Sau khi lao dốc vì đường nhập lậu, cụ thể là đường nhập từ Thái Lan, hiện ngành mía đường Việt Nam đang dần phục hồi. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, ngành mía đường cần có nhiều thay đổi.
Nhà máy tồn tại, nông dân phải "sống"
Gắn bó với cây mía vùng nguyên liệu xã Sơn Nguyên, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên hơn 20 năm, bà Đoàn Thị Loan nói bà chưa nghĩ 1 ngày nào đó phải giã từ cây mía để trồng những loại cây khác. Bởi với bà, cây mía dù có những thời điểm khó khăn nhưng vẫn là cây xóa đói giảm nghèo cho vùng này. "Khó khăn nhất là nước tưới, nếu không có nguồn nước thì không thể bảo đảm năng suất. Tôi cũng mong nhà nước đầu tư hệ thống điện vào vùng nguyên liệu để người dân tự đóng giếng, phục vụ việc bơm tưới" - bà Loan đề nghị.
Theo ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Phú Yên, để ngành mía đường phát triển bền vững thì việc hợp tác, liên kết sản xuất, gắn với tiêu thụ là một vấn đề thiết yếu để phát triển sản xuất hàng hóa và đôi bên cùng có lợi. Khi đó, người nông dân mới yên tâm sản xuất và doanh nghiệp (DN) mới có vùng nguyên liệu ổn định. Trên thực tế, việc chuyển đổi bộ giống mía phù hợp với thổ nhưỡng, cho chữ đường cao hay việc áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất mía nhằm nâng cao năng suất, hạ giá thành sản phẩm nếu chỉ một mình nhà nông không thể làm nổi. "Các DN phải có hợp đồng ký kết, đầu tư bao tiêu sản phẩm cho nông dân trồng mía trên địa bàn thì họ mới yên tâm sản xuất" - ông Tùng nói và nêu thực trạng nhiều DN mía đường thường chỉ nhắm vào một sản phẩm sau mía là đường để đầu tư. Trong khi để hạ giá thành, các DN mía đường cần đa dạng hóa sản phẩm sau mía. "Ngoài đường, các DN nên tập trung để cho ra các sản phẩm điện sinh khối từ bã mía; nhiên liệu sinh học; ethanol, cồn từ mật rỉ và mía; phân bón hữu cơ, vi sinh từ bã bùn" - ông Tùng nói thêm. Theo ông Tùng, làm sao để giá thành đường dưới 10.000 đồng/kg mới đủ sức cạnh tranh.
Tuy nhiên, theo ông Subbaiah, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam, để đa dạng hóa sản phẩm, DN được phát triển, người trồng mía "sống khỏe" thì nhà nước cần có những cơ chế, chính sách hợp lý nhằm khuyến khích cho ngành mía đường. Hiện công ty này đang sản xuất điện sinh khối từ bã mía nhưng giá mua điện sinh khối hiện nay chỉ 1.634 đồng/KWh, tương đương 7,03 UScents/KWh là quá thấp so với các nước trong khu vực.
Phú Yên là địa phương có diện tích mía lớn nhất khu vực Nam Trung Bộ tuy nhiên vẫn chịu nhiều khó khăn. Ảnh: KỲ NAM
Nâng cao năng lực cạnh tranh
Ông Nguyễn Văn Lộc, quyền Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam, cho rằng để nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành mía đường Việt Nam hiện nay, cần thiết phải phát triển sản xuất theo nguyên tắc nông nghiệp số chính xác.
Theo ông Lộc, ngành đường Việt Nam hiện nay mới ở trình độ sản xuất trung bình, cần sớm chuyển sang mức trung bình khá, tiệm cận trình độ khá của thế giới chuẩn bị cho giai đoạn không có hàng rào phòng vệ. Thực tế, ngành nông nghiệp mía đường Việt Nam chỉ ở quy mô nông hộ nhỏ bình quân 0,8 ha/hộ và đa số đất canh tác là đồi dốc sỏi đá và nguồn lực đầu tư có hạn. Mô hình cánh đồng lớn cơ giới hóa hầu như không khả thi với các đồi mía như hiện nay nên không thể nào là lời giải cho thách thức của ngành nông nghiệp mía đường Việt Nam. "Trong bối cảnh đó, muốn nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành mía đường, cần tìm ra các giải pháp giúp tăng năng suất và giảm chi phí cho người nông dân dựa trên xu hướng phát triển hiện nay của ngành đường thế giới là dựa vào tiến bộ công nghệ của nông nghiệp số chính xác (precision and digital agriculture)" - ông Lộc nói.
