Theo phân tích của ông Phạm Đức Hải, Phó Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TPHCM, hiện thành phố thống nhất nguyên tắc mở cửa phải an toàn, an toàn tới đâu mở cửa tới đó. Các phương án mở cửa được thực hiện từng bước, chắc chắn, đảm bảo an toàn.
Tuy nhiên, theo ông Hải, những ngày gần đây, số ca mắc mới dù giảm so với tuần trước nhưng vẫn trên dưới 1.000 trường hợp được xác định dương tính với SARS-CoV-2 mỗi ngày.
Ngoài ra, theo ông Hải, số ca nhập viện và số ca xuất viện cũng đang có sự chênh lệch khá lớn. Cụ thể: ngày 4/11 nhập viện là 1.137 ca trong khi số ca xuất viện có 685; ngày 7/11, số ca nhập viện là 953 ca, xuất viện là 533 trường hợp.
Đại diện Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố khẳng định, hiện nay chưa đủ cơ sở để cho phép các dịch vụ grab, karaoke, quán bar hoạt động trở lại.
Liên quan đến dịch vụ ăn uống đã được mở cửa trở lại tại quận 7 và thành phố Thủ Đức, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM nhận định, tình hình kinh doanh trong 2 tuần qua diễn ra khá ảm đạm.
Theo ông Phương, Sở Công Thương sẽ phối hợp với Sở Y tế, Ban An toàn Thực phẩm TPHCM tiến hành rà soát tình hình thực tế để tham mưu UBND thành phố có giải pháp phù hợp hơn nhằm kích cầu tiêu dùng, tạo điều kiện thuận lợi để các dịch vụ hoạt động tốt nhất.
“Việc kinh doanh dịch vụ ăn uống đang giới hạn thời gian trước 21 giờ. Tuy nhiên, tình hình kinh doanh ảm đạm không hẳn liên quan đến thời gian bán hàng bởi dịch vụ ăn uống còn xuất phát từ nhu cầu của khách hàng. Nếu khách hàng còn e ngại trước nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh thì khó có thể kích cầu” - ông Phương chia sẻ.
Vân Sơn
Tiền Phong