Việc học trực tuyến kéo dài làm ảnh hưởng đến sức khỏe của học sinh (HS), chất lượng dạy và học khó đảm bảo… điều này cho thấy ngành giáo dục còn lúng túng, thiếu tầm nhìn dài hạn dù đại dịch đã kéo dài hai năm… Ngày 9-11, nhiều đại biểu (ĐB) đã nêu vấn đề này khi thảo luận tại hội trường Quốc hội về tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Lo ngại học trực tuyến kéo dài
ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) chia sẻ với những khó khăn của ngành giáo dục, đội ngũ giáo viên (GV) đã phải nỗ lực nhiều để đảm bảo chương trình học tập, nhất là đối với những địa phương đến nay vẫn phải kéo dài việc dạy học trực tuyến.
ĐB Hoa cho hay qua các cuộc làm việc của Ủy ban Văn hóa Giáo dục với Hà Nội, TP.HCM và một số tỉnh cho thấy dù ngành giáo dục ở các địa phương cố gắng rất nhiều nhưng chất lượng giáo dục là khó đảm bảo.
“Hậu quả của đại dịch COVID-19 để lại rất nặng nề, trong đó có vấn đề sức khỏe tâm thần của GV và HS. Có một bộ phận HS là con em các gia đình nghèo, những gia đình di cư có thể bị thất học. Đây là vấn đề cần quan tâm trong thời gian tới” - ĐB Hoa nói.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) nêu những hạn chế của ngành giáo dục trong đại dịch. Ảnh: TP
Bên cạnh đó, ảnh hưởng của dịch cũng khiến các cơ sở giáo dục bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là hệ thống các trường tư thục ở các TP lớn, các địa phương có khu công nghiệp. Nhiều cơ sở giáo dục, đặc biệt là cơ sở giáo dục mầm non phải ngừng hoạt động, GV không có việc làm… ĐB Hoa đề nghị cần rà soát, đánh giá đúng thực trạng và nghiên cứu chính sách hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục ngoài công lập khôi phục hoạt động, nghiên cứu chính sách tiền lương hợp lý cho nhà giáo, nhất là GV mầm non…
“Đầu tư cho kinh tế ta sẽ có phép cộng trong tăng trưởng nhưng đầu tư thỏa đáng cho giáo dục và đào tạo để có nguồn nhân lực chất lượng cao thì sự tăng trưởng sẽ là phép nhân” - ĐB Hoa nhấn mạnh.
ĐB Nguyễn Thị Hà (Bắc Ninh) bày tỏ sự lo ngại khi việc học trực tuyến kéo dài dẫn đến chất lượng dạy và học chưa được đảm bảo. Nhiều HS khó tiếp cận việc học do thiếu trang thiết bị học trực tuyến, mặc dù Chính phủ đã phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em” nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu của thực tế.
“Việc dạy và học trực tuyến kéo dài đã gây ra các vấn đề liên quan đến sức khỏe của người dạy và người học khi phải ngồi tiếp xúc với thiết bị điện tử lâu, không vận động trong thời gian dài, HS nảy sinh tâm lý lo lắng khi bị giảm tương tác với thầy cô và bạn bè…” - ĐB Hà nói.
Thiếu tầm nhìn dài hạn…
Trước ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 lên mọi mặt trong đời sống xã hội, các ĐB đều thống nhất đây là cơ hội để ngành giáo dục, cũng như các ngành khác đánh giá lại các hạn chế để đưa ra tầm nhìn dài hạn hơn.
ĐB Trần Đình Văn (Lâm Đồng) cho rằng ngành giáo dục cần xây dựng các chương trình giáo dục và định hướng giáo dục sau đại dịch. Hiện nay, tỉ lệ lao động mất việc làm lớn. Việc người dân di cư hồi hương cho thấy các doanh nghiệp khi khôi phục sản xuất sẽ thiếu hụt nguồn nhân lực lao động, dẫn đến khó khăn rất lớn trong sản xuất và cung ứng dịch vụ.
“Do đó, chúng ta cần quan tâm việc đào tạo mới và đào tạo lại lao động thông qua các chương trình giáo dục và định hướng giáo dục trên cơ sở cơ cấu lại một số ngành nghề, hình thành những ngành mới. Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp sắp tới phải đảm bảo dự báo được tình hình chuyển đổi nghề và đảm bảo tính định hướng” - ĐB Văn nói.
Trước đó, thảo luận tại Quốc hội vào chiều 8-11, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) nhận định Bộ GD&ĐT còn chậm trễ, lúng túng, thiếu tầm nhìn dài hạn để ứng phó với dịch… dù đại dịch đã kéo dài hai năm.
“Đến ngày 4-8-2021, khung kế hoạch thời gian năm học 2021-2022 ban hành kèm theo Quyết định 2551 của bộ vẫn hệt như mọi năm, không có một dòng nào đề cập đến các biện pháp ứng phó với dịch để đảm bảo triển khai thực hiện được linh hoạt, hiệu quả và an toàn” - ĐB Thúy nói.
ĐB Thúy cũng dẫn chứng gần đây việc tinh giản nội dung dạy học mới được tiến hành. Hơn nữa suốt hai năm qua, Bộ GD&ĐT cũng chưa đánh giá khả năng thực hiện dạy học trực tuyến ở các địa phương, chưa có biện pháp vận động, hỗ trợ phương tiện dạy và học trực tuyến cho những vùng, những đối tượng gặp khó khăn. Đây là những hạn chế cần được rút kinh nghiệm ngay và khắc phục sớm.