Bộ trưởng Tô Lâm và các đại biểu dự buổi Lễ. |
Tham dự buổi Lễ có đại diện lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Tư pháp. Về phía Bộ Công an có các đồng chí: Thượng tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Thiếu tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an…
Báo cáo tại buổi Lễ nêu rõ, từ tháng 11/2020 đến nay, Bộ Công an đã chủ trì soạn thảo, trình Quốc hội ban hành 02 luật, gồm: Luật Cư trú và Luật Phòng, chống ma túy; đồng thời, chủ trì xây dựng, trình Chính phủ ban hành 09 nghị định quy định chi tiết thi hành các luật: Luật CAND năm 2018, Luật Cư trú năm 2020, Luật Phòng cháy và chữa cháy, Luật Thi hành án hình sự năm 2019.
Tập trung xây dựng dự án Luật Cảnh sát cơ động đã bảo đảm tiến độ, trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 (tháng 10/2021) và 04 dự án luật (Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự (ANTT) ở cơ sở; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CAND; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự) đang được các đơn vị chủ trì khẩn trương xây dựng để đề xuất đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội. Cùng với đó, Bộ trưởng Bộ Công an đã ký ban hành 124 thông tư quy định về các lĩnh vực liên quan đến ANTT.
Toàn cảnh buổi Lễ. |
Bên cạnh đó, lực lượng CAND đã tổ chức hơn 500 hội nghị phổ biến, quán triệt, tập huấn chuyên sâu các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ANTT cho 132.075 lượt cán bộ, chiến sĩ; tổ chức 142 lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho 8.143 lượt cán bộ, chiến sĩ; tổ chức 2.357 cuộc sinh hoạt đơn vị phổ biến cho 125.325 lượt cán bộ, chiến sĩ về các văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật; sao gửi 4.138 văn bản quy phạm pháp luật; biên soạn, in ấn, cấp phát hơn 20.000 cuốn sách, tạp chí, tài liệu pháp luật; 2.175 băng, đĩa có nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật đến các đơn vị, địa phương thuộc quyền để tổ chức triển khai thực hiện.
Tích cực tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân về quyền, nghĩa vụ của công dân trong việc thực hiện thu thập, cập nhật thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, sử dụng thẻ căn cước công dân có gắn chíp điện tử, các trường hợp cần thiết phải cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân... Qua đó, góp phần xây dựng dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và dự án Sản xuất, cấp và quản lý Căn cước công dân đúng tiến độ và đạt hiệu quả cao nhằm cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước về ANTT, phục vụ hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về ANTT…
Phát biểu tại buổi Lễ, thay mặt Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, Bộ trưởng Tô Lâm ghi nhận, đánh giá cao, biểu dương những nỗ lực, cố gắng và thành tích đạt được của Công an các đơn vị, địa phương trong việc tổ chức triển khai thực hiện Ngày Pháp luật trong thời gian qua.
Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu tại buổi Lễ. |
Trong thời gian tới, để tiếp tục phát huy vai trò, ý nghĩa thiết thực, hiệu quả của việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật, Bộ trưởng Tô Lâm yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương cần tập trung nghiên cứu xây dựng, trình Quốc hội khóa XV xem xét, thông qua các dự án: Luật Cảnh sát cơ động; Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự… Chủ động nghiên cứu, nội luật hóa các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; đề xuất đàm phán, ký kết hoặc gia nhập các điều ước quốc tế song phương, đa phương về phòng, chống tội phạm, tương trợ tư pháp về hình sự, dẫn độ, chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù.
Tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho phù hợp với từng đối tượng, lĩnh vực, địa bàn. Nghiên cứu, chỉnh lý hệ thống giáo trình pháp luật; tăng thời lượng giảng dạy pháp luật tại các học viện, trường CAND. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; phát huy vai trò của cơ quan báo chí, truyền thông CAND trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ANTT.
Đồng thời, chú trọng nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật, theo dõi, kiểm tra việc thi hành pháp luật về an ninh, trật tự. Tích cực triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, thực hiện hiệu quả các luật, pháp lệnh, văn bản hướng dẫn thi hành liên quan đến ANTT. Bên cạnh đó, cần làm tốt công tác kiểm tra tình hình thi hành pháp luật, xử lý nghiêm cán bộ, chiến sĩ vi phạm pháp luật trong thực thi nhiệm vụ. Kiên quyết đấu tranh phòng, chống biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong xây dựng pháp luật, cải cách hành chính, tư pháp.
Đồng chí Bộ trưởng cũng đề nghị, Công an các đơn vị, địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách hành chính trong CAND, đổi mới các khâu, quy trình công tác; rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính không cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức và cá nhân.
Trong khuôn khổ buổi Lễ, Bộ Công an đã tổng kết việc triển khai thực hiện Đề án "Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho người đang chấp hành hình phạt tù; người bị áp dụng các biện pháp tư pháp hoặc các biện pháp xử lý hành chính, người mới ra tù tái hòa nhập cộng đồng, thanh thiếu niên vi phạm pháp luật lang thang cơ nhỡ giai đoạn 2018 - 2021". Đồng thời, thay mặt Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng, đã phát động triển khai thực hiện Đề án "Nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật gắn với vận động quần chúng nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở của lực lượng CAND giai đoạn 2021 - 2027".