Chính phủ số cần tiêu chuẩn IT cao
Trong khuôn khổ Hội thảo diễn đàn cấp cao diễn ra vào chiều 11/11 với chủ đề “Xây dựng chính phủ điện tử tiến tới chính phủ số trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, ông Nguyễn Minh Hải - chuyên gia vấn giải pháp Fortinet Việt Nam đã có những chia sẻ về giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh mạng cho chính phủ số.
Ông Hải cho rằng, Việt Nam có lợi thế lớn vì nhu cầu của người dùng cao, Nhà nước có các khoản ngân sách được chi để đầu tư bảo mật, bảo vệ cho hạ tầng quan trọng. Đồng thời, hiện nay Nhà nước cũng có các tài chế, pháp chế khen thưởng cần thiết để duy trì an toàn an ninh thông tin giữa các ban, bộ ngành.
Tuy nhiên, nếu xét theo khía cạnh chuyên môn, ông Hải lại đánh giá “để phát triển Chính phủ số đòi hỏi một đội ngũ IT đông đảo, trình độ chuyên môn rất cao trong khi đó đội ngũ nhân lực vận hành IT của Việt Nam còn khá mỏng, trình độ nhân lực còn hạn chế”.
Cùng với đó, chính sách an toàn an ninh thông tin giữa các bộ ban ngành hiện nay chưa thống nhất, còn nhiều lỏng lẻo và chưa đảm bảo an toàn theo các tiêu chuẩn IT. Bên cạnh đó thì ứng dụng của Chính phủ số rất đa dạng dẫn đến thách thức trong quy trình nâng cấp cũng như cập nhật những bản mới và việc vá các “lỗ hổng” còn gặp nhiều khó khăn.
Qua nghiên cứu đánh giá, vị chuyên gia nhận định vai trò của Nhà nước là vô cùng quan trọng. Trong bối cảnh hiện nay, Nhà nước cần đưa ra những chính sách có chiến lược hoạt động liên tục, có tính sẵn sàng vận hành cao và phòng chống thảm họa có thể xảy ra, luôn có phương án dự phòng phù hợp cho từng hoàn cảnh.
Cùng với đó trang bị các giải pháp bảo mật, bảo vệ người dùng, xây dựng và giám sát thực thi các bộ chính sách về an ninh thông tin thống nhất và xuyên suốt giữa các bộ ban ngành. Giám sát liên tục hoạt động của các hệ thống bảo mật an ninh thông tin và thu thập lưu trữ những thông tin về toàn bộ hệ thống an ninh thông tin phục vụ việc giám sát phát hiện, điều tra và xử lý sự cố.
Ngoài ra, cần định kỳ thực hiện các bài kiểm tra dò quét các lỗ hổng trên các máy chủ, website, trên các thiết bị mạng để kịp thời phát hiện ra các lỗ hổng.
Đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực công nghệ
Cũng tại hội thảo, ông Nguyễn Tuấn Anh - Giám đốc Giải pháp Schneider Electric Việt Nam nhìn nhận, thời gian qua, đại dịch Covid-19 kéo dài đã tác động rất lớn đến mọi khía cạnh của đời sống. Trong đó, có việc đẩy mạnh nhu cầu sử dụng công nghệ số của người dân.
Cụ thể, tốc độ số hóa trở nên rất nhanh, phát triển hoàn toàn tự nhiên, trở thành nhu cầu của toàn xã hội như: học từ xa, giám sát từ xa, làm việc từ xa,... Vai trò của công nghệ thông tin ngày càng được nâng cao vì nhu cầu kết nối thông tin, kết nối vạn vật, tiếp cận từ xa từ các thiết bị điện tử thông dụng được người dân đặc biệt quan tâm.
“Trong hai năm vừa qua, đại dịch Covid-19 càng tạo điều kiện cho sự phát triển của công nghệ số, tiến xa hơn là phát triển Chính phủ số tại Việt Nam. Nhưng bên cạnh điều kiện phát triển, Việt Nam hiện đang đối mặt với những thách thức đi kèm” ông Tuấn Anh chia sẻ.
Phân tích sâu hơn về những thách thức đặt ra, ông Tuấn Anh cho rằng dưới tác động cuả dịch bệnh đã khiến chuỗi cung ứng hàng hóa của Việt Nam bị đứt gãy, thiếu vật tư, vật liệu đã đẩy giá thành các dự án lên cao, giá thành đầu tư tăng, dự án kéo dài, chi phí sản xuất lớn.
Cùng với đó, ông cho rằng vấn đề nhân sự cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Việc thiếu nhân công trong các chuỗi sản xuất, thiếu nhân lực kỹ thuật cao, những chuyên gia nước ngoài không thể di chuyển đến Việt Nam, hạn chế tiếp cận triển khai dự án dẫn tới mất cân đối và quá trình sản xuất bị đình trệ.
Theo đó, ông Tuấn Anh cho rằng, cần tiếp tục đẩy mạnh đào tạo nhân lực, đội ngũ vận hành an ninh thông tin để nâng cao trình độ tay nghề. Mặt khác, cần trang bị các công nghệ, các giải pháp có khả năng phân tích chủ động, phát hiện tấn công mạng.
Đặc biệt, tấn công phức hợp nhằm thu ngắn thời gian xử lý các cuộc tấn công có chủ đích và xây dựng bộ quy trình xử lý nhanh chóng sự cố, giảm thiểu thiệt hại và thời gian ngưng trệ hệ thống.