Trong khuôn khổ Hội thảo “Phát triển đô thị thông minh trong quá trình đô thị hóa gắn với công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức ngày 10/11, Thứ trưởng Bộ Xây dựng - ông Lê Quang Hùng cho rằng: “Đô thị hóa (ĐTH) có một vai trò quan trọng trong sự tiến bộ của kinh tế và xã hội. ĐTH là một quá trình tất yếu để phát triển. Không có quốc gia nào đạt mức thu nhập trung bình mà không công nghiệp hóa và ĐTH. Không ai có thu nhập cao nếu không có các thành phố sôi động”.
Bất cập trong đô thị hóa
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng, ĐTH có thể có một số bất cập kèm theo nhưng vẫn là quá trình tất yếu và đem lại rất nhiều lợi ích.
Thứ nhất, đem lại chuyển dịch về cơ cấu kinh tế, chuyển dịch từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ. Thứ hai, gia tăng thu nhập. Thứ ba, tạo cuộc sống tốt hơn cho người dân như là tạo ra tiện ích, tạo ra các trung tâm văn hóa giáo dục và động lực phát triển kinh tế cho cả nước.
Ông Lê Quang Hùng cho hay, đối với đô thị Việt Nam, có khoảng 870 đô thị với 2 đô thị đặc biệt là Hà Nội và Tp.HCM, 22 đô thị loại I, 32 đô thị loại III và còn lại là đô thị loại IV. Lịch sử phát triển đô thị của chúng ta là trăm năm từ thời Pháp thiết lập những đô thị đầu tiên, đô thị hóa chỉ chiếm 40% chiếm 7,42% diện tích đất tự nhiên. Tuy nhiên khu vực đô thị đóng góp hơn 70% GDP, tốc độ tăng trưởng kinh tế bằng 1,2 đến 1,5 bình quân cả nước. Có thể thấy vai trò của đô thị trong đóng góp vào nền kinh tế là rất lớn.
Đô thị của Việt Nam so sánh với bình diện ASEAN và quốc tế có một số hạn chế. Trước hết, tỉ lệ 40% đô thị hóa là trung bình - trung bình thấp của ASEAN, ví dụ Nhật Bản, Hàn Quốc rơi vào tầm 60-70%.
Tốc độ phát triển đô thị của chúng ta quá nhanh trong cái khoảng 20-30 năm vừa rồi, cho nên hạ tầng đi theo chưa kịp.
Cụ thể, phát triển đô thị Việt Nam có những tồn tại và bất cập: Tỉ lệ ĐTH còn thấp, đứng thứ 7 ở ASEAN; mô hình tăng trưởng chưa bền vững, phụ thuộc vào khai thác tài nguyên; năng lực quản lý đô thị còn bất cập; đầu tư cho hạ tầng đô thị còn thiếu; cơ sở hạ tầng và kết nối còn yếu, gia tăng chi phí logistic; biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh ngày càng phức tạp, khó dự báo.
Tiêu chí đô thị thông minh
Chính vì vậy, tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng làm rõ các vấn đề về sự cần thiết và vai trò của phát triển đô thị thông minh, những kinh nghiệm và mô hình quốc tế thành công trong phát triển đô thị thông minh, những giải pháp cụ thể trong quy hoạch, quản lý, điều hành đô thị thông minh...
Theo Thứ trưởng, đô thị thông minh (ĐTTM) là sáng tạo và sử dụng các công nghệ thông tin liên lạc, và các phương tiện khác của công nghệ số để quy hoạch, quản lý, phát triển, vận hành đô thị để đạt được sự thịnh vượng chung.
Tại Việt Nam, ĐTTM là đô thị đạt chuẩn, áp dụng công nghệ số để giúp chúng ta làm tốt hơn, tối ưu hơn, chuẩn hóa hơn và nhanh hơn các quá trình phát triển đô thị.
Làm rõ hơn thế nào là đô thị đạt chuẩn, ông Lê Quang Hùng lấy ví dụ về hạ tầng giao thông, đất giao thông cần phải chiếm đất đô thị từ 16-18%, nhưng thực tế ở Việt Nam mới đạt 7-8%, rất thấp. Lượng người đi lại giao thông công cộng đạt 50-60%, Việt Nam đang dưới 10%. Như vậy, nếu áp dụng công nghệ số để tối ưu hóa luồng giao thông thì không giải quyết được vì từ những cái tối thiểu Việt Nam chưa đạt.
