Năm 2009, anh Kim Jae Ju là một thanh niên 29 tuổi sống tại Incheon-Hàn Quốc cùng gia đình. Thế nhưng điều đặc biệt ở chàng trai này là cậu chẳng bao giờ giao tiếp xã hội. Tất cả những gì anh Kim làm là đóng cửa sống trong phòng mình suốt ngày, thậm chí còn chẳng mấy khi tiếp xúc với chính người thân.
Hàng ngày, anh Kim chỉ ra ngoài khi phải vào nhà vệ sinh, xuống lấy đồ từ nhân viên giao hàng, ra ngoài siêu thị mua đồ hoặc đi làm bán thời gian kiếm chút tiền. Còn lại, chàng trai 29 tuổi này dành cả ngày nằm trên giường nghịch máy tính.
Có những lần đi mua đồ mà bản thân anh Kim quên cả mật khẩu vào nhà vì đã quá lâu không ra ngoài. Ngay cả khi đi làm, anh Kim cũng rất vội vã và tránh mặt hầu như tất cả mọi người.
Giờ đây ở độ tuổi 41, anh Kim vẫn giữ lối sống đó. Thế giới đã thay đổi nhanh chóng nhưng căn phòng của Kim cũng như bản thân anh chẳng thay đổi nhiều, vẫn sống khép kín trong căn phòng nhỏ của mình.
Theo tờ The Wired, anh Kim chỉ là một ví dụ điển hình của lối sống "Hikikomori" tại Hàn Quốc. Đây vốn là thuật ngữ cho lối sống ẩn dật ở Nhật Bản nhưng chúng đang lan rộng ra Trung Quốc, Hàn Quốc và nhiều nước Châu Á khác.
Ở xứ sở kimchi, lối sống này thu hút được sự chú ý của truyền thông và trỗi dậy từ đầu thập niên 2000 và cho đến tận ngày nay, rất nhiều bạn trẻ Hàn Quốc vẫn sống ẩn dật theo kiểu đó.
Hàng trăm nghìn "ẩn sĩ"
Thông thường những người sống ẩn dật tại Hàn Quốc thường là các bạn trẻ nam giới, ngại giao tiếp xã hội và muốn có không gian riêng an toàn của mình trong căn phòng nhỏ. Họ thường sống với gia đình bởi những ẩn sĩ này không đủ năng lực để vươn lên trong sự nghiệp và tự kiếm một ngôi nhà cho riêng mình.
Vì đa phần những ẩn sĩ thường né tránh nơi công cộng nên rất khó để thống kê có bao nhiều người như vậy tại Hàn Quốc. Theo một số điều tra của chính phủ, Hàn Quốc hiện có khoảng 320.000 người đang sống theo kiểu Hikikomori.
Tuy nhiên nhiều báo cáo độc lập cho rằng con số còn lớn hơn bởi những người sống ẩn dật này thường né tránh sự chú ý và bị bỏ qua. Các ước tính khác cho rằng Hàn Quốc có thể có 500.000 người hoặc thậm chí 1 triệu trường hợp sống ẩn dật như vậy.
Một Hikikomori. Nguồn: The Wired
Tổ chức K2 International chuyên hỗ trợ những bạn trẻ mắc hội chứng Hikikomori thì ước tính khoảng 30% giới trẻ Hàn Quốc đã không tiếp xúc nhiều với xã hội trong 10 năm qua.
Thuật ngữ "Hikikomori" được chuyên gia tâm lý người Nhật bản Saito Tamaki sử dụng lần đầu tiên vào năm 1998 để ám chỉ những người sống ẩn dật cũng như tình trạng của họ. Trong cuốn sách "Social Withdrawal: Adolescence Without End", chuyên gia Tamaki đã mô tả các ẩn sĩ là những người sống tách biệt khỏi xã hội quá 6 tháng vì ngại tiếp xúc, giao tiếp.
Năm 2003, chính phủ Nhật Bản chính thức công nhận thuật ngữ này khi có quá nhiều ẩn sĩ và thói quen sinh hoạt của họ đang ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường tiêu dùng, cơ cấu dân số cũng như nhiều mặt khác của kinh tế, xã hội. Thông thường những người mắc hội chứng Hikikomori nếu không được điều trị kịp thời sẽ tốn thời gian hàng thập niên tiếp tục lối sống cũ như trường hợp của anh Kim.
