Để giải quyết tận gốc bài toán quản lý môi giới bất động sản (BĐS) chất lượng, nhiều ý kiến cho rằng cần quy định điều kiện về chứng chỉ hành nghề và cấp mã số cho từng môi giới.
Môi giới hành nghề phải có mã số
Đề xuất giải pháp quản lý chặt chẽ người làm nghề môi giới BĐS, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, cho rằng cấp mã số hành nghề cho môi giới là rất cần thiết để quy trách nhiệm và căn cứ vào đó để nâng chất lượng đội ngũ.
Trong tương lai, cơ quan quản lý nhà nước có thể chuyên nghiệp hóa trong quản lý môi giới bằng cách ứng dụng công nghệ, quản lý để một môi giới chỉ làm tại một công ty, một dự án trong một thời điểm.
Nhằm thúc đẩy việc kinh doanh BĐS trở nên chuyên nghiệp, ngoài điều kiện cần là sửa luật thì theo ông Đính, điều kiện đủ nằm ở khâu thực thi. Thị trường luôn chuyển biến rất nhanh, từ cập nhật pháp luật đến thực thi cũng cần điều chỉnh nhanh để đáp ứng thực tiễn.
Đồng tình, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần BĐS Đại Phúc Land, cho rằng cần quy định bắt buộc nhân viên môi giới BĐS phải có chứng chỉ hành nghề để chuẩn hóa chất lượng đội ngũ, giúp cho việc quản lý chặt chẽ và thống nhất tại các địa phương. Việc cấp chứng chỉ hành nghề môi giới phải gắn liền với cơ quan cấp phép tại các địa phương có đủ thẩm quyền, đủ năng lực tổ chức các chương trình đào tạo, sát hạch đồng bộ, thực tế, gắn liền với đội ngũ này.
Thứ hai, cần hướng tới quản lý môi giới đồng bộ bằng công nghệ mã số hành nghề được cơ quan quản lý cấp, mỗi nhân viên môi giới có một mã số riêng.
“Giống như mã số nhân viên ngân hàng, bảo hiểm đang áp dụng. Nhân viên nào vi phạm sẽ bị đưa vào danh sách đen, chế tài xử phạt có thể tăng nặng để răn đe, thậm chí cấm hoạt động môi giới vĩnh viễn” - bà Hương nêu ý kiến.
Ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc Công ty cổ phần DKRA Việt Nam, cũng thống nhất quan điểm môi giới làm việc qua phòng công chứng phải có mã số hành nghề. Hiện nay, giao dịch mua bán diễn ra tại phòng công chứng chỉ xuất hiện ba bên trên văn bản hành chính gồm bên mua, bên bán, phòng công chứng trong khi người môi giới có vai trò liên quan mật thiết thì lại không có thông tin. Mặt khác, việc cấp mã số hành nghề cho người môi giới và bắt buộc để lại mã số ở mỗi giao dịch sẽ theo dõi được thu nhập phát sinh của người hành nghề.
Đây cũng là căn cứ để cơ quan nhà nước thuận tiện hơn trong quản lý thu thuế thu nhập cá nhân, hạn chế tình trạng lách thuế, lừa đảo của người môi giới bất lương.
Việc cấp mã số cho các môi giới bất động sản sẽ quản lý được việc làm cũng như thu nhập của họ. Ảnh: QUANG HUY
Luật Kinh doanh BĐS 2014 chỉ điều chỉnh các hành vi giao dịch kể từ thời điểm ký hợp đồng kinh doanh BĐS mà chưa điều chỉnh các hành vi giao dịch xảy ra trước thời điểm ký hợp đồng như đặt cọc, hứa mua, hứa bán, hợp tác đầu tư, liên doanh liên kết, hợp đồng góp vốn… Điều này dẫn đến tình trạng bên bán, bên huy động vốn lợi dụng để nhận tiền đặt cọc có giá trị lớn, có trường hợp nhận đến 90% giá trị nhà, đất, thậm chí xảy ra lừa đảo. Vì vậy, HoREA đề nghị bổ sung quy định về đặt cọc vào dự thảo đề cương Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) như sau: “Trước khi ký kết hợp đồng với khách hàng, chủ đầu tư dự án có thể nhận tiền đặt cọc để bảo đảm giao kết hợp đồng, giá trị đặt cọc do các bên thỏa thuận nhưng không vượt quá 30% giá trị BĐS”. Ông LÊ HOÀNG CHÂU, Chủ tịch HoREA |
Mua bán bất động sản phải qua ngân hàng
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, cho biết Luật Kinh doanh BĐS 2014 chưa quy định bắt buộc giao dịch phải qua ngân hàng nên thanh toán bằng tiền mặt, vàng, ngoại tệ vẫn diễn ra phổ biến. Vì thế, lĩnh vực kinh doanh BĐS có thể trở thành nơi trú ẩn của tội phạm rửa tiền, che giấu tài sản bất minh, tham nhũng hoặc do phạm tội mà có.
Để ngăn chặn tình trạng này, ông Châu cho biết HoREA đã có văn bản góp ý dự thảo Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) với đề nghị bổ sung quy định thanh toán trong giao dịch kinh doanh BĐS phải thông qua ngân hàng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, cũng cho rằng cơ quan quản lý cần giải quyết từ gốc để hoạt động mua bán BĐS diễn ra minh bạch, Nhà nước dễ dàng hơn trong việc quản lý thuế, tránh bát nháo, giá ảo hay lướt sóng.
TS Hiển lấy dẫn chứng tất cả việc mua bán nhà, đất tại Mỹ đều phải thông qua ngân hàng và được thực hiện bởi người môi giới có chứng chỉ hành nghề. Khi đó, người môi giới phải chịu trách nhiệm về pháp lý, còn ngân hàng chịu trách nhiệm về việc kiểm tra độ chính xác của các thủ tục pháp lý đó. Đồng thời, nếu người bán cố tình khai thấp giá xuống để trốn thuế thì sẽ bị lưu lại trong hệ thống ngân hàng.
“Đây cũng là cơ sở để Nhà nước thống kê được giá mua bán, giao dịch từng khu vực, từng loại hình BĐS cũng như đưa ra mức thuế hợp lý” - ông Hiển nói.
Địa phương cần công khai quy hoạch chặn sốt đất Chia sẻ tại tọa đàm “Thị trường BĐS nhìn từ thông tin quy hoạch” do báo Tiền Phong tổ chức mới đây (ngày 2-11), ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), cho biết sốt đất tại một số địa phương do đầu cơ, môi giới lợi dụng các thông tin về quy hoạch, việc ban hành bảng giá đất mới, sáp nhập thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính để thổi giá. Hồi tháng 3, Bộ Xây dựng đã yêu cầu các địa phương tổ chức công bố công khai thông tin về quy hoạch, tiến độ triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, dự án BĐS, đặc biệt là các dự án lớn và việc sáp nhập thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính… để minh bạch thông tin, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thất thiệt. Tháng 10, bộ trưởng Bộ Xây dựng tiếp tục có công văn nhấn mạnh các địa phương tăng cường chỉ đạo cơ quan, đơn vị trực thuộc tiếp tục thực hiện đăng tải thông tin hồ sơ đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị. Đến nay, cơ bản các địa phương đã thực hiện việc đăng tải thông tin quy hoạch khá rõ ràng. Người dân nên tra cứu kỹ thông tin từ trang web chính thống của cơ quan nhà nước, không chạy theo tâm lý đám đông khi muốn mua BĐS. |