Tối ngày 9/11, nguồn tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam Nguyễn Thị Loan, chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Y dược Vimedimex, để điều tra về hành vi "Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản", xảy ra trên địa bàn huyện Đông Anh, Hà Nội.
Cơ quan điều tra cũng khởi tố bị can, bắt tạm giam 7 người khác gồm: Vương Thị Thu Thủy, cán bộ Ban quản lý dự án huyện Đông Anh; Nguyễn Thị Diệu Linh, tổng giám đốc Công ty cổ phần thẩm định giá và đầu tư Hà Nội; Nguyễn Đức Phương và Nguyễn Ngọc Thắng, cùng là thẩm định viên của Công ty thẩm định giá và đầu tư Hà Nội, cùng 3 bị can khác thuộc các công ty kinh doanh bất động sản.
Hồi tháng 8, cổ phiếu của CTCP dược phẩm Vimedimex (VMD) gây sốt trên thị trường chứng khoán khi tăng giá một mạch từ 25.000 lên 82.000 đồng. Công ty này hiện là nhà nhập khẩu và phân phối dược phẩm lâu đời và nằm trong nhóm lớn nhất. Năm 2020 đạt quy mô doanh thu 18.162 tỷ đồng, gấp 2,5 lần so với năm 2011.
Vì sao công ty đạt được mức doanh thu tốt như vậy trong thời gian qua? Theo báo cáo phân tích hồi cuối tháng 10 về ngành của công ty chứng khoán Bản Việt, thị trường dược phẩm Việt Nam có tiềm năng phát triển
Dư địa tăng trưởng dồi dào trong bối cảnh chi tiêu cho thuốc bình quân đầu người thấp
Theo IQVIA, Việt Nam là một trong những thị trường “dược phẩm mới nổi” - một nhóm các quốc gia có tỷ lệ thâm nhập dược phẩm tương đối thấp và tiềm năng tăng trưởng cao. IQVIA dự báo ngành dược phẩm Việt Nam sẽ đạt CAGR doanh thu khoảng 8% trong giai đoạn 2019-2023. Chi tiêu cho dược phẩm trên đầu người của Việt Nam có mức dư địa tăng trưởng cao khi chỉ đạt 41 USD trong năm 2018 so với 95 USD của Trung Quốc và mức trung bình toàn cầu là 159 USD, theo IQVIA.
Chi tiêu cho dược phẩm bình quân đầu người của Việt Nam được thúc đẩy bởi dân số già hóa và thu nhập tăng
Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, số người từ 65 tuổi trở lên của Việt Nam sẽ tăng hơn gấp đôi lên 18,4 triệu người – chiếm 18% tổng dân số - vào năm 2040 từ mức 7,9 triệu người vào năm 2020, điều này củng cố tốt cho chi tiêu chăm sóc sức khỏe. Dữ liệu từ nhà cung cấp dữ liệu Statista của Đức chỉ ra rằng Việt Nam sẽ ghi nhận tốc độ già hóa từ năm 2020-2035 tương đương với Trung Quốc trong giai đoạn 2005-2020.
Thực tế là chi tiêu cho thuốc trên đầu người của Trung Quốc trong năm 2010 ngang bằng với Việt Nam vào năm 2018 (41 USD) và đạt tốc độ CAGR 11% trong giai đoạn 2010-2018 (dựa trên dữ liệu của IQVIA) củng cố niềm tin của chúng tôi vào tăng trưởng chi tiêu cho dược phẩm của Việt Nam trong tương lai.
Ngoài ra, triển vọng tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam báo hiệu tốt cho chi tiêu cho dược phẩm khi người tiêu dùng có ý thức hơn về sức khỏe.
Thị trường phân mảnh và phụ thuộc lớn vào thuốc nhập khẩu - đặc biệt là tại kênh bệnh viện
Dược phẩm là ngành có tính phân mảng cao. Theo báo cáo quý 1/2021 của IQVIA, 5 công ty dược phẩm hàng đầu tại Việt Nam chỉ chiếm 16,5% thị phần trong 12 tháng kết thúc vào quý 1/2021, trong đó công ty dẫn đầu thị trường chỉ chiếm 4,8% thị phần.
Thuốc nhập khẩu chiếm gần 2/3 doanh số toàn ngành. Theo IQVIA, thị trường dược phẩm Việt Nam ghi nhận tổng doanh thu đạt 104 tỷ đồng (tăng 2% so với cùng kỳ) vào năm 2020, trong đó 65% là thuốc nhập khẩu.
Công ty chứng khoán Bản Việt cũng cho rằng sự phổ biến của thuốc nhập khẩu là do 4 yếu tố chính. Đầu tiên là sự tin tưởng của người Việt Nam đối với thuốc ngoại nhập. Thứ 2, Việt Nam thiếu khả năng phát triển thuốc biệt dược gốc có giá trị cao. Thứ 3 công nghệ tiên tiến cho phép thuốc từ các nước phát triển chiếm lĩnh phân khúc cao cấp trong kênh bệnh viện. Cuối cùng là lợi thế về giá thấp của thuốc nhập khẩu từ các nước đang phát triển như Ấn Độ và Pakistan.
Những yếu tố trên là cơ sở lý giải cho sự tăng trưởng về doanh thu của những doanh nghiệp phân phối dược phẩm lớn như Vimedimex trong thời gian qua.
Thảo Nguyên
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị