“Nhưng tới thời điểm hiện tại, vẫn chưa xuất hiện bất cứ dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc sẽ sớm nới lỏng hoặc gỡ bỏ các biện pháp phòng dịch mạnh tay. Do đó, trong vài quý tới, tôi cho rằng các hoạt động kinh tế tại quốc gia này sẽ diễn ra tương đối chậm”, ông chia sẻ.
Nhiều quốc gia tại châu Á ban đầu cũng áp dụng các biện pháp mạnh tay nhằm đẩy Covid-19 ra khỏi lãnh thổ. Nhưng họ đã dần dần gỡ bỏ các biện pháp đó khi mà biến thể siêu lây nhiễm Delta lan rộng và các biện pháp phong tỏa không còn phát huy tác dụng.
Chiến lược zero Covid buộc các quốc gia phải áp dụng các biện pháp phong tỏa chặt chẽ ngay sau khi phát hiện chỉ một hoặc một vài ca nhiễm bệnh, xét nghiệm diện rộng, kiểm soát và đóng cửa biên giới, bên cạnh đó là công tác truy vết thần tốc và cách ly y tế bắt buộc.
Không giống như nhiều quốc gia láng giềng, Trung Quốc vẫn kiên trì theo đuổi chiến lược này. Trong đêm 30/10, những du khách tới tham quan khu vui chơi Disneyland tại Thượng Hải bắt buộc phải được xét nghiệm Covid-19 âm tính mới có thể ra ngoài. Quy định trên được ban hành sau khi chính quyền địa phương này xác định một trường hợp có tiếp xúc gần với ca nhiễm bệnh đã từng tham quan công viên này trước đó một tuần.
Nhân viên làm việc tại một nhà máy ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, ngày 31/10. Ảnh: Getty Images.
Giảm tốc trong bối cảnh khủng hoảng bất động sản và năng lượng
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã chậm lại một phần do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra trầm trọng, khiến cho các hoạt động sản xuất công nghiệp bị đình trệ.
Cũng trong giai đoạn này, ông lớn bất động sản Evergrande và gánh nặng nợ nần của tập đoàn này đã trở thành tâm điểm trong kế hoạch thắt chặt các khoản nợ vay trong lĩnh vực này. Nỗi lo đã lan rộng sang nhiều nhà phát triển bất động sản Trung Quốc khác, vốn đang cố trì hoãn các khoản thanh toán hoặc thậm chí là mất khả năng trả nợ. Lĩnh vực bất động sản và các ngành công nghiệp liên quan chiếm khoảng 25% tổng GDP của quốc gia đông dân nhất thế giới, theo ước tính của Moody’s.
Tăng trưởng GDP Trung Quốc qua các năm. |
Nền kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 4,9% trong quý III, thấp hơn so với kỳ vọng 5,2%, theo một cuộc khảo sát đối với nhiều chuyên gia phân tích của Reuters. Đó là một nỗi thất vọng nếu như so sánh với mức tăng trưởng 7,9% trong quý trước đó.
10 ngân hàng lớn đã hạ dự báo tăng trưởng trong cả năm 2021 của Trung Quốc, theo dữ liệu thu thập bởi CNBC.
“Tôi cho rằng với việc nền kinh tế đang giảm tốc nhanh như hiện tại, chính phủ Trung Quốc sẽ ban hành một số biện pháp mục tiêu, trong đó có thể bao gồm một số biện pháp liên quan tới chính sách tiền tệ, nhằm gia tăng nguồn tín dụng cho các lĩnh vực có tính sáng tạo và hiệu quả cao của nền kinh tế”, theo Eswar Prasad, giáo sự chính sách thương mại tại Đại học Cornell.
Bắc Kinh đang phải đối mặt với “nhiều thách thức lớn” trong việc đảm bảo sự cân bằng trong nền kinh tế, ông chia sẻ trong chuyên mục “Street Signs Asia” của CNBC hôm 8/11.
“Làm cách nào để nền kinh tế trở nên ít phụ thuộc vào lĩnh vực công nghiệp... trong khi vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng tốt. Làm cách nào để duy trì tăng trưởng trong khi thắt chặt thị trường bất động sản - một trong những lĩnh vực tương đối quan trọng với nền kinh tế?”, theo Prasad.
“Và bằng cách nào bạn có thể duy trì tính năng động của nền kinh tế khi sự can thiệp từ chính phủ ngày một tăng?”
Trong năm 2021, Trung Quốc cũng đã có những động thái cứng rắn đối với nhiều công ty công nghệ lớn, khi các nhà lập pháp thắt chặt những quy định liên quan tới vấn đề bảo mật dữ liệu và cạnh tranh không công bằng.
Xem thêm: nhc.89423215101111202-divoc-orez-iv-cot-maig-meht-oc-yugn-couq-gnurt-et-hnik/nv.fefac