Số người cầu cứu cửa hàng thực phẩm miễn phí tăng
Trên một khu phố sang trọng ở tây London, ngày càng có nhiều người lui đến một cửa hàng thực phẩm miễn phí cho người nghèo.
Dad's House là một trong 2.200 ngân hàng thực phẩm ở Vương quốc Anh phục vụ những người gặp khó khăn trong việc trang trải cuộc sống. Billy McGranaghan, người sáng lập, nói với CNN Business rằng có một "tương lai ảm đạm" đối với những người đến cửa hàng của anh.
Khi Vương quốc Anh trải qua mùa đông thứ hai trong đại dịch, giá lương thực tăng, chí phí nhiên liệu cao hơn và việc chính phủ cắt giảm phúc lợi đã gây áp lực lớn lên nhiều hộ gia đình. Nhiều người bắt đầu tìm đến những cửa hàng từ thiện.
Trong những tuần gần đây, các ngân hàng thực phẩm ghi nhận một lượng lớn người dân ghé đến. Nhiều lao động lành nghề cũng tìm đến những cửa hàng tạp hoá miễn phí, sau khi chương trình hỗ trợ của chính phủ kết thúc và sự cắt giảm chi trả phúc lợi cho người thu nhập thấp.
McGranaghan ước tính rằng kể từ tháng 9, ngân hàng thực phẩm của ông đã có thêm 70 người đăng ký nhận thực phẩm. Mỗi tuần, cửa hàng phục vụ cho khoảng 300-400 người. Ông cho biết người nhận hỗ trợ thực phẩm cũng rất đa dạng. Có những người ông không nghĩ rằng họ cần đến ngân hàng thực phẩm.
Cửa hàng Dad's House đã phục vụ cho giáo viên, nhà thiết kế đồ họa và cả các nhà báo trong thời kỳ đại dịch. Nhưng hiện tại, những vị khách của cửa hàng có xu hướng là những người độc thân và người trẻ. McGranaghan cũng dự đoán rằng số lượng những khách hàng như vậy sẽ còn gia tăng trong vài tháng tới vì mọi thứ đều đang tăng giá.
Chi phí dịch vụ quá cao
Chi phí nhiên liệu và thực phẩm tăng cao đã đẩy hóa đơn của hàng triệu hộ gia đình Anh lên cao. Kể từ tháng 1, giá khí đốt bán buôn đã tăng 423%, theo dữ liệu từ tập đoàn công nghiệp Dầu khí của Anh. Nguyên nhân là do nhu cầu khí đốt của châu Á tăng cao và xuất khẩu khí đốt của Nga thấp hơn dự kiến.
Để ứng phó với vấn đề, cơ quan quản lý năng lượng của Anh đã nâng hạn mức giá tiêu dùng lên tới 13% kể từ ngày 1/10. Điều này sẽ có tác động đến 15 triệu người.
Khủng hoảng năng lượng khiến giá nhiên liệu tăng là vấn đề của toàn châu Âu. Tuy nhiên, lượng khí đốt dự trữ tương đối thấp khiến Anh dễ bị ảnh hưởng bởi thị trường năng lượng đầy biến động.
Một tình nguyện viên giúp khách chọn sản phẩm tại Dad’s House. Ảnh: CNN
Chịu rét hoặc nhịn đói
Hơn một thập kỷ Vương quốc Anh thắt lưng buộc bụng đã dần ảnh hưởng đến ngân sách dành cho chăm sóc sức khỏe, nhà ở và phúc lợi. Một báo cáo gây sốc năm 2019 của Hội đồng Nhân quyền của Liên Hợp Quốc đã đổ lỗi cho việc cắt giảm chi tiêu là nguyên nhân khiến hàng triệu người lâm cảnh bần cùng.
Trước đại dịch, khoảng 14,5 triệu người Anh, tương đương 22% dân số, đang sống trong cảnh nghèo đói. Tổ chức tư vấn Joseph Rowntree dự đoán rằng sẽ còn nhiều người rơi vào cảnh nghèo đói hơn khi phúc lợi đại dịch bị cắt giảm dần.