Mặc dù gây nhiều tranh cãi nhưng lối sống Hikikomori chưa bao giờ trở thành tâm điểm chỉ trích của xã hội. Thậm chí các gia đình cũng chỉ coi đó là sự tự ti của con cháu hơn là một hội chứng bệnh tâm lý.
Năm 2019, Nhật Bản cho biết họ có khoảng 1,15 triệu người đang mắc hội chứng Hikikomori nhưng chuyên gia tâm lý Tamaki nhận định con số thực tế có thể lên đến 2 triệu người. Một số nghiên cứu độc lập cho thấy chính phủ Nhật Bản sẽ phải tốn bình quân 150 triệu Yên, tương đương 1,4 triệu USD để hỗ trợ cho mỗi ẩn sĩ sống hết vòng đời của mình trong lặng lẽ.
Tờ The Wired cho biết dù thuật ngữ này xuất hiện lần đầu tiên ở Nhật Bản nhưng chúng đang lan rộng ra toàn khu vực và đặc biệt phổ biến ở Hàn Quốc. Thậm chí tại nhiều quốc gia Phương Tây như Mỹ cũng đã xuất hiện trào lưu này nhất là khi đại dịch Covid-19 khiến nhiều người phải ở nhà suốt 1 năm trời.
Khó hòa nhập xã hội
Chuyên gia tâm lý Lee Ah Dang của một trung tâm tư vấn tại thủ đô Seoul cho biết những người mắc hội chứng Hikikomori thường là các bạn trẻ không thích nghi được với lối sống cạnh tranh khốc liệt hiện nay tại Hàn Quốc.
Đồng quan điểm, chuyên gia tâm lý Park Dae Ryeong tại Hàn Quốc cũng chỉ ra rằng cơ hội việc làm thấp, giá nhà và chi phí sinh hoạt tăng cao cùng áp lực lấy vợ đi kèm lối sống cạnh tranh, so bì đã khiến nhiều bạn trẻ mỏi mệt và không thể thích nghi. Một môi trường thiên về sự độc đoán, cản trở hợp tác và không khuyến khích theo đuổi đam mê khiến nhiều bạn trẻ Hàn Quốc cảm giác thiếu thốn, thất vọng và lo lắng mỗi khi ra ngoài xã hội.
Những hikikomori chỉ thích ở ẩn trong căn phòng chật hẹp của mình. Nguồn: Internet
Theo chuyên gia Park, khái niệm thành công cứng nhắc của xã hội Hàn Quốc đã khiến nhiều bạn trẻ thất vọng với chính bản thân mình. Tiêu chuẩn phải học giỏi, đỗ trường đại học danh giá, xin được vào làm ở những công ty nổi tiếng với mức lương cao, đi làm xe xịn và có cuộc sống sang chảnh mới là thành công đã ăn sâu vào tâm trí nhiều người. Hệ quả là những bạn trẻ không thể tuân theo tiêu chuẩn này bị chỉ trích và cho ra rìa.
Anh Kim Ho Seon là một ví dụ điển hình khi vốn là người có đam mê về thời trang tóc và trang điểm. Thế nhưng mọi người thân của anh Kim đều phản đối khi anh bỏ học để theo đuổi đam mê với các lớp học nghề. Điều này khiến anh Kim trầm cảm đến mức phải gọi điện đến đồn cảnh sát nhờ giúp đỡ.
Một yếu tố nữa được cho là thúc đẩy phong trào sống ẩn dật ở Hàn Quốc là sự hiện đại hoá. Anh Yoo Seung Gyu, một ẩn sĩ 27 tuổi cho biết tại Hàn Quốc, việc sống theo kiểu Hikikomori rất dễ dàng.
"Thật thoải mái khi sống một mình ở Hàn Quốc. Chúng tôi có đầy đủ những ứng dụng gọi đồ ăn và dịch vụ giao hàng tiện lợi khác. Tất cả những thứ bạn có thể làm ngoài kia như đi nhà hàng, giải trí... đều có thể chuyển thành dịch vụ tại nhà cho người sống một mình", anh Yoo nhấn mạnh.
*Nguồn: The Wired
Huyền Băng
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị