Thời gian qua, một số người đã gửi đơn tố giác, yêu cầu khởi tố bà Nguyễn Phương Hằng (Bình Dương) vì cho rằng bà Hằng đã vu khống, xúc phạm đến danh dự của họ. Trong đó có nhiều nghệ sĩ như ca sĩ Vy Oanh, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, vợ chồng ca sĩ Thủy Tiên - Công Vinh…
Nhiều trường hợp, tính từ lúc cơ quan chức năng xác nhận đã nhận đơn đến nay thì thời gian trôi qua đã hơn bốn tháng.
Tuy nhiên, họ vẫn chưa nhận được văn bản trả lời của cơ quan có thẩm quyền về kết quả giải quyết đơn trong khi theo quy định thì thời hạn tối đa để giải quyết tin báo tố giác tội phạm là bốn tháng.
Gửi đơn đến công an
Từ ngày 21-6, bà Nguyễn Thị Mỹ Oanh (ca sĩ Vy Oanh) đã gửi đơn đến Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.HCM tố bà Phương Hằng sử dụng mạng xã hội đăng tin bịa đặt, thông tin sai sự thật nhằm mục đích xuyên tạc, vu khống, xúc phạm đến danh dự của nhiều cá nhân ca sĩ, nghệ sĩ trong nước, trong đó có ca sĩ Vy Oanh.
Các ca sĩ Thủy Tiên, Đàm Vĩnh Hưng và Vy Oanh (từ trái sang) có đơn yêu cầu xử lý hình sự bà Nguyễn Phương Hằng. Ảnh: TƯ LIỆU
Ngày 25-6, đơn của nữ ca sĩ được chuyển sang Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM.
Đến ngày 25-10, ca sĩ Vy Oanh tiếp tục gửi đơn yêu cầu khởi tố đến Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM vì cho rằng bà Phương Hằng đã có các hành vi làm nhục người khác; vu khống; lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Trong đơn, ca sĩ Vy Oanh nêu: “Từ ngày 16-5 đến 9-10, bà Phương Hằng đã sử dụng ngôn ngữ phản cảm, quy chụp vô căn cứ nhằm bôi nhọ, vu khống, xúc phạm tôi với hàng loạt từ ngữ: đẻ thuê (lặp lại 10 lần), làm gái bao (hai lần), làm bé (hai lần), giật chồng - giựt chồng (ba lần), zĩ zãng zơ záy (dĩ vãng dơ dáy) chín lần…
Ca sĩ Vy Oanh cũng đề nghị cơ quan điều tra nhanh chóng xác minh thông tin để sớm khởi tố bà Phương Hằng cùng đồng phạm nhằm bảo vệ danh dự, nhân phẩm cho cô cùng gia đình.
Cùng với ca sĩ Vy Oanh, ngày 21-9, ông Huỳnh Minh Hưng (ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng) cũng gửi đơn tố bà Phương Hằng đến Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM về hành vi vu khống, làm nhục người khác, đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông. Sau khi xem xét nội dung đơn, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã chuyển đơn đến Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương để giải quyết theo thẩm quyền.
Đại diện truyền thông của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng cho biết nam ca sĩ đã có buổi làm việc với Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương lẫn Cục Cảnh sát hình sự (C02) vào ngày 13-10 để cung cấp mọi hồ sơ, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan điều tra. Nam ca sĩ mong chờ sự việc được giải quyết, có kết quả sớm.
Ngày 22-9, vợ chồng ca sĩ Thủy Tiên đã gửi hồ sơ đến các cơ quan chức năng, trong đó có Bộ Công an, tố bà Phương Hằng và hai người khác đã có hành vi vu khống, bịa đặt, đưa thông tin không chính xác nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của nữ ca sĩ và gia đình.
Vợ chồng ca sĩ Thủy Tiên mong mỏi cơ quan pháp luật giải quyết nhanh chóng, kịp thời, đúng thời hạn luật định. Họ sẵn sàng chờ đợi để theo đuổi sự việc đến cùng.
Bộ Công an làm việc với bà Hằng vụ tố ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng Chiều 21-10, Cục Cảnh sát hình sự (C02), Bộ Công an ở phía Nam (quận 1, TP.HCM) đã làm việc với bà Phương Hằng. Nội dung buổi làm việc liên quan đến đơn bà Hằng tố ông Huỳnh Minh Hưng (ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng), mà theo bà thì ông Hưng không minh bạch, không công khai tiền từ thiện. Trước đó, bà Phương Hằng gửi đơn đến Công an TP.HCM, Bộ Công an tố cáo ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng “có dấu hiệu chiếm dụng tiền từ thiện khi sử dụng tài khoản cá nhân để kêu gọi, nhận quyên góp từ thiện và không có sự minh bạch, công khai về số tiền này”. |
Thời hạn giải quyết tố giác tối đa bốn tháng
TS Lê Huỳnh Tấn Duy (Trưởng bộ môn Tố tụng hình sự, Khoa luật hình sự Trường ĐH Luật TP.HCM) phân tích: Theo Điều 147 BLTTHS 2015, trong trường hợp thông thường, thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm là 20 ngày kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền nhận được các loại nguồn tin về tội phạm này. Trường hợp vụ việc bị tố giác, tin báo về tội phạm có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài nhưng không quá hai tháng.
