"Chúng tôi nhận nuôi trẻ mồ côi bị gia đình bỏ rơi"
Vừa qua, sự việc liên quan đến Tịnh thất Bồng Lai (tên mới là Thiền am bên bờ vũ trụ ) đã khiến dư luận không khỏi xôn xao. Trả lời Đài PT-TH Long An , ông Hồ Trường Ca, Chủ tịch UBND xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An xác nhận địa phương đã làm giấy khai sinh đối với 3 em bé tại Tịnh thất Bồng Lai.
Cụ thể, các em Lê Thanh Mẫu Nghi, Lê Thanh Pháp Vương được xác định có mẹ là Lê Thanh Kỳ Duyên; Lê Thanh Minh Triết có mẹ là Lê Thanh Huyền Trang. Trong Tịnh thất Bồng Lai có một số trẻ em nữa, nhưng đăng ký khai sinh ở địa phương khác.
Các em bé được sinh hoạt, học tiếng Anh tại Tịnh thất Bồng Lai
Về vấn đề này, ông Hoàn Nguyên cho biết các cô chỉ làm mẹ của các bé trên mặt giấy tờ mà thôi. Vì vậy, việc có "mẹ" đứng tên trên giấy khai sinh "là bình thường".
Ông khẳng định: "Từ trước đến nay, tôi chưa từng kêu gọi từ thiện ủng hộ các bé, chỉ là sau chương trình Thách thức danh hài, các bé được nhiều người mến mộ nên tôi có để số tài khoản dưới link YouTube. Ai "thương" thì người ta cho thôi.
Trước tới nay, chúng tôi nhận nuôi trẻ mồ côi bị gia đình bỏ rơi. Trong đó, có trường hợp là những người vợ/chồng ngoại tình, có con bên ngoài. Chúng tôi không nhận nuôi thì các bé sẽ bị bỏ lăn lóc, rất tội nghiệp.
Hơn nữa, chúng tôi đang nuôi dạy các bé rất tốt. Các bé tại Tịnh thất Bồng Lai luôn được dạy dỗ đàng hoàng, đạo đức là hàng đầu, có giờ thiền, giờ học riêng".
Khi PV đề nghị ông Hoàn Nguyên cung cấp thêm giấy tờ chứng minh về nhân thân các bé, ông đã từ chối vì lí do bảo mật danh tính cho mẹ ruột của các cháu.
Luật sư nói gì?
Liên quan đến thông tin "có mẹ trên giấy khai sinh là điều bình thường" mà người của Tịnh thất Bồng Lai đưa ra, luật sư Trần Minh Hải (Giám đốc công ty luật Basico) cho biết:
"Hiện nay có hai loại tài liệu chính liên quan đến việc quản lý đăng ký khai sinh, đó là Giấy khai sinh và Sổ đăng ký khai sinh (Sổ hộ tịch). Giấy khai sinh là văn bản do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp cho cá nhân khi được đăng ký khai sinh. Còn Sổ đăng ký khai sinh là sổ giấy được lập và lưu giữ tại cơ quan đăng ký khai sinh.
Người có tên tại mục thông tin "Họ, chữ đệm, tên người mẹ" trên Giấy khai sinh không nhất thiết phải là mