Tham tán Võ Tuấn Ngọc giới thiệu cho đồng bào ở Biển Hồ chương trình chuyển đổi nghề nghiệp - Ảnh: T.TR
Đối với bà con ở Biển Hồ, việc chuyển đổi nghề nghiệp cũng có nghĩa thay đổi tập quán sinh sống lâu đời của họ, thay đổi nếp nghĩ, gieo cấy sự cầu tiến cho họ.
Anh Oknha Leng Rithy
Câu hỏi khó có lời đáp
Tham tán Ngọc đi khi thì bão dông, thắt ngặt áo cơm, khi thực hiện lệnh di dời, lúc bệnh dịch, thiếu điện, nước... bà con kêu cứu. Riết rồi, không phải đợi tiếng than từ những người trông chờ, anh cũng xách balô đi Biển Hồ, để quay về cùng nỗi canh cánh...
"Vấn đề đời sống của người Việt ở Biển Hồ đã tồn tại nhiều đời nay rồi, không thay đổi được" - ông Chak Kim Seng, người gắn bó với cộng đồng người gốc Việt ở Kampong Luong (huyện Krako, tỉnh Pursat), thở dài.
Có đêm thật khuya, từ Biển Hồ, tham tán Ngọc chia sẻ: "Tôi bắt đầu nghĩ đến và tìm cách làm gì đó khác cho bà con. Nhất là chị em và các cháu sống trên Biển Hồ và trên sông ở Campuchia...". Rồi vị tham tán lại viết thư cho bạn bè ở các nơi, với hy vọng gợi lên ý tưởng nào đó để có thể giúp thực hiện mong muốn đó.
Trong lá thư gửi cho người bạn đang công tác tại Hà Nội, tham tán Ngọc chia sẻ: "Bà con gốc Việt sống trên Biển Hồ và ven sông tại Campuchia đa phần rất nghèo khổ. Nguyên nhân thì nhiều, khách quan và chủ quan có cả. Mình đi nhiều thấy cái vòng luẩn quẩn của bà con đều bắt đầu bằng nhận thức hạn chế, ngại thay đổi, thất học, sống khá khép kín, không hội nhập xã hội, nên càng ngày càng nghèo, địa vị pháp lý bấp bênh, hết đời này qua đời khác...".
Cuối thư, vị tham tán vẫn một câu hỏi quen thuộc: "Làm thế nào để giúp được bà con?".
Một thời gian, những câu hỏi đó dường như khó có câu trả lời.
Tham tán Ngọc tâm sự đang lúc trăn trở tìm lối ra cho bà con gốc Việt ở Biển Hồ thì anh nhận được điện thoại của Oknha Leng Rithy mời đến uống trà. Oknha Leng Rithy là người rất có uy tín trong xã hội Campuchia. Ông có nhiều đóng góp cho các doanh nghiệp và cộng đồng gốc Việt tại Campuchia.
Trong buổi trà, Oknha Leng Rithy chia sẻ mối quan tâm đến đời sống của người gốc Việt trên Biển Hồ, đúng những gì anh Ngọc đang bận tâm. Theo Oknha, muốn cho người gốc Việt ở Biển Hồ có cuộc sống tốt hơn, không thể nào để họ cứ mãi bám vào mặt nước để bắt cá mỗi ngày. Trong khi Chính phủ Campuchia đã có lệnh di dời các hộ sinh sống trên mặt nước lên bờ. Mà muốn chuyển đổi môi trường sống thì phải gắn liền với chuyển đổi nghề nghiệp.
Oknha Leng Rithy cho biết nhu cầu tuyển lao động của các doanh nghiệp từ Việt Nam sang đầu tư ở Campuchia là rất lớn, nhất các doanh nghiệp nông nghiệp. Tuy nhiên, những người am hiểu về người gốc Việt ở Biển Hồ đều thừa biết để "bứng" họ khỏi cuộc sống sông nước là điều cực kỳ khó.
"Người dân ở đây nghĩ mình sinh ra là chỉ biết bắt cá để sinh sống thôi. Họ thà làm ngày nào ăn ngày nấy, chứ không làm thuê, làm mướn cho ai"- bà Trần Thị Sáu ở Kampong Chnang chắc nịch.
Một nhóm dân Biển Hồ đi tìm hiểu cuộc sống, công việc của các nông trại do doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ở Campuchia - Ảnh: T.TRINH
Tìm tương lai tốt hơn
Đó là những tháng hè 2019. Trong lúc đang tìm cách tiếp cận với người gốc Việt ở Biển Hồ về vấn đề chuyển đổi nghề, tình cờ tham tán Võ Tuấn Ngọc gặp nhà sư Thích Chúc Quang (trụ trì chùa Phước Huệ ở Trà Ôn, Vĩnh Long), khi nhà sư từ Việt Nam sang tận Sa Son, vùng xa xôi hẻo lánh thuộc tỉnh Pursat trên Biển Hồ để làm thiện nguyện.
Anh Ngọc lóe lên ý nghĩ nhờ nhà sư với khả năng của mình có thể thuyết phục người dân nổi trôi ở Biển Hồ đồng ý cuộc mưu sinh mới. Sư Chúc Quang và sư Thích Lệ Đạt, trụ trì một ngôi chùa nổi ở Sa Son, đã tâm huyết nhận lời.
