Trong bài tham luận tại hội thảo chuyên đề 5 trong khuôn khổ diễn đàn cấp cao diễn ra vào sáng 11/11 với chủ đề “Phát triển các mô hình kinh doanh mới trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, ông Toni Kristian Eliasz - chuyên gia giải pháp kỹ thuật số, Ngân hàng thế giới (WB) đã có chia sẻ về phát triển kinh tế số của Việt Nam.
Theo đó, ông đánh giá Việt Nam một quốc gia đã có tiến bộ đáng kể trong việc mang dịch vụ lên mạng trực tuyến. Theo thống kê của WB, có khoảng hơn 2000 dịch vụ đã được chuẩn hóa và được tích hợp vào trong cổng công quốc gia.
Dựa vào báo cáo ở 4 lĩnh vực kinh tế chủ yếu, Việt Nam hiện nay đang có xếp hạng rất tốt đối với các mảng tiếp cận với công nghệ cũng như internet. Khung pháp lý để giao dịch số phát triển cũng đang được mở rộng. Đây là bước tiền đề quan trọng cho việc thúc đẩy kinh tế số tại Việt Nam.
Tuy nhiên, vị chuyên gia của WB vẫn chỉ ra rằng, Việt Nam vẫn còn rất nhiều điểm yếu trong quá trình phát triển kinh tế số cần được xem xét cẩn trọng và đưa ra giải pháp tức thời
“Các khoản đầu tư trong hạ tầng số còn chậm, chuyến đổi số ở Việt Nam vẫn còn bị phân tán và tách biệt giữa nhiều ngành khác nhau, giữa các cơ quan ban ngành khác nhau ở Chính phủ. Các chương trình nghị sự về chuyển đổi số vẫn còn bị phân mảng, thiếu sự phối hợp giữa các bộ ngành cho nên rất khó điều chỉnh để tập trung hóa”, ông nói.
Theo ông Toni Kristian Eliasz, ở chừng mực nào đó, cơ sở hạ tầng số của Việt Nam đang có sự tiến bộ nhưng vẫn chưa đủ để tăng trưởng đối với nền kinh tế số. Trong 14 nền kinh tế APAC, chỉ số sẵn sàng về điện toán đám mây của Việt Nam so với các nước khác đang đứng ở vị trí thấp nhất trong 3 năm vừa qua.
Bên cạnh đó, lực lượng lao động và năng suất lao động cũng đóng vai trò rất quan trọng. Nguồn nhân lực của Việt Nam hiện nay còn nhiều yếu điểm, năng suất lao động kém, trình độ chuyên môn thiếu hụt về năng lực số cũng như kỹ năng số.
Cùng với đó, các mô hình và hoạt động mà Chính phủ đề ra còn thiếu tính hấp dẫn khiến khó thu hút được nhân tài. Các doanh nghiệp start-up trong lĩnh vực số của Việt Nam chưa được quan tâm đủ nhiều và thúc đẩy để phát triển bền vững.
“Việt Nam đang phát triển và khá thành công trong vài năm vừa qua trong lĩnh vực start-up về số, nhưng để trong tương lai thì cần bắt đầu cuộc chạy maraton”, ông Toni Kristian Eliasz nhận định.
Qua nghiên cứu đánh giá, chuyên gia giải pháp kỹ thuật số của WB nhấn mạnh vai trò của Chính phủ là vô cùng quan trọng để góp sức xây dựng môi trường cho sự phát triển của kinh tế số.
“Chính phủ cần xây dựng khuyến nghị chuyển đổi, có những hành động, chính sách, dự án cụ thể để tạo ra, xây dựng chiến lược cũng như kế hoạch đầu tư dài hạn”, ông chỉ ra.
Đồng thời, vị chuyên gia này cũng cho rằng, về ngắn hạn việc cần tăng cường cơ sở kiến thức với trọng tâm là tập trung vào những lỗ hổng về mặt kiến thức hiện nay và những nhu cầu đang nổi để xác định sự cấp thiết.
Bên cạnh đó chú trọng vào những mô hình kinh tế số cũng như thương mại điện tử, đặc biệt là những mô hình dựa vào nền tảng về số và thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia.