Vài tháng qua gia đình anh Nguyễn Thành Tâm (phường 16, quận 8, TP.HCM) đã phải trải qua nhiều biến cố khi trong gia đình có tám người mất vì COVID-19. Nỗi đau mất người thân chưa nguôi thì gia đình lại liên tục nhận được những cuộc gọi đòi nợ từ nhiều người.
Sau khi tìm hiểu thì được biết trước khi mất chị N.T.M.K. (con dâu trong gia đình) đã đi vay nợ của nhiều người, thậm chí còn mang cả sổ hồng mang đi để vay.
“Thời gian đầu, cách ngày lại có người đến đòi tiền, gia đình tôi ráng đi vay mượn nhiều nơi để có tiền trả. Trong đợt đầu, số tiền trả cho những người chủ nợ của chị K. mà gia đình bỏ ra là khoảng 700 triệu đồng. Tưởng chừng chuyện đã dừng lại, nhưng ít bữa sau lại tiếp tục có người mang giấy vay nợ tới để đòi tiền (có cả những người đã trả trong đợt đầu).
Số tiền trên giấy nợ mà các chủ nợ mang đến tổng lại còn tiếp khoảng 700 triệu đồng. Trong đợt thứ hai này gia đình bắt đầu nhận được những lời đe dọa, khủng bố tinh thần từ phía chủ nợ nên rất hoang mang”- anh Tâm chia sẻ.
Rất nhiều giấy vay tiền được các chủ nợ mang tới gia đình anh Tâm trong sáng 5-11. Ảnh: ĐẶNG LÊ
Để giải quyết dứt điểm chuyện này, ngày 5-11 gia đình anh Tâm đã chủ động mời những chủ nợ của đợt thứ hai đến nói chuyện và giải quyết. Ghi nhận của PV tại buổi làm việc này còn có sự chứng kiến của Công an phường 16, quận 8.
Tại buổi làm việc, những giấy vay nợ mà chủ nợ mang đến chỉ có nội dung rất đơn giản. Chẳng hạn như: “Hôm nay, ngày…chị N.T.M.K, số CMND/CCCD có vay của anh D.T.T số tiền 90 triệu đồng với kỳ hạn 3 tháng…”.
Một chủ nợ nói tại buổi làm việc rằng trước đó chị K. chủ động gọi điện tới và có nhu cầu muốn vay tiền nên đã giúp đỡ cho vay.
“Số tiền trên giấy nợ tổng lại của đợt 2 là khoảng 700 triệu nhưng gia đình tôi không còn khả năng chi trả mức đó nên chúng tôi yêu cầu các chủ nợ giảm một nửa. Nếu đồng ý thì gia đình trả tiền ngay, còn không thì bên kia có thể khởi kiện ra tòa để đòi nợ. Bởi người vay nợ cũng đã mất rồi, và gia đình đã quá mệt mỏi, tang thương rồi”- anh Tâm nói.
Kết thúc buổi làm việc, sau khi thương lượng gia đình anh Tâm đã thực trả số tiền hơn 300 triệu để giải quyết dứt điểm với nhóm chủ nợ. Tổng số tiền đã trả cho khoản nợ mà chị K. để lại là hơn 1 tỉ đồng.
Anh Tâm mong muốn qua vụ việc của gia đình, mọi người rút ra kinh nghiệm là đừng đánh liều vay nóng bên ngoài như trường hợp người nhà anh gặp phải, bởi hậu quả sau đó rất khó lường. Anh cũng đã phải thuê luật sư để làm các thủ tục hoàn tất nợ với các bên cho vay. Nếu có bất kỳ khoản nợ nào từ người nhà đã mất nữa, anh không chịu trách nhiệm giải quyết.
Liên quan đến sự việc nêu trên, luật sư Trần Thái Bình, Đoàn Luật sư TP.HCM, cảnh báo người dân nên cảnh giác khi vay tiền ở những nơi có thủ tục quá đơn giản. Bởi lẽ, khi cho một người lạ vay một khoản vay cả trăm triệu đồng mà thủ tục rất đơn giản chỉ cần CMND/ CCCD, sổ hộ khẩu mà không cần cầm cố hay thế chấp tài sản thì những khoản vay này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.
“Mục đích cho vay mà chỉ cần CMND/CCCD, sổ hộ khẩu là để người cho vay biết được địa chỉ nhà, thông tin về nơi ở, thông tin người thân (có trong hộ khẩu) để tìm tới trong trường hợp không trả được nợ. Chưa kể còn nhiều rủi ro khác trong cách vay này mà báo chí đã nhiều lần cảnh báo”- LS Bình chia sẻ.