Ông Hùng cho hay, theo quan niệm thế giới, khi các đô thị phát triển ở mức độ cao sau đó có thể thêm phát triển thành đô thị thông minh thì rất nhanh. Còn đô thị của Việt Nam rất mấp mô, có nơi đạt chuẩn có nơi lại chưa đạt chuẩn. Như vậy, đưa ĐTTM vào đây là như nào, tiêu chí ra sao thì cần xem xét đến cả vấn đề cơ học và kỹ thuật số.
Làm rõ hơn về tiêu chí ĐTTM, Thứ trưởng cho biết: “Chúng ta phải lượng hóa được cái tiêu chí thế nào gọi là ĐTTM ở Việt Nam, thế nào là mức chuẩn phải đạt, liều lượng áp dụng kỹ thuật số, công nghệ số, các dữ liệu lớn, liên kết thông tin,... tạo ra trong quá trình quản lý, vận hành đô thị để nó đạt được phát triển chung".
"Tiêu chí rất quan trọng cần được cụ thể hóa. Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để đưa ra tiêu chí phù hợp tại Việt Nam. Chúng ta cũng không thể kỳ vọng áp dụng ĐTTM cho tất cả các đô thị, chúng ta phải có chiến lược áp dụng khu vực đô thị trước, sau đó áp dụng cho nhiều đô thị", Thứ trưởng nói.
Vấn đề tồn tại phát triển đô thị thông minh
Về hiện trạng hiện nay để phát triển ĐTTM, theo ông Hùng, hạ tầng kỹ thuật số phát triển nhanh, cơ bản ta đã phủ sóng 4G-5G, được xếp hạng là top 10 trong những điểm trong phần mềm, chỉ số an toàn thông tin, ứng dụng CNTT, ứng dụng kỹ thuật số của ta tương đối tốt. Chúng ta đã ý thức được việc này và làm tương đối tốt, có chủ trương xuyên suốt.
Ông Hùng nhận định: "Vấn đề tồn tại là nhận thức khái niệm cũng như nội hàm ĐTTM không phải ai cũng rõ, kể cả người lãnh đạo cũng như vận hành chuyên môn, doanh nghiệp cũng như người dân đôi khi cũng bị phân tán và lẫn lộn.
Vì có quá nhiều tiêu chí nên không biết lấy cái gì là chính cái gì là phụ cho nên nhận thức, lộ trình, cách thức, phương pháp áp dụng của chúng ta còn bị lúng túng. Chúng ta bắt đầu ở đâu và triển khai như nào còn gặp lúng túng”.
Thứ trưởng khẳng định, các bất cập đô thị vẫn còn rất nhiều, khi đô thị chưa đạt chuẩn thì để áp dụng công nghệ số cũng khó phát triển được. Để thay đổi phát triển đô thị cần đầu tư xây dựng với chi phí rất tốn kém, Ban kinh tế Trung Ương cũng chuẩn bị trình Bộ Chính trị nghị quyết dự định trong tháng 11 về đô thị cho đến 2030 tầm nhìn đến 2045. Đây là một chỉ đạo cấp cao nhất về vấn đề đô thị, trong đó có ĐTTM.
"Áp lực về đô thị hóa tại đô thị lớn rất lớn, trong khi ta chưa kịp quy hoạch, dự án vẫn tiếp tục xây dựng rất nhanh, liên tục mọc lên dự án mới trong khi ta chưa kịp định hình được vấn đề quy hoạch thì đó là áp lực đô thị luôn luôn phát triển, luôn luôn thúc ép chúng ta khi chúng ta chưa chuẩn bị được hài hòa. Đó là các vấn đề mang tính tồn đọng cần được chú ý", ông Hùng cho hay.
Bộ Xây dựng cũng xác định xây dựng tiêu chí, quy chuẩn, tiêu chuẩn ĐTTM. Thứ hai là xây dựng nền tảng pháp lý và các cơ sở pháp lý cho lộ trình phát triển. Thứ ba là số hóa tất cả dữ liệu về đô thị trong đó có tất cả như đất đai, dân cư, quy hoạch, tổ chức quy hoạch và phát triển quy hoạch, vận hành đô thị...
“Lộ trình thực hiện dự kiến đến 2025, chúng ta sẽ hoàn thiện hệ thống pháp lý, tiêu chuẩn, quy chuẩn và có những thí điểm xây dựng khu vực đô thị và ĐTTM. Đến 2023, dự kiến khoảng 30% số đô thị sẽ bước đầu áp dụng các tiêu chí cơ bản về ĐTTM, sau đó đến 2045 thì đa số các đô thị sẽ đạt được những kỳ vọng đó, ông Lê Quang Hùng cho biết.
Phong Linh - Hồng Nhung