Hôm nay (9/11), Quốc hội tiếp tục họp phiên toàn thể thảo luận các vấn đề kinh tế - xã hội và phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu đã tiếp tục làm rõ hơn bức tranh tổng thể về tình hình kinh tế - xã hội, khẳng định sự chuyển hướng chiến lược phòng chống dịch sang thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát hiệu quả đã mang lại những tín hiệu tốt cho thị trường. Tuy nhiên những hệ quả nặng nề do đợt dịch thứ 4 gây ra ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội là không thể khắc phục trong một sớm, một chiều. Điều này đòi hỏi Quốc hội, Chính phủ cần tiếp tục có những quyết sách phù hợp cả về ngắn hạn và lâu dài.
Ghi nhận những kết quả đạt được như kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, dự trữ ngoại hối nhà nước tiếp tục được củng cố, nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, tuy nhiên nhiều đại biểu bày tỏ lo lắng khi đại dịch COVID-19 đã làm hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị đứt gãy, ngưng trệ, cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn.
Trên cơ sở đó, các đại biểu đề nghị Chính phủ cần tiếp tục có những giải pháp căn cơ trong phòng, chống dịch để nền kinh tế mau chóng phục hồi.
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân. (Ảnh: TTXVN)
"Cần tăng cường quản lý và kiểm soát giá cả, không để đầu cơ, lũng đoạn giá, làm tăng lạm phát, vì để lạm phát cao sẽ phá vỡ các kế hoạch đề ra. Tập trung giải ngân vốn đầu tư công theo đúng kế hoạch và hiệu quả để kinh tế tăng trưởng đạt 6 - 6,5%. Cần huy động vốn đầu tư xã hội trên 3 triệu tỷ đồng, trong đó vốn trong dân là gần 2 triệu tỷ đồng. Muốn vậy, cần có gói hỗ trợ lãi suất", ông Trần Hoàng Ngân, đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh, nêu ý kiến.
"Đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát cắt giảm các nhiệm vụ chưa thực sự cần thiết, điều tiết kịp thời các dự án chậm triển khai hoặc triển khai chưa có hiệu quả, phấn đấu tăng thêm số thu ngân sách nhà nước thông qua các nguồn thu. Chính phủ cần quan tâm giải ngân vốn đầu tư công trung hạn, lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt xã hội", ông Nguyễn Tạo, đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng, nêu đề xuất.
Nhiều đại biểu cũng đề xuất, bên cạnh các chính sách vĩ mô, Chính phủ cũng cần quan tâm đến công tác cải cách thể chế, tăng cường hỗ trợ cho doanh nghiệp thông qua các gói hỗ trợ về tài chính để nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh, xem xét ưu tiên phân bổ vốn cho xây dựng, nâng cấp các tuyến cao tốc để đẩy mạnh giao thương, phục vụ cho phát triển.
"Điều mong mỏi của doanh nghiệp lúc này là được cấp cứu dòng tiền thông qua chính sách tiền tệ, giảm lãi, khoanh nợ, hoãn nợ và vay vốn mới. Tuy nhiên, chính sách hiện giờ còn quá chặt, thiếu thực tế, vì vậy mong muốn cải thiện chính sách đúng, trúng, đủ và mang tính dài hạn hơn để chính sách đi vào thực tiễn", ông Thạch Phước Bình, đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh, cho hay.
Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu đồng tình với các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, trong đó có chỉ tiêu GDP đạt khoảng 6 - 6,5% so với năm 2021 để có những cân đối vĩ mô thích hợp, tuy nhiên lưu ý Chính phủ có những tính toán mang tính đột phá để phù hợp với giai đoạn mới.
VTV.vn - Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh), việc huy động vốn đầu tư xã hội là một trong các giải pháp quan trọng cho hoàn thành mục tiêu tăng trưởng năm 2022.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.46013209190111202-tahp-mal-gnat-mal-aig-naod-gnul-oc-uad-ed-gnohk-hqbd/et-hnik/nv.vtv