Sư Chúc Quang tâm sự những chuyến đi thiện nguyện ở Biển Hồ, sư không quên được hình ảnh những đứa trẻ đầu tóc rối bù, ánh mắt thèm khát nhiều thứ. Tuy sống trên vùng nước rộng lớn nhưng người dân lại dùng nguồn nước rất bẩn. Họ đi vệ sinh trên đó, nuôi heo, gà trên đó, xuồng ghe chạy vậy mà lại dùng nước đó để nấu ăn. Có lẽ vì vậy mà phần lớn người lớn tuổi và trẻ em gặp rất nhiều bệnh về đường ruột và gan.
"Cơ bản là trẻ em nheo nhóc ở đây rất nhiều, không được tiếp cận văn minh, nhưng lại lập gia đình, sinh con rất sớm. Rồi cái nghèo cứ đeo theo và hậu quả sau này sẽ kéo dài hệ lụy sau còn tiếp diễn mãi. Sư thấy nhiều người dân ở đây khi khó khăn thì lại mong chờ các đoàn cứu trợ. Nhưng dịch bệnh thế này ai đâu mà đến" - sư Chúc Quang tâm sự.
Nhà sư cho rằng để người gốc Việt ở Biển Hồ có cuộc sống tốt hơn thì phải tìm cách đào tạo cho họ biết chữ, và đưa lên bờ tìm công việc để làm. Vì vậy, khi nghe tham tán Ngọc đặt vấn đề, sư tâm đắc nhận lời.
Trong khi đó, nhà sư Thích Lệ Đạt cũng chia sẻ: "Tôi đã hỏi nhiều gia đình ở đây là họ có chịu đi khỏi Biển Hồ để tìm cuộc sống mới, ổn định hơn không? Nhiều gia đình đã đồng ý". Và sư Thích Lệ Đạt đã viết tâm thư kể rõ sự tình cho tham tán Ngọc.
Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất là tâm lý tự ti của người sinh sống ở Biển Hồ. Bởi để thay đổi môi trường sống, đi xa nơi đã gắn bó với họ bao đời là chuyện không dễ. Để họ yên tâm, đã có những chuyến xe cho một số hộ dân đi đến các đồn điền cao su, các trang trại nông nghiệp hiện đại do các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư trên đất Campuchia.
Ở những nơi này đã có các ngôi làng với đầy đủ trường, trạm mọc lên. Đây là nơi sinh sống của các công nhân không chỉ người gốc Việt, mà có rất đông người Khmer cũng đến đây làm việc và sinh sống.
Sau chuyến mục sở thị đó, nhiều gia đình đã ghi danh rời khỏi Biển Hồ.
Tham tán Võ Tuấn Ngọc cho biết "Chương trình hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, tạo việc làm, cải thiện an sinh xã hội cho người nghèo tại Campuchia giai đoạn 2020- 2025" không chỉ cho người gốc Việt, mà người Khmer ở Campuchia cũng được tham gia.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Quang Minh (nguyên đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Campuchia) cho biết khi làm việc với Bộ Lao động Campuchia, Tổng cục Việc làm Campuchia, các cơ quan của bạn rất ủng hộ chương trình. Bộ trưởng Bộ Lao động Campuchia còn đánh giá đây là chương trình rất nhiều ý nghĩa, nhất là trong thời gian dịch bệnh như thế này.
Thế rồi những chuyến xe chở người lớn, trẻ nhỏ lỉnh kỉnh hành trang rời Biển Hồ lăn bánh kéo theo những ánh mắt quan sát, mơ ước nhưng cũng có phần dè dặt... của người ở lại. Ban đầu là vài hộ gia đình ở Pursat, rồi đến các gia đình ở Kampong Chhnang, Siem Reap, Battambang... Giờ thì hàng ngàn gia đình lần lượt rời Biển Hồ. Đại sứ Vũ Quang Minh còn gọi đây là "những người dũng cảm" khi quyết tâm rời khỏi cuộc sống gắn bó bao đời trên Biển Hồ để có cuộc sống mới tốt đẹp hơn.
Tham tán Ngọc gọi đây là "những chuyến xe đến tương lai". Thời gian đó, hầu như mỗi tuần anh cũng vài lần đến những khu sinh sống, làm việc mới của bà con. Còn chị Nguyễn Thị Thúy, người dân ở Pursat chuyển đến tổ hợp nông nghiệp ở Snuol làm việc, tâm sự: "Ở Biển Hồ đêm hôm mưa bão, tụi tôi sợ sóng gió, nay được ngủ thẳng giấc tới sáng để đi làm".
**********
Nhiều doanh nghiệp Việt sang đầu tư ở Campuchia rất cần lao động, nhưng để gắn kết được với đồng bào ở Biển Hồ cần phải có thời gian.
>> Kỳ tới: Những bàn tay giúp đỡ đồng bào
TTO - Những xóm bè co cụm, nổi trôi ở Biển hồ Tonle Sap (Campuchia), gắn liền với nhiều thế hệ người gốc Việt làm nghề chài lưới.