Cảnh sát hướng dẫn khán giả đi vào luồng khai báo y tế, kiểm tra an ninh, đứng giãn cách trước quảng trường Mỹ Đình - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Tháng 5-2020, mọi hoạt động thi đấu thể thao bị "đóng băng" hoặc diễn ra không khán giả do COVID-19. Khi đó, bóng đá Việt Nam đã làm truyền thông quốc tế kinh ngạc với 10.000 khán giả có mặt trên sân Thiên Trường (Nam Định) xem trận khai mạc Cúp quốc gia giữa CLB Nam Định và Hoàng Anh Gia Lai.
Ngoài thể thao, trận đấu đã truyền đi thông điệp Việt Nam chiến đấu ngoan cường với đại dịch COVID-19. Đêm đó, nhiều hãng tin lớn của thế giới đưa tin về sự kiện này. Cổ động viên ở Đông Nam Á đã thốt lên: "Người hâm mộ Việt Nam thật hạnh phúc!".
Rồi dịch COVID-19 xoay vần, chúng ta phải đối mặt với đợt dịch thứ 4 từ tháng 5-2021 đến nay. Một lần nữa Việt Nam đang nỗ lực vượt qua khó khăn.
Trong khi đó, trên sân đấu, đội tuyển Việt Nam xuất sắc để giành vé vào vòng loại cuối World Cup 2022 khu vực châu Á. Nhưng niềm vui chung cùng đội tuyển - lần đầu tiên trong lịch sử lọt vào đến vòng loại thứ 3 World Cup - sẽ không trọn vẹn nếu vì dịch không thể thi đấu trên sân nhà Mỹ Đình (Hà Nội) mà phải xách hành lý ra nước ngoài thuê sân thi đấu.
Giữa lúc cả nước gồng mình chống dịch, VFF đã mạnh dạn đề xuất, Bộ VH-TT&DL trình Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19... và thầy trò HLV Park Hang Seo đã được đá trên sân nhà Mỹ Đình, đặc biệt là có khán giả cùng cổ vũ.
Một quyết định táo bạo nhưng hợp lý. Bởi lần tiếp đón đội tuyển Úc ngày 7-9 trên sân không khán giả nhưng chủ nhà Việt Nam đã được AFC đánh giá rất cao về công tác tổ chức. Không có thành viên làm nhiệm vụ tại trận đấu bị lây nhiễm COVID-19. Tất cả đều tuân thủ quy trình "bong bóng" nghiêm ngặt.
Nhưng đón khán giả đến sân lại là chuyện rất khác, đặc biệt khi F0 có ở khắp nơi. Nếu so sánh hình ảnh nhiều địa phương "dựng" hàng rào để hạn chế di chuyển, việc đón cả vạn khán giả đến sân tiếp lửa cho đội tuyển là ngoài sức tưởng tượng.
Nhưng chúng ta đã chọn sống "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", việc đưa cả vạn người hâm mộ đến sân Mỹ Đình tiếp lửa cho thầy trò HLV Park Hang Seo suy cho cùng đó là cuộc tập dượt "sống linh hoạt" khổng lồ.
Đúng vậy, hàng ngàn người đến sân Mỹ Đình xem bóng đá mới chính là cuộc sống "bình thường mới". Nhưng đó cũng là thử thách cho tất cả. Ở đó, khán giả phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về 5K.
Là ban tổ chức phải kỹ lưỡng, chặt chẽ, có đủ kịch bản để điều hành, ứng phó với số đông người cùng đến sân Mỹ Đình. Ở đó, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) Bộ Công an đã ứng dụng công nghệ (sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chip, chia luồng...) để kiểm soát khán giả vào sân Mỹ Đình xem bóng đá và ra về an toàn...
Vì vậy, có thể xem cuộc tiếp đón xem bóng đá an toàn cũng chính là lời tuyên bố Việt Nam đã trở lại sống linh hoạt, an toàn với dịch. Rồi đây chúng ta đón du khách quốc tế, đón mọi người đến làm việc, học tập, kinh doanh... Cuộc sống dần trở lại nhịp sống sôi động bắt đầu như thế.
Mong rằng cuộc "tập dượt" sẽ thành công, nhưng không loại trừ có rủi ro, nếu chúng ta không tuân thủ nghiêm ngặt quy trình 5K. Tuy nhiên bất kể thế nào, đó sẽ là bài học lớn cho tất cả mọi người bởi chúng ta mới chỉ ở giai đoạn đầu của sống linh hoạt, an toàn với COVID-19.
Do vậy chúng ta còn phải hoàn thiện, phải học, phải rút kinh nghiệm ở nhiều khâu để có được "cẩm nang" sống linh hoạt, an toàn cho tất cả mọi người, mọi ngành, mọi cấp quản lý.
TTO - Đội tuyển Việt Nam sẽ có điểm? Sự kỳ vọng ấy vẫn chưa đến ở trận cuối lượt đi vòng loại thứ 3 World Cup 2022 của đội tuyển Việt Nam sau trận thua sát nút 0-1 trước đội bóng hàng đầu châu Á là Nhật Bản vào tối 11-11 trên sân Mỹ Đình.
Xem thêm: mth.52980349021111202-iom-gnouht-hnib-pat-neid-gnot-couc/nv.ertiout