Chiều 11/11, trả lời chất vấn của đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) về kinh nghiệm quốc tế khi thực hiện các gói hỗ trợ, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng dẫn một vài đặc điểm trong các gói hỗ trợ của thế giới.
Đầu tiên là các nước có quyết sách nhanh; gói hỗ trợ quy mô lớn bất chấp kỷ luật, kỷ cương về tài chính; chấp nhận tăng trần nợ công, nợ Chính phủ và bội chi ngân sách.
"Họ thống nhất quyết định rất nhanh, thực hiện rất dễ và chuyển làm ngay. Do đó, những nước này sau khi được tiêm phủ vaccine, có kế hoạch phục hồi kinh tế và các gói hỗ trợ, có tốc độ tăng trưởng và hồi phục rất nhanh", Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư nhận xét.
Như Mỹ đã bỏ 27,9% GDP, chấp nhận tăng nợ công thêm 21 điểm phần trăm, đẩy tỷ lệ nợ công của Mỹ lên 133% GDP. Tương ứng, Trung Quốc tăng 6,1%, tăng thêm nợ công 9,7% điểm phần trăm, tổng nợ công đến nay 66,8%...
Các nước này đều tăng cho chi cho y tế và phòng chống dịch, trợ giúp xã hội và hộ gia đình có thu nhập thấp. Phương thức là cấp phát bằng tiền mặt, hỗ trợ lương thực, tiền điện, chi trả chính sách an sinh xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội, miễn giảm thuế phí cho thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thu nhập cá nhân... cho một số ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng.
Bên cạnh đó, họ hỗ trợ dòng tiền cho một số ngành và lĩnh vực ưu tiên; đầu tư cho hạ tầng. Riêng Mỹ đầu tư 1.200 tỷ USD ngân sách cho hạ tầng để phục hồi và kích thích tăng trưởng dài hạn.
Chính sách tiền tệ duy trì lãi suất cơ bản ở mức thấp, tăng tín dụng, nới lỏng điều kiện hỗ trợ lãi suất, giữ nguyên nhóm nợ, cơ cấu lại thời gian trả nợ, ưu đã thuế...
Về chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế đang được giao để nghiên cứu, ông Dũng cho biết, nó phải có quy mô đủ lớn, thời gian thực hiện phải phù hợp, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế.
Việc chấp nhận vượt trần ngân sách, tăng nợ công để có gói cứu trợ đủ lớn hay không được đại biểu Nguyễn Văn Hiển nêu tại phiên chất vấn chiều 11/11.
Ông dẫn ý kiến nhiều chuyên gia cho thấy, để hỗ trợ an sinh xã hội và phục hồi nền kinh tế sau đại dịch cần gói hỗ trợ đủ lớn, đặc biệt là gói tiền mặt tương đương 3-4% GDP.
Không chỉ hỏi quan điểm Bộ trưởng Dũng, ông Hiển cũng gửi câu hỏi này đến Bộ trưởng Tài chính và Thủ tướng.
Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, nếu hỗ trợ bằng tiền mặt, tung tiền ra thị trường, cấp tiền cho dân, nguy cơ và rủi ro rất lớn là tăng lạm phát. Do đó, ông Dũng ủng hộ quan điểm nới bội chi và nợ công "trong một khoảng mà chúng ta có thể kiểm soát được".
"Nếu không rất khó có điều kiện tăng trưởng. Nếu không tăng trưởng thì khó đạt mục tiêu 5 năm, chiến lược 10 năm rồi khát vọng đến năm 2045 là nước phát triển", ông Dũng nói.
Đồng thời, theo ông Dũng, nếu không làm, có thể bỏ cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, dân số vàng, các hiệp định thương mại tự do, những chuyển dịch mới.
"Như vậy vừa phát triển, giải quyết việc làm, giúp quy mô nền kinh tế lớn hơn, khi đó tự khắc nợ công sẽ giảm xuống dù không thể về như cũ. Còn nếu không nới, không có đầu tư, không có phát triển, sẽ là vòng luẩn quẩn là bội chi, nợ công lúc nào cũng ở mức cao trong khi chúng ta bỏ hết cơ hội phát triển", Bộ trưởng Dũng nêu quan điểm.
Bộ Kế hoạch & Đầu tư dự tính báo cáo và nếu được Quốc hội thông qua ở kỳ họp cuối năm nay, chương trình phục hồi sẽ thực hiện trong 2 năm 2022 và 2023.
Minh Sơn