Sáng 10/11, trả lời tại phiên phúc thẩm vụ án gang thép Thái Nguyên, ông Phùng Quang Cường, đại điện Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO) - nguyên đơn dân sự, tái khẳng định quan điểm "không yêu cầu các bị cáo bồi thường thiệt hại", đã nêu từ phiên sơ thẩm.
Ông viện dẫn, theo kết luận của Thanh tra chính phủ, thiệt hại của dự án nhiều hơn 830 tỷ đồng; và thuộc trách nhiệm của rất nhiều cá nhân, đơn vị khác, không riêng gì 19 bị cáo.
Số tiền thiệt hại tính gộp cả các khoản vay cho thực hiện dự án mỏ sắt Tiến Bộ, (thuộc xã Linh Sơn, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên). Dự án này đã được khai thác sử dụng nên không có căn cứ tính thiệt hại trong vụ án.
Đại diện VKS gay gắt phản đối phần trình bày của ông Cường, viện dẫn TISCO là doanh nghiệp 65% vốn của nhà nước. Thiệt hại do đó phần lớn là tài sản nhà nước. "Vậy với lý do và tư cách gì TISCO không đòi bồi thường?", công tố viên nêu quan điểm.
Trên lý thuyết, dự án phải hoàn thành trong 30 tháng nhưng "gần 15 năm vẫn chưa hoàn thành mà TISCO lại bảo không có thiệt hại. Anh nghĩ thế nào? Tài sản nhà nước là thứ không được quyền thoả thuận". Đại diện TISCO không trả lời.
TISCO xin HĐXX xét đến đóng góp và công lao của các bị cáo, đều là lãnh đạo "gắn bó cả cuộc đời cho sự phát triển của TISCO", để chấp nhận kháng cáo giảm nhẹ hình phạt và miễn, giảm bồi thường dân sự.
"TISCO đang thực hiện đàm phán và yêu cầu nhà thầu Tập đoàn Khoa học công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC) và các nhà thầu phụ có nghĩa vụ thực hiện theo kết luận thanh tra chính phủ", ông Cường cho biết.
Trong khi đó, đại diện Bộ Công Thương phủ nhận "tác động, gây sức ép" để TISCO chấp nhận nhà thầu phụ không đủ năng lực.
Vị đại diện cho rằng việc thứ trưởng ký văn bản, giới thiệu Tổng công ty xây dựng Công nghiệp Việt Nam (VINAINCON) là doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương làm nhà thầu phụ cho dự án Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 trong khi VINAINCON không đủ năng lực thi công chỉ "mang tính giới thiệu, không áp đặt hay ép buộc". Việc lựa chọn phụ thuộc vào TISCO và MCC.
"Vậy tóm lại, theo các vị , Bộ Công Thương có lỗi trong việc giới thiệu này không?", kiểm sát viên liên tục chất vấn nhưng phía Bộ Công Thương không trả lời thẳng, chỉ viện dẫn các văn bản, khẳng định làm đúng quy định pháp luật.
Trong phần luận tội nêu trưa nay, VKS kiến nghị HĐXX chấp nhận kháng cáo của 2 bị cáo đã nộp toàn bộ phần bồi thường là ông Đậu Văn Hùng (cựu tổng giám đốc Tổng côny ty Thép Việt nam - VNS) và ông Hoàng Ngọc Diệp (cựu ủy viên HĐQT TISCO).
Ông Hùng bị toà sơ thẩm tuyên phạt 3 năm tù và buộc bồi thường 60 tỷ đồng về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, song xin xét xử vắng mặt với lý do sức khoẻ. Ông Diệp nhận án 2 năm tù và buộc bồi thường hơn 6 tỷ đồng về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Sáu tháng sau phiên sơ thẩm, hai bị cáo này nộp toàn bộ số tiền bồi thường dân sự, khoảng 66 tỷ đồng, chiếm khoảng 8% trong tổng thiệt hại 830 tỷ đồng.
Với 10 bị cáo còn lại và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, VKS đề nghị bác tất cả kháng cáo với nhận định không có tài liệu và tình tiết giảm nhẹ mới, không có căn cứ giảm nhẹ án tù hay miễn giảm bồi thường thiệt hại.
Phiên phúc thẩm mở theo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và miễn, giảm mức bồi thường thiệt hại của ông Trần Trọng Mừng và 11 bị cáo, chủ yếu là cựu lãnh đạo của Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO).
Các bị cáo giữ nguyên lời khai trong phiên sơ thẩm, thừa nhận sai phạm, song xin kháng cáo với lý do tuổi cao, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, quá trình công tác có nhiều thành tích.
Trong phiên toà sơ thẩm cuối tháng 4, các bị cáo này bị phạt từ 18 tháng đến 8 năm tù, thuộc 2 nhóm tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Dự án mở rộng sản xuất Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 được Chính phủ phê duyệt năm 2005, tổng vốn đầu tư hơn 3.800 tỷ đồng. VNS là cấp phê duyệt dự án.
Theo bản án sơ thẩm, biết rõ nhà thầu, Tập đoàn Khoa học công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC) vi phạm hợp đồng, đề nghị các điều khoản vô căn cứ, lãnh đạo TISCO vẫn ký văn bản gửi VNS xin chấp thuận điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án lên 8.100 tỷ đồng, tăng hơn 4.200 tỷ đồng; chấp nhận nhà thầu phụ VINAINCON không đủ năng lực.
Hậu quả, dự án quá thời hạn gần 10 năm nhưng vẫn chưa hoàn thành, gây thất thoát hơn 830 tỷ đồng.
Bản án sơ thẩm cũng kiến nghị xem xét hành vi của bộ chủ quản của TISCO và VNS, tức Bộ Công Thương, trong việc đưa ra các chủ trương, quyết định không đúng quy định pháp luật, đồng thời giới thiệu và lựa chọn đơn vị không đủ năng lực để thực hiện phần C của hợp đồng EPC số 01.
Chiều nay, phiên toà tiếp tục với phần tranh luận.
Thanh Lam
Xem thêm: lmth.1163834-neyugn-iaht-peht-gnag-na-uv-iat-gnouht-iob-iod-gnohk-ceiv-iod-nahp-skv/ten.sserpxenv