Hoạt động kinh tế, kinh doanh... là sự từ bỏ tình trạng cô lập bộ lạc, ra khỏi tự cấp, tự túc để tụ hội, phân công, cùng lao động, gặp gỡ, trao đổi, mua bán, tạo ra thị trường, sức tiêu thụ, thúc đẩy sáng tạo... Nghĩa là người ta phải gặp nhau, phải nhìn thấy nhau, giao lưu, tương tác... thì mới có kinh tế. Hiện tình của chúng ta lúc này thì ngược lại: chúng ta tránh nhau, đứng né nhau... hai mét, không tụ tập đông đúc và chỉ toàn nhìn thấy... khẩu trang của nhau. Chúng ta đang ở trong một nền kinh tế “không chân dung”.
Tuần rồi, khi công việc buộc phải ra khỏi nhà đi gặp gỡ đối tác mới, tôi đã lúng túng quá bởi thay vì “tay bắt mặt mừng” thì giờ “tay không dám bắt”, còn mặt thì... “khỏi có nhìn thấy nhau”; thay cho câu chào hỏi thông thường, tôi đã gượng gạo, nhã nhặn, nói khẽ: “Bạn vui lòng bỏ khẩu trang một giây để chúng ta biết mặt nhau”...
Vào cửa nhà máy, khi ông bảo vệ xáp lại đưa điện thoại để xác nhận mã QR, một phản xạ tự vệ từ đâu ra khiến tôi buột miệng: “Anh đứng xa ra một chút để tôi đưa máy tới...”. Ông bảo vệ thì buồn, mình thì ngượng. Rồi đồng nghiệp nóng lòng muốn gặp bàn bạc dự án dở dang nhưng cũng đành phải khất để tránh gặp: “Ông để cho vài tuần nữa xem sao đã, ông và tôi đều ở tuổi mồi ngon cho COVID”...
Chúng ta càng ngày càng giống những ẩn sĩ trên núi, sống ngược lại với cách vận hành của nền kinh tế mà nhân loại mày mò mấy ngàn năm mới tạo dựng được. Chúng ta đang vô tình “hoang dã hóa” nền kinh tế.
Khẩu trang là vật cứu tinh cho con người trong đại dịch này, nhưng rồi chính nó lại trở thành biểu tượng của một cuộc chiến. Có thể nói, trừ những ca tử vong thì nạn nhân chính trị đầu tiên và lớn nhất của đại dịch COVID-19 này là ông Donald Trump. Nếu không có COVID-19 và cách xử lý với dịch của ông trong năm 2020 thì khó ai có thể biến ông ta thành “tổng thống một nhiệm kỳ”. Khó mà không nhớ về cuộc “tuyên chiến” của ông với cái khẩu trang, nhất quyết không đeo, thậm chí chế nhạo và dị ứng với nó đến mức gần như đánh cuộc sự nghiệp chính trị của mình với cái... khẩu trang - một biểu tượng của đại dịch.
Không riêng ông ta, ở Mỹ và trên thế giới cũng có một loạt các nhà chính trị chống việc buộc đeo khẩu trang quyết liệt... Chắc chắn điều đó về mặt y tế là sai. Nhưng chính thái độ của họ cho ta thấy sự quan trọng của “chân dung” một con người trong nền kinh tế, văn hóa và xã hội hiện đại. Một con người không phải là một bóng ma. Và một đám đông những con người hình thành nên cộng đồng xã hội nếu chỉ là những cái bóng khẩu trang chập chờn chuyển động thì trông cũng... bất thường.
Trong các chương trình ca nhạc lớn của truyền hình Pháp TV5, chắc người ta cũng cảm giác như vậy, nên đám đông tham dự đeo khẩu trang có in hình khuôn miệng cười để trông còn ra vẻ khuôn mặt người. Kỹ thuật này giúp người xem thấy một đám đông có “chân dung cười”, nhưng rồi nó cũng trở thành một loại ma quái khác... Đám đông bỗng trở nên giống gương mặt cười vô hồn của “thằng hề ma” thường thấy gặp trong ngày Halloween...