Theo đó, các địa phương trồng mía cần có cơ chế hỗ trợ để ngành mía đường xây dựng hệ thống thông tin khí hậu chuyên ngành mía đường trên cơ sở mạng lưới quan trắc khí hậu tự động tại các vùng chuyên canh mía kết hợp hệ thống dữ liệu lớn nhằm thu thập và cung cấp dự báo thông tin cho các vùng chuyên canh mía. Phát triển các ứng dụng điện thoại số nhằm cung cấp thông tin chuyên ngành về canh tác thu hoạch mía đến từng người nông dân. Nghiên cứu áp dụng công nghệ bay không người lái kết hợp cảm biến và công nghệ số nhằm hỗ trợ quản lý hiệu quả cánh đồng mía và thực hiện một số công việc canh tác mía nhằm giảm chi phí và tăng năng suất cho nông dân trồng mía.
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản thuộc Bộ NN-PTNT cho hay Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị về việc triển khai các giải pháp phát triển ngành mía đường Việt Nam trong tình hình mới. Chỉ thị đặt ra những nhiệm vụ, giải pháp cấp bách và toàn diện để tháo gỡ khó khăn cho ngành mía đường, tiến tới ổn định và đáp ứng các mục tiêu lâu dài trong phát triển. Trong thời điểm hiện tại, bằng các biện pháp phòng vệ thương mại cùng những giải pháp đồng bộ của các bộ ngành và nỗ lực của các nhà máy thông qua tăng giá thu mua mía, dự kiến niên vụ tới, diện tích và sản lượng mía sẽ dần phục hồi.
Ngoài ra, trong thời gian tới, Bộ NN-PTNT sẽ bố trí ưu tiên hơn nữa nguồn lực để nghiên cứu, phổ biến giống mía mới bảo đảm năng suất cao, chữ đường tốt và thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng và triển khai kế hoạch cụ thể để phát triển mạnh các hợp tác xã nông nghiệp sản xuất mía liên kết với nhà máy đường; chú trọng xây dựng hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng ở các vùng nguyên liệu mía; đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa trong một số khâu trọng yếu như làm đất, trồng, tưới, thu hoạch, vận chuyển mía…
Hội thảo "Để mía không đắng"
Nhằm tháo gỡ khó khăn, nâng cao sức cạnh tranh, góp phần phát triển bền vững ngành mía đường Việt Nam, sáng nay (10-11), Báo Người Lao Động phối hợp với UBND tỉnh Phú Yên - là một trong số ít tỉnh có diện tích mía lớn trong cả nước, sẽ tổ chức hội thảo với chủ đề "Để mía không đắng". Hội thảo, tổ chức trực tiếp ở Phú Yên và kết nối trực tuyến với các điểm cầu, có sự tham dự của đại diện lãnh đạo Bộ NN-PTNT, Bộ Công Thương, Viện Nghiên cứu Mía đường, Hiệp hội Mía đường Việt Nam, cùng lãnh đạo các sở NN-PTNT Phú Yên, Khánh Hòa, Long An, Hậu Giang và các nông dân tiêu biểu trong nghề trồng mía ở Phú Yên.
Casuco hoạt động trở lại vào cuối tháng 11
Ngày 9-11, Công ty CP Mía đường Cần Thơ (Casuco) cho biết Nhà máy Đường Phụng Hiệp (thuộc Casuco) sẽ hoạt động trở lại vào cuối tháng 11 sau thời gian tạm ngừng để sửa chữa trang thiết bị tại nhà máy.
Hiện tại, công ty đang tiếp tục nỗ lực thực hiện những công việc nước rút còn lại để sớm đi vào hoạt động. Đồng thời, công ty cũng chuẩn bị công bố mức giá thu mua mía sắp tới cho nông dân. Khi vào vụ sản xuất, dự kiến mỗi ngày nhà máy đường sẽ tiêu thụ khoảng 2.500 tấn mía.
Niên vụ mía 2020-2021, nông dân trồng mía ở Hậu Giang xuống giống hơn 5.000 ha, đến nay đã thu hoạch được khoảng 1.500 ha, năng suất bình quân đạt 100 tấn/ha. Do nhà máy ngưng hoạt động nên mía sau khi thu hoạch chỉ bán lẻ để ép nước giải khát.
Q.Trường
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 9-11