Thời gian gần đây, các tiểu thương tại một số chợ truyền thống cho biết, từ khi TP.HCM nới lỏng giãn cách, việc buôn bán được mở lại nhưng rất vắng khách.
Tuy vắng khách nhưng nhiều mặt hàng như dầu ăn, đường, bột mì, bánh kẹo...tăng gái mạnh. Thậm chí, một hãng nước mắm tăng 10.000 đồng/chai loại 650ml. Do sức mua thấp nên các tiểu thương chưa dám nhập hàng mới về.
Tăng giá từ 5%-15% tùy mặt hàng
Bà Thành, tiểu thương ngành hàng gia dụng chợ Hoàng Hoa Thám (Tân Bình), cho biết bà đã nhận được thông báo các sản phẩm sẽ tăng giá như nồi cơm điện Kim Cương loại 1,8 lít trước đây 155.000 đồng nay lên 200.000 đồng, loại 2.8 lít từ 315.000 đồng lên 368.000 đồng. Hay như bếp gas Namilux từ 155.000 đồng tăng lên 180.000 đồng…Ngoài ra, các sản phẩm nồi nhôm của công ty sản xuất trong nước tăng 15%-25%.
“Cân Nhơn Hòa loại 12 kg trước dịch 177.000 đồng, đến tháng 6 tăng lên 193.000 đồng. Sau dịch nhập hàng không biết giá lên bao nhiêu nhưng không có để mua, nếu lấy từ những người “mua đi bán lại” giá lên đến 250.0000 đồng/cái” - bà Thành nói.
Chợ vắng khách trong khi hàng hóa tăng giá, tiểu thương không dám nhập hàng mới về. Ảnh: TÚ UYÊN
Tương tự một số siêu thị như MM Mega Market Việt Nam cho biết đã nhận được thông báo từ nhà cung cấp về đề nghị tăng giá ở một số ngành hàng hóa mỹ phẩm như nước giặt, nước xả, dầu gội đầu, dầu xả, tã. Theo nhà sản xuất, nguyên nhân tăng giá là do chi phí vận chuyển tăng và nguyên liệu đầu vào tăng.
Đại diện Bách Hóa Xanh cũng cho biết, hiện tại hầu hết các nhà sản xuất đã tăng giá và có thông báo đề nghị tăng giá từ 5%-15% tùy mặt hàng, trừ mặt hàng sữa mức tăng ít. Riêng các sản phẩm nhà bếp, thực phẩm đã tăng giá từ tháng 8.
Theo đại diện Bách Hóa Xanh, nguyên nhân các nhà cung cấp đưa ra là do chi phí sản xuất vận hành tăng cao. Đồng thời, trước đề nghị tăng giá từ các nhà cung cấp, mức giá tăng sẽ được áp dụng rải rác theo từng lô hàng mới nhập từ nhà sản xuất.
Tuy nhiên, nhằm chia sẻ gánh nặng chi tiêu cùng người tiêu dùng hiện các siêu thị đều tung ra các chương trình khuyến mãi.
Mặt bằng giá nằm trong kịch bản điều hành giá
Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo về tổng kết đánh giá công tác điều hành giá quý III-2021, kịch bản điều hành giá quý IV-2021, đầu năm 2022 diễn ra cuối tháng 10, Bộ Tài chính cho hay: mặt bằng giá cả thị trường trong 10 tháng năm 2021 cơ bản nằm trong kịch bản điều hành giá đã đề ra.
Từ đầu năm đến nay, mặt bằng giá cả thị trường tăng giảm đan xen, một số mặt hàng có mức tăng cao do chịu tác động của các yếu tố cung cầu trong nước và giá thế giới.
Nguyên nhân gây áp lực lên mặt bằng giá có thể kể đến là một số mặt hàng thiết yếu có biến động tăng do ảnh hưởng từ chi phí nguyên vật liệu đầu vào, chi phí vận chuyển logistic tăng như thức ăn chăn nuôi, phân bón, vật liệu xây dựng…
Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, dịch bệnh COVID-19 vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, gây khó khăn đối với hoạt động sản xuất, cung ứng, lưu thông hàng hóa và áp lực đối với công tác điều hành giá.
Từ nay đến cuối năm, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ ngành, địa phương cần tổ chức theo dõi sát diễn biến cung cầu của thị trường các mặt hàng thiết yếu để chuẩn bị nguồn dự trữ, bình ổn giá, nhất là trong những tháng cuối năm, Tết Nguyên đán và đầu năm 2022.
Đây là những việc Ban Chỉ đạo điều hành giá đã làm hằng năm, nhưng năm nay có đặc thù là nền kinh tế bị tác động nặng nề của dịch bệnh cho nên cần hết sức lưu ý để tổ chức công tác dự trữ, bình ổn hợp lý.