Trong kỳ điều chỉnh giá xăng dầu thời gian qua, giá xăng tăng mạnh - chỉ còn cách mức "đỉnh" lịch sử thiết lập hồi tháng 7.2013 khoảng 80 đồng. Giá xăng dầu tăng "chóng mặt" khiến người dân lo lắng bởi giá hàng hóa cũng tăng "té nước theo mưa".
Theo điều chỉnh giá bán lẻ trong nước của liên Bộ Công Thương - Tài chính ngày 10.11, giá xăng E5 RON 92 là 23.660 đồng một lít (tăng 550 đồng); RON 95 là 24.990 đồng một lít (tăng 660 đồng).
Như vậy, giá xăng RON 95 đã tiến sát ngưỡng 25.000 đồng một lít, chỉ còn cách mức "đỉnh" lịch sử thiết lập hồi tháng 7.2013 (25.070 đồng một lít) khoảng 80 đồng. Với đợt tăng lần này, giá xăng trong nước đã có đợt tăng thứ 5 liên tiếp từ đầu tháng 9 đến nay.
Giá xăng tiếp tục tăng, doanh nghiệp lao đao
Nhìn bát phở gà vẫn nghi ngút khói nhưng sắc nước chẳng còn thu hút, anh Nguyễn Huy Mạnh (nhân viên văn phòng quận Cầu Giấy, Hà Nội) chép miệng: "Tranh thủ đi làm sớm thưởng thức bát phở mà thất vọng quá, chỉ nhìn thôi đã thấy không còn ngon mắt như trước nữa. Lèo tèo vài cọng hành, mùi, rau ăn kèm cũng như khẩu phần cho mèo vậy".
Lý giải cho cảm xúc "tụt mood" của Mạnh, chủ quán phở phân trần "giá rau xanh, rau thơm, hành mùi tăng "phi mã", gấp 3 - 4 lần, nhà hàng phải "chắt bóp" để đảm bảo đủ dinh dưỡng cho mỗi bát phở nên đành cắt giảm hành mùi".
Trao đổi với Lao Động, chị Nguyễn Thị Vân - chủ quán phở gà trên phố Đồng Bông (Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay, hiện giờ giá các mặt hàng thiết yếu tăng vùn vụt, ảnh hưởng đến công việc kinh doanh của họ.
Giá cả nhiều mặt hàng từ cọng hành, cân thịt tăng mạnh sau mỗi lần giá xăng trong nước tăng, lần gần nhất lên mức cao nhất trong vòng 7 năm qua; dự báo giá xăng dầu trong nước nhiều khả năng tiếp tục tăng trong phiên điều chỉnh ngày mai.
Trước đó, từ ngày 1.11, giá gas tăng lần thứ 9 trong năm nay, kéo theo giá gas bán lẻ đến tay người tiêu dùng của nhiều hãng lên khoảng 500.000 đồng/bình loại 12kg.
Chi phí sản xuất, chi phí vận tải tăng vì giá xăng tăng cao khiến cho những thực phẩm nhỏ nhất như mớ rau, cân thịt đang ở mức giá rất cao, có loại tăng gấp đôi, gấp ba, thậm chí gấp 4 lần so với trước đó.
Với việc giá xăng dầu thế giới vẫn tiếp tục đi lên, doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu dự báo, giá xăng trong nước có thể sẽ lại tăng nhưng không mạnh như kỳ điều hành trước.
Theo lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối ở Hà Nội, nếu nhà quản lý không trích Quỹ bình ổn xăng dầu, kỳ điều hành chiều nay (10.11), giá xăng có thể tăng 400-600 đồng một lít. Nếu đúng như dự báo, đây sẽ là lần điều chỉnh tăng thứ 5 liên tiếp trong vòng 2 tháng qua.
"Trước dịch, rau cải chỉ khoảng 15.000 đồng/kg, nay tăng lên 50.000 đồng; hành lá tăng từ 15.000 đồng lên 70.000 đồng; dưa muối tăng từ 40.000 đồng/10kg nay tăng lên 230.000 đồng/10kg (tăng hơn 5 lần); giá gas công nghiệp tăng từ 1 triệu đồng lên 1,4 triệu đồng. Chưa kể phải trả tiền lương cho nhân viên, tiền thuê mặt bằng… Một bán bún, phở mà gánh ngần ấy chi phí thì làm sao chúng tôi có lãi", chị Vân cho biết.
Theo chị Vân, mặc dù giá cả leo thang nhưng chị không dám tăng giá bán, bởi nếu tăng giá bán sẽ mất khách ngay. "Vừa mới được mở cửa sau thời gian dài giãn cách nên chúng tôi không dám tăng giá bán và chấp nhận bù lỗ, bán cầm cự cho qua thời gian này. Hi vọng những ngày tới, giá cả các mặt hàng sẽ "dễ thở" hơn”, chị Vân bộc bạch.
Doanh nghiệp vận tải "sốc" vì giá xăng phi mã
Mỗi ngày chạy xe khoảng 50km, trong đó có 30km là có khách với doanh thu 300.000 đồng/ngày, song tiền xăng lên tới gần 150.000 đồng, anh Trần Văn Tuấn - tài xế của hãng taxi Mai Linh than thở "chạy xe gần như không có lãi". Thậm chí là lỗ nếu giá xăng tiếp tục tăng vào các kỳ điều chỉnh tới, cộng thêm các chi phí gọi đàm, phí cầu đường, khấu hao xe...
Nói với Lao Động, ông Bùi Văn Hùng - Nhà xe Bằng Phấn (chạy tuyến Hà Nội – Hà Giang) cho biết, nếu hôm nay, xăng dầu tiếp tục tăng giá, thì đây là lần thứ 5 liên tiếp giá xăng dầu phi mã. "Công ty chúng tôi phải tính toán lại giá cước vận chuyển cho những chuyến xe sắp tới", ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, từ tháng 1 cho đến nay, xăng dầu tăng liên tiếp từ mốc 17.000 đồng lên đến 24.000 đồng/lít, giá dầu từ 12.600 đồng lên 18.700 đồng/lít. "Khủng khiếp" là cảm thán của ông Hùng khi phải đối mặt với việc giá xăng tăng mạnh trong thời gian vừa qua.
"Xe của tôi chạy dầu, mỗi một lượt chạy cả chiều đi và chiều về mất 200 lít, tương đương 3,7 triệu đồng. Nhưng mỗi lần chạy, chỉ lác đác vài khách, nhiều nhất là 15 khách một ngày.
Trong khi, nhà xe vẫn phải chi trả tiền lương cho 2 lái xe và 2 phụ xe; cùng với việc phải bỏ tiền duy trì phí test PCR COVID-19 mẫu gộp 750.0000 đồng cho 4 người (có giá trị trong vòng 72h)", ông Hùng chia sẻ.
Theo ông Hùng, doanh nghiệp vận tải sẽ tính toán điều chỉnh giá cước theo hướng tăng khoảng 10-20% để cân đối doanh thu. Tuy vậy, doanh nghiệp đang ở thế khó với các hợp đồng đã ký; không dễ gì khách hàng chấp nhận việc thay đổi giá cước vận chuyển, chưa kể sẽ mất nhiều đơn hàng lẻ.
Xem thêm: odl.005279-ihp-ihc-ud-hnag-gnul-gnoc-ohp-tab-tom-tilgnod-00052-tas-neit-gnax-aig/et-hnik/nv.gnodoal