Xã hội chúng ta chỉ mới qua hơn năm tuần thay đổi chiến lược để sống chung với đại dịch và trở về bình thường mới, nên 5K và chiếc khẩu trang là một vũ khí khó thay thế. Tuy nhiên về lâu dài, sau khi đã được “vũ trang” thêm các “khí tài” mới để chống dịch: vắc xin, thuốc điều trị, tiêm tăng cường, đẩy mạnh các loại xét nghiệm mới ít xâm lấn, cơ sở y tế mạnh mẽ... thì cuộc chiến để khôi phục kinh tế chính là nỗ lực trả lại chân dung cho con người, tạo ra một xã hội có mặt người, sống động, phong phú, đa dạng...
Biểu tượng hồi phục kinh tế xã hội trên toàn thế giới lúc này chính là hình ảnh các đám đông hội hè và không còn chiếc khẩu trang nào cả. Đó chính là chân dung thật của nhân loại. Cho nên kinh tế chỉ thật sự hồi phục khi chúng ta tìm ra con đường giảm dần, tiến đến loại bỏ cái khẩu trang, để kinh tế kinh doanh trở lại đúng nghĩa là nơi tụ hội, gặp gỡ, chia sẻ, phân công, lao động, trao đổi... Khẩu trang toàn xã hội lâu dài sẽ làm biến dạng kinh tế, xã hội, văn hóa...
Sống trong những thành phố... ma là cảm giác chúng ta trải qua trong hơn ba tháng trời phong tỏa toàn xã hội. Đó cũng là hình ảnh bắt gặp trên toàn thế giới trong suốt hai năm qua: các sân bay... ma, các khu du lịch... ma, các khách sạn... tắt đèn, các trung tâm thương mại... khóa trái cửa, nhà máy im lìm, các trang trại để nông sản thối rục trên cây, các trường học không học trò, các thánh đường và chùa chiền không nghi lễ...
Cả loài người dường như biến mất. Chúng ta nấp kín trong nhà, sau tấm che giọt bắn, sau cái khẩu trang... Toàn bộ giềng mối của xã hội những lúc ấy chỉ được duy trì trên nền tảng thương mại trực tuyến, hội họp qua Zoom, học hành qua tivi và máy tính, đại nhạc hội online, YouTube, thánh lễ trên máy tính... Chúng ta đang dựa vào nền kinh tế... ảo, một xã hội... ảo, một văn hóa... ảo.
Đó cũng chính là điều mà con virus này muốn, vì cái chiêu thức đáng sợ nhất của nó là... “ảo hóa” mọi sự: nó chỉ gây đau họng chút xíu thôi mà, rồi tự lành mà, chỉ cần ở trong nhà 15 ngày là xong. 80% sẽ khỏi... Nó chỉ là căn bệnh cúm thông thường... nhưng đùng một cái có thể gây tử vong cho hai vạn người trong hơn một tháng. Trong chiến tranh ít có trận chiến nào mà tử vong đến hai sư đoàn như vậy... Nó có đó mất đó, rồi xuất hiện đột ngột giết chết nạn nhân. Đến nỗi khắp thế giới không ít những người cứng đầu nhất, giờ chót nằm trên giường ICU với dây dợ loằng ngoằng cũng ráng thì thào nhắc nhở: con virus này là có thật, hãy cảnh giác...
Do sợ chiêu biến hóa của nó, chúng ta hình thành quán tính ẩn nấp, và quán tính này đang ám vào tất cả chúng ta. Không chỉ người già như tôi ngại ra đường mà con cháu mình giờ cũng ngại đi làm, nhiều cháu đang xin tiếp tục “làm việc tại nhà”. Ở Mỹ, các nhà kinh tế học ngạc nhiên quá, không biết lao động đi đâu mất trong lúc nền kinh tế đang cần 11 triệu chỗ làm mà không thấy ai xuất hiện đăng ký. Lúc đầu họ nghĩ là các gói trợ cấp giai đoạn phong tỏa khiến người ta có tiền nên không đi làm, nhưng sau họ phát hiện ra ở các bang đã cắt khoản trợ cấp ấy từ lâu cũng không có nhiều người chịu đi làm lại, họ nhận ra tâm lý ẩn nấp đã thâm sâu vào dân chúng (Lo ngại an toàn, lo ở nhà chăm sóc con chưa đi học lại, thay đổi mục tiêu sống sau sang chấn đại dịch..., người ta dần hài lòng với sự ẩn nấp trong thiếu thốn ấy).
