Lấy mẫu xét nghiệm cho người dân tại phường Hiệp Tân (Q.Tân Phú, TP.HCM) - Ảnh: DUYÊN PHAN
Theo thông tư được ban hành ngày 8-11 và sẽ áp dụng từ ngày 10-11, giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 bao gồm chi phí trực tiếp của việc lấy mẫu, bảo quản mẫu, trả kết quả xét nghiệm và chi phí tiền lương, chưa tính chi phí khấu hao và quản lý.
Theo đó, giá của một dịch vụ xét nghiệm sẽ gồm mức giá: (1) chi phí lấy mẫu, bảo quản bệnh phẩm; (2) chi phí thực hiện xét nghiệm và giá sinh phẩm, hóa chất trúng thầu vào bệnh viện.
"Do sinh phẩm hóa chất có dải giá rộng và biến động do diễn biến dịch bệnh phức tạp, chi phí test xét nghiệm thực hiện thực thanh, thực chi theo loại test đã sử dụng và theo kết quả đấu thầu. Tuy nhiên để quản lý giá xét nghiệm, thông tư đã quy định mức tối đa dịch vụ xét nghiệm bao gồm cả sinh phẩm xét nghiệm mà cơ sở y tế được thu và thanh toán", Bộ Y tế cho biết.
Trường hợp chi phí thực hiện xét nghiệm cao hơn tổng mức được thanh toán, cơ sở y tế được quyết toán phần chênh lệch thiếu vào nguồn kinh phí giao tự chủ và nguồn kinh phí hợp pháp khác của đơn vị.
Giá xét nghiệm nhanh giảm hơn 1/2
Thông tư quy định test nhanh với mức tối đa bao gồm cả sinh phẩm xét nghiệm là 109.700 đồng/xét nghiệm, trong đó chi phí dịch vụ test nhanh (gồm chi phí trực tiếp, chi phí tiền lương) theo mức giá khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế hoặc được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt là 16.400 đồng/xét nghiệm.
Như vậy giá test nhanh tối đa 109.700 đồng/xét nghiệm, thấp hơn 1/2 so với mức giá quy định trước 1-7 và thời gian qua mà nhiều bệnh viện áp dụng.
Trường hợp giá sinh phẩm xét nghiệm theo kết quả đấu thầu là 50.000 đồng/test thì bệnh viện được thu của người đến xét nghiệm, thanh toán với Quỹ bảo hiểm y tế (theo tỉ lệ), thanh toán với ngân sách nhà nước là 66.400 đồng/xét nghiệm, không được thu và thanh toán theo mức tối đa.
Trường hợp chi phí sinh phẩm xét nghiệm cao, chi phí của xét nghiệm vượt mức tối đa, bệnh viện chỉ được thu của người bệnh, thanh toán với Quỹ bảo hiểm y tế (theo tỉ lệ), thanh toán với ngân sách nhà nước theo mức giá tối đa, phần còn lại quyết toán vào nguồn kinh phí đã giao tự chủ và nguồn kinh phí hợp pháp khác của đơn vị.
Đối với xét nghiệm bằng phương pháp PCR, thông tư này hướng dẫn và quy định cụ thể việc thực hiện mức giá trong trường hợp gộp mẫu, cụ thể hơn so với hiện hành.
Bộ Y tế cho biết cùng với quy định giá dịch vụ xét nghiệm, bộ "đã chỉ đạo và yêu cầu các cơ sở y tế mua sắm vật tư, hóa chất và sinh phẩm xét nghiệm theo đúng quy định của pháp luật về đấu thầu. Yêu cầu tăng cường thanh kiểm tra các cơ sở y tế trên địa bàn, xử lý nghiêm các vi phạm nếu có, không để tăng giá dịch vụ xét nghiệm bất hợp lý".
Quy định về giá ban hành chậm 10 ngày so với dự kiến
Bộ Y tế đã lấy ý kiến góp ý của thông tư này từ cuối tháng 9 và cho biết sẽ áp dụng từ ngày 1-11, nhưng văn bản này vẫn ban hành chậm hơn dự kiến và có hiệu lực từ 10-11, chậm 10 ngày so với dự thảo.
Ngay khi thông báo việc ban hành thông tư, Bộ Y tế cũng giải thích đã xin ý kiến tham gia của các bộ/ngành liên quan, sở y tế các tỉnh, thành phố và các đơn vị để hoàn thiện dự thảo thông tư. Thông tư được xây dựng và ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn tại điều 148 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Ban soạn thảo, tổ biên tập đã hoàn thiện dự thảo, xin ý kiến các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực xét nghiệm để hoàn chỉnh, ban hành thông tư.
Thông tư áp dụng trong các trường hợp: (1) thanh toán chi phí xét nghiệm theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế; (2) người sử dụng dịch vụ xét nghiệm tự chi trả; (3) các trường hợp được ngân sách nhà nước chi trả theo quy định của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
Thông tư không áp dụng đối với các trường hợp lấy mẫu, bảo quản mẫu, thực hiện và trả kết quả xét nghiệm tại cộng đồng do ngân sách nhà nước chi trả, theo quy định của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
Ngoài ra, hiện mức giá xét nghiệm tại cơ sở y tế tư nhân cũng đang ở mức cao, nhiều trường hợp cao hơn mức niêm yết nhưng chưa có quy định xử lý.
TTO - Số mắc mới COVID-19 đã tăng ở nhiều tỉnh thành. Tại TP.HCM đang mở rộng xét nghiệm, nhóm nguy cơ xét nghiệm định kỳ, nhưng nhiều tỉnh đang áp dụng các biện pháp mạnh hơn nghị quyết 128 của Chính phủ và hướng dẫn 4800 của Bộ Y tế.