Vào đầu tháng 10, chính phủ đã cắt giảm chương trình Tín dụng Phổ thông, khoản phúc lợi cho những người thất nghiệp hoặc có thu nhập thấp, trở lại mức trước đại dịch. Điều này có nghĩa là hơn 5,8 triệu người mất 20 bảng (28 USD) một tuần, tương đương 1,040 bảng (1,431 USD) một năm.
Chính phủ Vương quốc Anh cũng đã hoàn thành gói chương trình phòng chống đại dịch 69 tỷ bảng Anh (95 tỷ USD). Vào tháng 8, chính phủ Anh giảm các khoản thanh toán cho người sử dụng lao động từ 70% lương hàng tháng xuống còn 60%, trước khi ngừng hoàn toàn vào cuối tháng 9.
McGranaghan cho biết việc cắt giảm đã buộc một số khách hàng của ông phải đưa ra những lựa chọn khó khăn. Nhiều người đã phải đắn đo việc ăn một bữa salad trong lạnh giá hay nhịn đói để lò sưởi của ngôi nhà hoạt động.
Các ngân hàng thực phẩm gặp căng thẳng
Ngân hàng lương thực không phải là một hiện tượng mới ở nước Anh hiện đại. Từ năm 2010 đến 2019, số lượng gói thực phẩm khẩn cấp do The Trussell Trust phân phối đã tăng 2,543%, một phần do việc cắt giảm hệ thống an sinh xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, chuỗi cung ứng bị tắc nghẽn, giá thực phẩm tăng cao và tình trạng thiếu hàng trong siêu thị đã gây trở ngại khả năng hỗ trợ các hộ gia đình gặp khó khăn.
Các kệ hàng trong siêu thị đang dần trống trơn vì Vương quốc Anh thiếu 100.000 tài xế xe tải. Nguyên nhân một phần là do công nhân Anh di cư hàng loạt sau Brexit. Đại dịch cũng giới hạn số lượng các kỳ thi bằng lái cho các tài xế mới. Tình trạng thiếu hụt thậm chí còn tồi tệ hơn vào tháng 9 khi các trạm xăng trên toàn quốc cạn kiệt sau các vụ mua bán ồ ạt.
FareShare, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên phân phối lại thực phẩm dư thừa trong siêu thị cho các tổ chức từ thiện và các nhóm cộng đồng, cho biết rằng tất cả 30 trung tâm trong khu vực đã bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu hụt.
Nhiều người rơi vào hoàn cảnh khó khăn vì đại dịch và phải bắt đầu cần đến các bữa ăn miễn phí. Ảnh: CNN
Nước Anh đang quay ngược thời gian
Một số nhà kinh tế học đã cảnh báo rằng lạm phát gia tăng ở Vương quốc Anh, kết hợp với sự tăng trưởng kinh tế yếu, có thể dẫn đến thời kỳ "lạm phát kèm suy thoái" giống thập niên 1970, khi tiền lương không bắt kịp chi phí sinh hoạt tăng cao.
Khi giá hàng tạp hóa cao hơn làm xói mòn sức mua của người dân Anh, các ngân hàng thực phẩm đang chuẩn bị phục vụ nhiều khách hàng hơn và họ chi tiêu nhiều hơn.
Theo dữ liệu của các nhà chức trách, lạm phát đã tăng 3,1% trong tháng 9. Theo nhà kinh tế trưởng Huw Pill của Ngân hàng Trung ương Anh, con số này cao hơn mức chỉ tiêu 2% của NHTW nhưng thấp hơn rất nhiều so với tốc độ 5% có thể đạt được vào đầu năm tới.
Chính phủ Anh có kế hoạch tăng mức lương tối thiểu từ 8,91 bảng Anh/giờ (12,27 USD) lên 9,50 bảng Anh/giờ (13,09 USD) vào tháng 4. Tuy nhiên, chi phí sinh hoạt tăng cao sẽ giảm sức mua của người Anh.
Tham khảo CNN