Ở ta, thông tin báo chí cũng chỉ ra việc thiếu lao động nặng nề sau đại dịch, nhưng riêng cá nhân mỗi người, ta cũng dễ nghiệm ra: đến lúc này là sáu tuần sau ngày mở cửa 1-10, mỗi chúng ta đã đi ra phố bao nhiêu lần, đã hoãn bao nhiêu cuộc hẹn làm việc, đã trở lại thói quen buổi sáng: balô lên vai, nổ máy xe hào hứng lao ra đường phố chưa... Chắc chắn là chưa, chắc chắn là rất ít... Chúng ta đang tiếp tục ẩn nấp. Đó là chỉ số đáng báo động của bất cứ hoạt động kinh tế nào.
Do đó, để hồi phục kinh tế, các nhà quản lý xã hội và tất cả chúng ta cần cùng nhau tìm cách chống lại đòn “ảo hóa” quỷ quyệt mà con virus này đã... “chích” vào mình. Cần bình tĩnh, không hoảng hốt, cùng sắp xếp với nhau về cách chống dịch và tổ chức lại đời sống. Trong một cuộc họp, một phó thủ tướng phụ trách chống dịch đã thêm vào hướng dẫn phòng dịch của Bộ Y tế yêu cầu: phải dựa trên sự đồng thuận của mọi người. Hướng dẫn tạm thời về quản lý F0 mà ngành y tế thành phố vừa đưa ra cũng thế: “Trên cơ sở tự nguyện, người dương tính được chọn ở nhà hay khu cách ly nào mình phù hợp, chỉ phong tỏa tạm căn hộ có người dương tính, và nếu trong hộ sau đó có người dương tính tiếp thì cũng không cộng thêm 15 ngày phong tỏa nữa...”.
Rõ ràng để chống lại cái chất độc “mềm, ảo” của virus, ta không thể dùng biện pháp “cứng” được; chúng ta cũng phải mềm mại, nhân văn, uyển chuyển và tìm sự đồng thuận của toàn xã hội. Đó chính là chiêu thức đúng để “phản phé” con virus ấy.
Ghi nhận sau hơn một tháng mở cửa, các ca dương tính vẫn tăng nhưng ca nhập viện và tử vong giảm liên tục... Vẫn còn đó sự căng thẳng nhưng cũng đã có thêm rất nhiều bình tâm lại. Cả xã hội dường như đang và biết cách nhìn thẳng vào nỗi sợ, và khi diện đối diện, nỗi sợ sẽ dần mất đi sự quỷ quyệt của nó.
Chúng ta dần biết mình đã có lớp khiên chủng ngừa, mình sẽ tự xét nghiệm thường xuyên để chăm sóc sức khỏe và không lây cho người khác, nếu xuất hiện “hai vạch” thì mình cách ly 15 ngày tại nhà, không có việc bị trùm quần áo bảo hộ dẫn đi cách ly, không gây cho cả xóm hay cả khu căn hộ bị giăng dây, nếu xuất hiện triệu chứng thì có thuốc điều trị ngay, nếu trở nặng thì bệnh viện còn rộng rãi để vào... Và quan trọng nhất là không có sự kỳ thị nào nữa cả, không phải khai hết mọi quan hệ để truy vết và làm cho bạn bè, đồng nghiệp bị cách ly hết... Ở Singapore, người ta chỉ thông báo về ca F0 để tất cả những ai tự thấy mình là F1 thì cẩn thận, tự cách ly 3 ngày, nếu không có triệu chứng gì thì trở lại cuộc sống bình thường...
Cần nhớ rằng cái chất độc mà con virus này gây ra không chỉ là chết người mà là tìm cách đẩy xa mọi người khỏi nhau, nghi kỵ, sợ hãi nhau và làm tan vỡ các gắn kết xã hội nữa. Giống như câu nói trong một cuốn sách cổ xưa: sự thật mang lại tự do, chúng ta phải nhìn thẳng vào nỗi sợ, nói thật với nhau mọi chuyện thì sẽ tìm lại được an bình trong tự do. Chỉ khi đó xã hội mới an lòng, yên vui để bỏ đi chữ “mới” trong cụm từ “bình thường”. Bình thường là bình thường, không cần thêm một... tính từ nào. Đó mới là nền kinh tế, kinh doanh, hoạt động xã hội... mà nhân loại đã tạo dựng suốt nhiều ngàn năm qua.
Xem thêm: mth.43193321101111202-mart-nahp-ueihn-oab-al-iahp-gnohk-ed-nav-mchpt-ohc-hcas-nagn/nv.ertiout