Ngày 11-11, tại Hà Nội đã diễn ra lễ trao giải cuộc thi viết truyện ngắn Làng Việt thời hội nhập. Cuộc thi do báo Dân Việt/Nông thôn ngày nay tổ chức. Giải Nhất trị giá 50 triệu đồng được trao cho nhà báo, nhà văn Trần Chiến với tác phẩm Con chú con bác. Hai giải Nhì được trao cho truyện Xóm cồn của Nguyễn Thị Minh Thúy (bút danh An Thư) và Cô Sáu Cam của Lê Ngọc Hạnh.
Trưởng ban giám khảo Hội đồng chung khảo, nhà văn Nguyễn Bình Phương đánh giá, truyện Con chú con bác của tác giả Trần Chiến là lối kể chuyện theo kiểu cổ điển. Nghệ thuật kể chuyện không có sự cống hiến mới. Nhưng truyện đã đề cập, mổ xẻ và tìm ra một phần quan trọng nguyên nhân sự rạn nứt của nông thôn.
Nhà văn Trần Chiến, tác giả truyện ngắn Con chú con bác nhận giải Nhất của cuộc thi. Ảnh: VT
“Tư tưởng sâu, thấy được sự xáo trộn là từ bên ngoài, với sự xâm nhập của các hệ tư tưởng, các quan điểm sống vênh lệch khiến cho nó rạn nứt, biến chuyển ghê gớm. Truyện đạt độ hoàn hảo, đáp ứng được sát các tiêu chí của cuộc thi”- nhà văn Nguyễn Bình Phương bày tỏ.
Bắt đầu nhận tác phẩm dự thi từ tháng 2-2019 và kéo dài đến tháng 2-2021, tròn 24 tháng diễn ra cuộc thi, Ban tổ chức đã nhận được con số vào loại kỷ lục là 1.256 truyện ngắn của rất nhiều tác giả thuộc nhiều thành phần, độ tuổi, nghề nghiệp... khác nhau gửi về dự thi.
Ông Lưu Quang Định, Tổng biên tập Báo Nông thôn ngày nay/Dân Việt nhận định, đây là cuộc thi đặc biệt, bởi lẽ, nó diễn ra trong bối cảnh cả thế giới phải đối diện với dịch COVID-19 – một đại dịch chưa từng có trong lịch sử.
Cuộc thi cũng có những tác giả đặc biệt như: Tác giả Trần Thị Trang ở Hà Nội gửi 34 tác phẩm; tác giả Đặng Ngọc Hưng ở Hà Nội gửi 13 tác phẩm; tác giả Đỗ Xuân Thu với tổng 11 tác phẩm dự thi hay cuộc thi có sự tham gia của tác giả khiếm thị Nguyễn Văn Thuận đến từ Hưng Yên.
Kết thúc cuộc thi viết truyện ngắn Làng Việt thời hội nhập, tuyển tập truyện ngắn Thổn thức gió đồng cũng được xuất bản. Tuyển tập bao gồm 28 tác phẩm, trong đó có 16 tác phẩm đạt giải thưởng và 12 tác phẩm xuất sắc nhất lọt vào chung khảo.
Cuốn sách như một bức tranh phong phú với nhiều gam màu sáng- tối với những chứa đựng mới mẻ và góc nhìn riêng về làng quê Việt, những xung đột gia đình, lề thói xưa cũ, nếp sống mới và cả thân phận con người... trước những cơn chuyển động của làng quê.