có thu nhập để trang trải cuộc sống" - anh Quý nói.
Theo anh Quý, sau khi được hoạt động trở lại, các hộ sản xuất ở xã đều chủ động có phương án phòng dịch, bảo đảm yêu cầu của Bộ Y tế. Đối với các xưởng khi bắt đầu sản xuất lại đều phải ký cam kết với UBND xã về các phương pháp phòng chống dịch và lên phương án sản xuất gửi UBND xã phê duyệt.
Trong bối cảnh chống dịch mới "sống chung với COVID-19", rất nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu xây dựng các mô hình sản xuất an toàn, để có thể vừa phục hồi kinh doanh đồng thời kiềm chế dịch bệnh.
"Không để lây nhiễm COVID-19" là mục tiêu và điều kiện tiên quyết của Công ty CP Nhôm Đô Thành (huyện Gia Lâm, Thành phố Hà Nội).
Trao đổi với Lao Động, bà Lê Ánh Tuyết - Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nhôm Đô Thành (huyện Gia Lâm, Thành phố Hà Nội) cho hay, khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, để duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp của bà nhanh chóng áp dụng "3 tại chỗ".
"Chúng tôi đã quy hoạch, sắp xếp khu vực xưởng làm nơi ngủ nghỉ cho công nhân, người lao động của công ty. Ban lãnh đạo xuống tận nơi yêu cầu bộ phận hành chính trị sự chuẩn bị đồ dùng thiết yếu cho công nhân thực hiện "3 tại chỗ". Nếu như một số tỉnh thành ở phía Nam chuẩn bị lều bạt cho công nhân, chúng tôi lại chuẩn bị giường tầng, đảm bảo sức khoẻ cho người lao động của mình" - bà Lê Ánh Tuyết nói.
Tuy nhiên, khi Hà Nội nới lỏng giãn cách, để đảm bảo sản xuất an toàn trong tình hình mới, tạo "thành trì" ngăn chặn sự xâm nhập của dịch COVID-19, bà Lê Ánh Tuyết cho rằng, ban lãnh đạo Công ty CP Nhôm Đô Thành đã thực hiện mô hình "sản xuất xanh" như trang bị nhiều thiết bị chống dịch như máy khử khuẩn, máy xông cho người lao động để khò họng, xục mũi và xông hơi.
"Chúng tôi còn thực hiện khử khuẩn toàn bộ nhà máy ở thời điểm nghỉ giữa ca và hết mỗi ca sản xuất, cán bộ công nhân viên cam kết không tự ý mua hàng quán bên ngoài. Đặc biệt, nhà máy còn thành lập Tổ chống COVID-19, tổ có nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát, tuyên truyền nhắc nhở cho công nhân thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch" - bà Tuyết nói.
Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Nguyễn Đức Hồng - Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm - cho hay, việc các doanh nghiệp thích ứng an toàn cho thấy bức tranh tổng thể về kinh tế - xã hội sáng hơn giữa đại dịch COVID-19. Điều này có ý nghĩa về mặt kinh tế, dân sinh rất lớn.
Mặc dù nới lỏng giãn cách, các doanh nghiệp tái khởi động sản xuất kinh doanh, nhưng các ngành chức năng của huyện và chính quyền địa phương vẫn phải tăng cường kiểm tra giám sát, phải đảm bảo thật sự an toàn, đảm bảo công tác phòng chống dịch mới được hoạt động.
"Mong muốn với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân thủ đô sẽ sớm đẩy lùi dịch bệnh, đưa cuộc sống của người dân, doanh nghiệp sớm trở lại bình thường. Điều này cũng thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng: Nhân dân là trung tâm để phục vụ và nhân dân là chủ thể" - ông Hồng nói.
Vừa chống dịch vừa duy trì kinh tế
Bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam cho biết, để đảm bảo an toàn trong tình hình mới, các doanh nghiệp đã xây dựng bộ quy tắc, hướng dẫn thực hiện "Y tế tại chỗ" và tập huấn cho đội ngũ y tế tại khu công nghiệp và các nhà máy.
"Thực hiện phương châm "3 tại chỗ" chỉ là giải pháp tình thế, không thể kéo dài do sức chịu đựng của các doanh nghiệp có hạn. Do đó, đối với các ngành sản xuất, xuất khẩu cần có một kế hoạch chống dịch linh động, theo sát thực tế với tình hình khống chế dịch tại các địa phương - sau khi được tiêm vaccine phòng dịch.
Mục đích để các doanh nghiệp chủ động lên phương án sản xuất, các doanh nghiệp đang tạm ngưng sản xuất chuẩn bị đáp ứng các điều kiện chống dịch để quay lại sản xuất đáp ứng đơn hàng xuất khẩu tăng vào dịp cuối năm" - bà Xuân nói.
Cũng theo bà Xuân, để việc này được thực hiện có hiệu quả, Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam kiến nghị Bộ Y tế cần tổ chức tập huấn cho các tỉnh và doanh nghiệp thực hiện Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Đồng thời thực hiện chủ trương phối hợp và chia sẻ giữa doanh nghiệp và CDC, các doanh nghiệp sẽ chủ động sử dụng tổ y tế, trạm y tế của nhà máy, công ty tự tổ chức xét nghiệm cho người lao động mỗi tháng 2 lần, mẫu xét nghiệm sẽ gửi cho cơ quan y tế và kết quả tự xét nghiệm của doanh nghiệp được áp dụng trong lưu thông và giao dịch. CDC cũng sẽ tổ chức xét nghiệm cho doanh nghiệp 1 lần/tháng. Như vậy sẽ đảm bảo mỗi công nhân được xét nghiệm 3 lần/tháng.
"Sau một thời gian dừng sản xuất vừa qua, không chỉ chủ doanh nghiệp mà cả người lao động đều rất ý thức và hết sức trân quý, nghiêm túc tuân thủ việc phòng chống dịch. Chính vì vậy, những giải pháp nêu trên là những giải pháp để doanh nghiệp, các ban ngành chức năng cùng chung tay vừa chống dịch, vừa duy trì kinh tế" - bà Xuân nói.