Người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, kinh doanh thời vụ được hỗ trợ theo gói 26.000 tỉ đồng - Ảnh: HÀ QUÂN
Quyết định 33 không áp dụng đối với những trường hợp đã được chi trả hỗ trợ hoặc đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt danh sách hỗ trợ nhưng chưa chi trả theo hướng dẫn của quyết định 23.
Theo quy định mới, lao động chấm dứt hợp đồng chỉ cần nộp bản sao giấy tờ như hợp đồng lao động, quyết định thôi việc, không cần chứng thực hay có bản chính đi kèm.
Quyết định 33 mở rộng hỗ trợ đối tượng hộ kinh doanh sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, kinh doanh thời vụ, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký hộ kinh doanh. Hỗ trợ 1 lần duy nhất với mức 3 triệu đồng.
Điều kiện là ngừng hoạt động 15 ngày liên tục trở lên do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng chống dịch COVID-19, địa điểm thuộc địa bàn áp dụng chỉ thị 16, áp dụng nghị quyết 128 từ ngày 1-5-2021 đến hết ngày 31-12-2021.
Chính sách mới của Chính phủ cũng bổ sung quy định hỗ trợ 1 triệu đồng/người với người cao tuổi, người khuyết tật là F0 hoặc F1 theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Hồ sơ của F0 hoặc F1 điều trị tại cơ sở y tế gồm danh sách hưởng chính sách, giấy ra viện hoặc chứng tử có xác nhận, bản sao một trong các loại giấy tờ như khai sinh/căn cước/thẻ bảo hiểm y tế/giấy xác nhận mức độ khuyết tật.
Trường hợp người mất hoặc không mang theo giấy tờ trên thì dùng giấy cam kết chịu trách nhiệm thông tin thay thế của F0 đó hoặc cha, mẹ, người chăm sóc.
Quyết định 33 lưu ý, nếu F1 đã hoàn thành cách ly trước ngày 6-11 thì hồ sơ gồm văn bản của UBND cấp xã hoặc huyện, cơ quan y tế về việc cách ly hoặc điều trị tại nhà; giấy xác nhận hoàn thành cách ly; bản sao một trong các giấy tờ khai sinh/căn cước/thẻ BHYT/giấy xác nhận mức độ khuyết tật; phiếu thu, biên lai hoặc giấy xác nhận tiền ăn tại cơ sở cách ly.
Trong khi đó, doanh nghiệp tạm dừng đóng quỹ hưu trí, tử tuất khi bị giảm 10% số lao động vì ảnh hưởng của dịch COVID-19 trở lên tại thời điểm nộp hồ sơ đề nghị so với tháng 1-2021.
Số người lao động tính giảm chỉ bao gồm người làm việc theo hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương, không bao gồm người đã nghỉ việc và hưởng lương hưu từ ngày 1-2-2021.
Theo quyết định này, doanh nghiệp đề nghị hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động có thể nộp hồ sơ thành nhiều đợt và gửi đến Sở Lao động, thương binh và xã hội nơi đặt trụ sở chính hoặc nơi đăng ký đóng bảo hiểm xã hội.
Một điểm nữa, trường hợp dịch bệnh hoặc nguyên nhân bất khả kháng không thể thỏa thuận bằng văn bản thì người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận qua điện thoại, tin nhắn, thư điện tử… và chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung thỏa thuận.
TTO - Bộ Lao động, thương binh và xã hội cho biết người lao động, người sử dụng lao động có thể tìm hiểu các chính sách của nghị quyết 68 và quyết định 23 (gói 26.000 tỉ đồng) qua phần Hỏi - Đáp trên cổng thông tin điện tử của bộ.