Tại phiên chất vấn chiều 10-11, đại biểu (ĐB) Vương Thị Hương (Hà Giang) đã đề cập chuyện hơn 22.000 người nhận tiền hỗ trợ nhầm tại Bình Dương. “Một tỉnh phát nhầm, nhận nhầm 22.000 người hỗ trợ, bộ trưởng có nắm được không và xử lý thế nào?”- ĐB Hương đặt câu hỏi.
Trả lời câu hỏi trên, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã đính chính thông tin đại biểu nêu. “Sau khi có dư luận báo chí, tôi đã điện thoại cho Bí thư Bình Dương và cử một Thứ trưởng của Bộ cùng đại diện MTTQ Trung ương vào làm việc và xác định khoảng 1.990 trường hợp nhận tiền hỗ trợ sai” - ông nói.
Bộ trưởng Dung cho hay đây là chính sách hỗ trợ với người phải thuê trọ do Bình Dương thực hiện thêm với mức 800.000 đồng/người. Chính Bình Dương đã phát hiện số lượng đăng ký lớn, đáng nghi ngờ và rà soát ra số lượng 22.000 hồ sơ trùng lặp nhưng mới chỉ chi số tiền 1,6 tỉ đồng, đến nay đã hoàn trả đầy đủ.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung.
Cũng tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Dung đã trả lời chất vấn của ĐB Dương Minh Ánh (Hà Nội) về việc cử tri kiến nghị đơn giản hóa thủ tục để tiếp cận các gói hỗ trợ COVID-19. Ông cho hay qua đánh giá các chính sách hỗ trợ của nhà nước hầu hết đi vào cuộc sống, đã giải ngân khoảng 60.000 tỉ, hỗ trợ được 40 triệu lượt người và 0,5 triệu đơn vị sử dụng lao động. Việc hỗ trợ được thực hiện công khai, minh bạch và đúng đối tượng.
Tuy nhiên theo Bộ trưởng Dung, do giãn cách xã hội và số lượng người cần hỗ trợ quá lớn cùng thời điểm và có tính chất cấp bách nên khâu thực hiện còn có điều này điều kia. “Từ đó dẫn đến việc một số người dân chậm được nhận, một số chưa được nhận, thậm chí còn có phát nhầm, nhận nhầm”- ông Dung nói.
Liên quan đến tình trạng thiếu hụt lao động do COVID-19 tại các tỉnh phía Nam, Bộ trưởng LĐ-TB&XH cho hay cần phải chú trọng giữ chân người lao động, thu hút người lao động quay trở lại, giải quyết việc làm cho người lao động ở những nơi mà họ đã về và điều tiết bổ sung trong trường hợp đặc biệt, ở những địa bàn, đối tượng, lĩnh vực cấp thiết.
“Trong đó, quan trọng nhất là chúng ta phải lo thật tốt chính sách về đời sống, mức lương, thu nhập cho người lao động” - ông nhấn mạnh. Bên cạnh đó, phải thực hiện chính sách an sinh xã hội cho người lao động yên tâm, trong đó phải đảm bảo vấn đề nhà trọ, nhà ở, sinh hoạt, nơi chăm sóc con cái. Đồng thời, phải đảm bảo cho an toàn tính mạng, sức khỏe của người lao động mà cụ thể là tiêm vaccine.
Ông khẳng định Việt Nam là một trong những quốc gia được xếp hạng đứng đầu trong khối ASEAN về đầu tư ngân sách cho an sinh xã hội. “Chúng ta có những chính sách tương đối đồng bộ và hoàn thiện, kể cả cho người có công, người yếu thế, người già… Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục hoàn thiện đề án để đầu năm 2023, sẽ trình với Ban chấp hành Trung ương về củng cố, nâng cao chất lượng an sinh” - Bộ trưởng Dung nói.