Khi đã hết thời hạn này nhưng chưa thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh thì viện trưởng VKS cùng cấp hoặc viện trưởng VKS có thẩm quyền có thể gia hạn một lần nhưng không quá hai tháng.
Như vậy, thời hạn tối đa để giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm là không quá bốn tháng kể từ ngày tiếp nhận. Vấn đề này được quy định chi tiết tại Điều 11 Thông tư liên tịch 01/20217/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC (gọi tắt là Thông tư liên tịch 01/2017).
Kết thúc thời hạn luật định, cơ quan có thẩm quyền phải ra một trong ba quyết định: quyết định khởi tố vụ án hình sự; quyết định không khởi tố vụ án hình sự; quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm.
Căn cứ để ra từng loại quyết định tố tụng đã được quy định trong BLTTHS 2015. Đặc biệt, khi ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự nhưng nếu xét thấy cần xử lý bằng biện pháp khác thì chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết (khoản 1 Điều 158 BLTTHS 2015).
Liên quan đến trường hợp này, khoản 1 Điều 16 Thông tư liên tịch 01/2017 quy định sau khi ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự, nếu hành vi có dấu hiệu vi phạm hành chính thì trong thời hạn ba ngày kể từ ngày ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự, cơ quan đã ra quyết định phải sao hồ sơ để lưu và chuyển hồ sơ, tài liệu (bản chính), tang vật, phương tiện của vụ vi phạm (nếu có) và đề nghị xử phạt vi phạm hành chính đến người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.
Trách nhiệm chủ động thông báo cho người tố giác
TS Duy cũng chỉ rõ trách nhiệm của cơ quan tố tụng trong việc chủ động thông báo cho người tố giác kết quả giải quyết tố giác theo khoản 4 Điều 145 BLTTHS 2015 thì cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm thông báo kết quả giải quyết cho các chủ thể đã tố giác, báo tin về tội phạm.
Quy định này cũng được hướng dẫn chi tiết bởi khoản 3 Điều 14 Thông tư liên tịch 01/2017. Theo đó, trong thời hạn ba ngày kể từ ngày kết thúc việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, các cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm thông báo cho cá nhân, cơ quan, tổ chức đã tố giác, báo tin về tội phạm biết kết quả giải quyết vụ việc.
Trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền ra quyết định không khởi tố vụ án thì cơ quan, tổ chức, cá nhân đã tố giác hoặc báo tin về tội phạm có quyền khiếu nại quyết định này theo quy định tại khoản 2 Điều 158 BLTTHS 2015. Thẩm quyền và thủ tục giải quyết khiếu nại được thực hiện theo quy định tại Chương XXXIII BLTTHS 2015.
Ngoài ra, Điều 15 Thông tư liên tịch 01/2017 còn quy định người tố giác, báo tin về tội phạm, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố và người bị hại có quyền đưa ra yêu cầu, đề nghị về những vấn đề liên quan đến việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm.
Các cơ quan có thẩm quyền trong phạm vi trách nhiệm của mình giải quyết yêu cầu, đề nghị đó và báo cho họ biết kết quả. Trường hợp không chấp nhận yêu cầu, đề nghị thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do (khoản 1 Điều 15 Thông tư liên tịch 01/2017). Nếu không đồng ý thì người tham gia tố tụng có quyền khiếu nại.
Cần nhanh chóng điều tra, giữ gìn kỷ cương phép nước Đây là câu chuyện đang được dư luận quan tâm. Vụ việc phức tạp đúng là cần thời gian để cơ quan có thẩm quyền xác minh, làm rõ, đảm bảo mọi hành vi vi phạm đều bị xử lý theo pháp luật, đồng thời không gây ra oan, sai cũng như không bỏ lọt tội phạm. Tuy nhiên, người dân đã gửi đơn, đã trông cậy vào cơ quan pháp luật giải quyết sự việc bằng pháp luật thì kết quả xác minh thế nào phải thông báo cho họ biết. Đồng thời, cơ quan có thẩm quyền phải nhanh chóng điều tra, kịp thời có kết luận trong thời hạn luật định để ổn định trật tự xã hội, tránh gây dư luận không tốt trong nhân dân, ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả của pháp luật và kỷ cương phép nước. Luật sư NGUYỄN VĂN HẬU, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM |