Đường mang tên thi sĩ Bà Huyện Thanh Quan ở trung tâm Ba Đình, ảnh chụp tối 10-11 - Ảnh: T.ĐIỂU
TP Hà Nội đang lấy ý kiến người dân cho tờ trình việc đặt tên và điều chỉnh độ dài một số đường phố trên địa bàn trước khi trình HĐND TP Hà Nội xem xét, thông qua tại kỳ họp tháng 12.
Theo tờ trình, thành phố sẽ đặt tên cho 38 đường phố mới, trong đó nhiều cái tên văn nghệ sĩ nổi tiếng sống không xa ngày nay được đề xuất đặt tên đường: cặp đôi Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh, nhà thơ Chế Lan Viên, nhạc sĩ Huy Du, nhà văn Nguyễn Minh Châu, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Bá Khoản... bên cạnh bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Chân, thượng tướng Hoàng Minh Thảo...
Thỏa lòng người hâm mộ
Gia đình Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh đã rất vui khi đón nhận tin này, bởi việc đặt tên đường với tên của hai tác giả này đã được người hâm mộ nêu ý kiến từ lâu, chỉ một thời gian ngắn sau ngày cả hai qua đời vào năm 1988.
Năm 2018, Hội Nhà văn Việt Nam cũng có văn bản gửi lên hội đồng đặt, đổi tên đường TP Hà Nội với cùng đề nghị. Quyết định của Hà Nội đã đáp ứng được nguyện vọng của người hâm mộ và gia đình.
Bà Lưu Khánh Thơ - em gái cố tác giả Lưu Quang Vũ - cho biết ở Quy Nhơn đã có đường Lưu Quang Vũ nhưng chưa có đường Xuân Quỳnh, trong khi TP.HCM có đường Xuân Quỳnh nhưng lại chưa có đường Lưu Quang Vũ.
Riêng thành phố Đà Nẵng, quê hương của Lưu Quang Vũ, có tên đường cả hai vợ chồng nhưng không nằm gần nhau. Nay việc Hà Nội đặt tên hai thi sĩ cho hai con đường gần nhau ở quận Cầu Giấy rất có ý nghĩa.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa - phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - vui mừng đánh giá đây là một sáng kiến hay. Nhưng ông Khoa góp ý nên ghép tên hai người để đặt chung cho một con đường thành đường Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh.
Bởi cặp vợ chồng thi sĩ này là cặp đôi văn nghệ sĩ rất hiếm hoi khi tên tuổi họ luôn gắn liền với nhau, khi sống họ phát sáng cùng nhau và cho nhau, cùng viết về nhau rất đẹp và tới khi chết cũng không rời nhau.
Thêm tên đường văn nghệ sĩ là thêm hàm lượng văn hiến
Cùng với đôi vợ chồng duy nhất cùng được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, lần này còn có thi sĩ nổi tiếng được đề xuất đặt tên đường ở thủ đô là Chế Lan Viên.
Chế Lan Viên từng đi nhiều nơi, để lại nhiều kỷ niệm với các địa phương nên đã có nhiều thành phố đặt tên đường mang tên nhà thơ như TP.HCM, Đồng Hới, Hội An, Đà Nẵng, Quy Nhơn, thành phố Đông Hà và huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị).
Nhưng Hà Nội là nơi đặc biệt nhất với tác giả Điêu tàn, nơi mà ông đã trải qua những năm tháng quan trọng và sôi nổi nhất của đời mình. Vì vậy, tin vui lần này khiến không chỉ gia đình mà giới văn nghệ và người mến mộ đều cảm động.
Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên vui mừng trước một xu thế mới trong việc đặt tên đường phố hiện nay, đó là thêm nhiều những cái tên danh nhân sống rất gần với thời đại hôm nay và là các danh nhân trong lĩnh vực văn hóa - văn nghệ thay vì chỉ các nhà quân sự và chính trị như trước.
Theo ông Nguyên, xu hướng chọn đặt tên đường là tên các danh nhân văn hóa chính là một cách giới thiệu, quảng bá văn hóa rất tốt, bớt đi cảm giác đất nước mình chỉ có vẻ vang trong chiến tranh, trong khi mình còn rất giàu có về văn hóa nghệ thuật.
Nghĩ về điều này, ông Nguyên thích thú chia sẻ phát hiện bất ngờ với ông rằng truyền thống đặt tên đường phố chú trọng "hàm lượng" văn hóa ở Hà Nội cũng đã có từ sớm, khi người ta đã chọn đặt tên nữ thi sĩ Bà Huyện Thanh Quan ở ngay trung tâm Ba Đình, bên cạnh quảng trường Ba Đình và Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Gần đây, hàng loạt những cái tên văn nghệ sĩ đã được đặt tên cho đường phố ở Hà Nội khiến người yêu văn nghệ thỏa lòng như Trịnh Công Sơn, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Đình Thi, Xuân Diệu, Tố Hữu, nhà sử học Trần Quốc Vượng, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đổng Chi…
Nhà phê bình Ngô Thảo cũng rất hoan nghênh xu hướng đặt tên đường phố bằng tên các văn nghệ sĩ. Chính những cái tên ấy đã làm nên bộ mặt văn hóa của thủ đô và đất nước nói chung, tên họ được đặt cho đường phố chính là tăng tính văn hiến cho thành phố.
Sau 10 năm mất mới được đặt tên đường!
Vui mừng vì nhiều văn nghệ sĩ đang được đặt tên đường phố ở Hà Nội, nhưng ông Phạm Xuân Nguyên và ông Trần Đăng Khoa còn băn khoăn khi một số cái tên xứng đáng và đã mất từ lâu mà chưa được đặt tên đường như Huy Cận, Lưu Trọng Lư, Thế Lữ…
Riêng ông Nguyên băn khoăn về nguyên tắc danh nhân phải sau 10 năm mất mới được đưa vào ngân hàng tên đường phố để đặt tên đường. Ông đặt câu hỏi có nên bỏ nguyên tắc này, bởi Hải Phòng từng có lựa chọn dũng cảm được giới văn nghệ rất hoan nghênh là đặt tên đường theo tên nhà viết kịch thơ tài năng Hoàng Công Khanh ngay khi ông vừa mất được 2 năm và bất chấp việc ông đã từng bị đi tù 3 năm vì hành nghề cắt tóc dạo cuối những năm 1960.
TTO - Sau các con đường tại TP.HCM, Bình Định, Đà Nẵng thì nay Hà Nội cũng đang lấy ý kiến người dân về việc đặt tên đường mang tên vợ chồng thi sĩ Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh cho hai con đường gần nhau ở quận Cầu Giấy.