Nguồn: STOWA.NL - Dữ liệu: PHÚC LONG - Đồ họa: TUẤN ANH
"Room for the Rivers" (tạm dịch: Không gian cho những dòng sông) là dự án khí hậu tham vọng của Hà Lan. Trong nhiều thế kỷ, người Hà Lan đã cố gắng ngăn dòng nước nhấn chìm đất đai, làng mạc (hơn 1/4 diện tích Hà Lan nằm dưới mực nước biển) bằng máy bơm, đê, tường chắn sóng... - các công cụ có thể trong khả năng con người.
Nhưng biến đổi khí hậu cho thấy những phương pháp trên sẽ có lúc vô dụng. Vào thập niên 1990, chính quyền Hà Lan bắt đầu thay đổi cách tiếp cận khi hiểu rằng những vùng ngập nước tự nhiên tồn tại có lý do của nó.
Chẳng hạn, những khu đất trũng thấp nằm cạnh dòng sông có thể hấp thụ lũ mỗi khi mưa nhiều trên thượng nguồn. Thế là họ làm một việc khác thường: dỡ bớt đê chắn nước và di dân ra khỏi vùng ngập.
"Hậu quả của biến đổi khí hậu"
Để hiểu tầm quan trọng của dự án Room for the Rivers, cần hiểu về thượng nguồn những con sông chảy vào Hà Lan. Ahr là một phụ lưu của sông Rhine chảy qua những vùng đồi núi đẹp như tranh ở miền tây nước Đức. Tháng 7 vừa qua, một trận lũ lớn chưa từng thấy trong lịch sử nhấn chìm vùng này và giết chết 133 người.
"Không biết nói sao để diễn tả trải nghiệm đó. Sau trận lũ thì trời bắt đầu mưa tiếp, tôi cảm thấy lo lắng không yên. Rồi khi mưa không dứt, mọi cảm xúc lại bùng lên và tôi chỉ khóc. Thật khó để sống tiếp ở đây với nỗi sợ hãi thường trực" - chị Lea Kreuzberg, 23 tuổi, cư dân làng Dernau ở vùng tây Đức, nhớ lại.
Vài ngày sau trận lũ, có ba người dân làng Dernau tự kết liễu cuộc đời vì khủng hoảng tinh thần. "Một trong số đó là bà của bạn thân tôi. Một đêm nó dựng tôi dậy và nói "bà tớ, bà tớ...". Quả thật chúng ta đang sống với biến đổi khí hậu, và đây là hậu quả" - chị Franziska Schnitzler, một cư dân Dernau khác, kể lại.
Lượng mưa gần 15cm đã trút xuống trong chỉ 24 giờ, từ ngày 14 đến 15-7, đã tàn phá không chỉ Đức mà còn Bỉ, Pháp, Luxembourg, Thụy Sĩ và tỉnh Limburg của Hà Lan, theo thống kê của Tổ chức châu Âu về khai thác vệ tinh khí tượng (EUMETSAT).
EUMETSAT nhận định trận mưa tháng 7 "gây hủy diệt khủng khiếp" và những hiện tượng tương tự sẽ ngày càng phổ biến hơn cùng với khí hậu biến đổi.
Lời cảnh tỉnh cho Hà Lan
Những người dân Hà Lan chịu hy sinh đất đai cho chương trình Room for the Rivers chấp nhận điều đó không chỉ vì bản thân, mà còn vì đồng bào. Họ hy sinh để bảo vệ người dân những thành phố lớn dễ bị tổn thương hơn vì lũ.
Theo ông Hans Brouwer - chuyên gia thuộc Bộ Quản lý hạ tầng và nguồn nước Hà Lan, trận lũ những năm 1993 và 1995 là "lời cảnh tỉnh" cho cả đất nước.
"Trong nhiều thập niên chúng tôi chỉ tập trung vào biển, bảo vệ đất đai khỏi nước biển dâng do bão. Rồi chúng tôi bị bất ngờ bởi những con sông. Năm 1995, việc khoảng 250.000 người phải di tản lũ đã để lại một ấn tượng không thể quên" - ông Brouwer kể.
Những trận lũ ngày đó xảy ra cùng giai đoạn Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc đưa ra những cảnh báo đầu tiên về nền khí hậu đang mất ổn định.
"Chúng tôi nhận ra lũ từ sông sẽ còn tái diễn và rất khó để ngăn điều đó vì nước biển dâng không ngừng" - ông Brouwer cho biết.
Cách đây 15 năm, các quan chức Hà Lan đã đến gặp ông Nol Hooijmaijers, một nông dân nuôi bò sữa, để thông báo khu đất của ông và 17 gia đình khác sẽ sớm thành vùng chứa nước lũ.
"Chúng tôi đã trải qua những năm 1993 và 1995 nên chúng tôi biết đến lúc cần phải làm điều gì đó, chỉ không biết cụ thể là gì. Khi chính phủ đến và nói khu này sẽ dùng chứa nước lũ, đó quả là cú sốc lớn" - ông Hooijmaijers, năm nay 72 tuổi, nhớ lại.
Ông Hooijmaijers cùng một số gia đình quyết định ở lại. Họ thuyết phục chính phủ xây những khu đất cao 6m để dời nhà cửa lên, sau đó nền đê bao được hạ thấp để nước lũ tràn vào.
"Hãy mạnh dạn thay đổi, dù trái tim tan nát"
Theo Đài CNN, dự án The Room for the Rivers là biểu tượng cho năng lực quy hoạch và tầm nhìn xa của đất nước Hà Lan. Sau khi đã chi khoảng 2,66 tỉ USD cho 34 tiểu dự án, hiện các con sông ở Hà Lan đã có thể hấp thụ nước nhiều hơn 25% so với năm 1995.
Theo chuyên gia Brouwer, đã có sự thay đổi nhận thức khi các kỹ sư nhận ra "chúng ta không phải lúc nào cũng hiểu cách thiên nhiên vận hành, nhưng chúng ta luôn xem trọng thiên nhiên".
Ông tiết lộ thiết kế các khu vực chứa lũ dựa trên một bản vẽ có từ một thế kỷ trước. Các kỹ sư không biết vì sao nó vận hành được vào thời điểm đó, nhưng họ tự tin thiên nhiên sẽ lựa chọn đúng. Người dân Hà Lan đã hy sinh không ít để trả lại đất cho những dòng sông, và họ đã làm được.
TTO - Cả nước Hà Lan ngày 7-2 chìm trong tuyết trắng do bị trận bão tuyết lớn nhất trong 10 năm qua đổ bộ. Giao thông đường sắt, đường bộ đều bị đình trệ trong khi toàn khu vực Bắc Âu nhiệt độ giảm thấp.
Xem thêm: mth.46070413201111202-ul-nagn-ed-od-ek-ahp-nal-ah-oas-iv/nv.ertiout