Còn nhớ, tại phiên chất vấn ở Quốc hội cuối năm 2020, một nữ đại biểu đã hỏi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Thủ tướng có ủng hộ văn hóa từ chức không?".
Ông đáp rằng đã có quy định về vấn đề này, và "để có văn hóa từ chức trong cán bộ, công chức, cần phát huy vai trò, trách nhiệm, tinh thần nêu gương, gương mẫu trước nhân dân, trước Đảng và Nhà nước, dưới sự giám sát của nhân dân".
Trên thế giới, bất cứ đảng cầm quyền nào cũng áp dụng các biện pháp, phương pháp để quản lý đội ngũ cán bộ, đặc biệt là những cán bộ cấp cao, khi họ nắm giữ các vị trí quan trọng trong bộ máy công quyền.
Uy tín cán bộ gắn liền với uy tín của đảng, thể hiện niềm tin của dân vào chủ trương, đường lối chính sách, mức độ minh bạch và sự trong sạch của hệ thống chính trị.
Do đó, từ chức vừa là hành vi văn hóa vừa là sức ép chính trị từ người dân và từ đảng cầm quyền đối với những vị lãnh đạo khi họ không còn xứng đáng giữ chức vụ.
Quy định 41 của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức vừa được ban hành đã quy định rất rõ các căn cứ xử lý tương ứng với hai hình thức này.
Đối với từ chức, mặc dù vẫn thuộc hành vi tự nguyện, nhưng quy định 41 nêu rõ 4 căn cứ: do hạn chế về năng lực hoặc không còn đủ uy tín để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao; để cơ quan, đơn vị mình quản lý, phụ trách xảy ra sai phạm nghiêm trọng; có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định; hoặc vì lý do chính đáng khác của cá nhân.
Nội dung các căn cứ cho việc từ chức nêu trên chính là tấm gương để những người có chức vụ soi vào, khi nào thấy mình phạm phải 1 trong 4 căn cứ ấy thì nên chủ động từ chức.
Đó cũng chính là những căn cứ để người dân, báo chí có thể công khai nêu tên những người đã bị một trong các vết ấy rồi mà vẫn quên thực hiện nghĩa vụ từ chức.
Đáng nói, so với quy định số 260 ban hành năm 2009, quy định 41 đã không còn hình thức cho "thôi giữ chức vụ".
Đây chính là một trong những đề tài được bàn luận rất nhiều trong thời gian qua, bởi có tình trạng một số cán bộ vi phạm đến mức bị kỷ luật nặng nhưng lại được cho thôi nhiệm vụ vì "lý do sức khỏe" hoặc "lý do gia đình".
Đơn cử, tại Quốc hội khóa trước, bà Phan Thị Mỹ Thanh được cho thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội sau khi bị cách hết các chức vụ trong đảng.
Nay, quy định 41 của Bộ Chính trị đã rất rõ ràng, trong đó nhiều căn cứ hoàn toàn có thể định lượng. Do đó, các quy định trong hệ thống pháp luật cần được sửa đổi, bổ sung cho tương thích.
Đặc biệt, để quy định 41 phát huy hiệu quả, cần nâng cao vai trò và trách nhiệm giám sát của các tổ chức, đoàn thể xã hội, nhân dân, báo chí, đồng thời với quy định cụ thể hơn nữa về trách nhiệm giải trình của đội ngũ cán bộ các cấp.
TTO - Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng vừa ký Quy định 41-QĐ/TW về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ.
Xem thêm: mth.97964257001111202-ob-nac-ohc-ios-gnoug-14-hnid-yuq/nv.ertiout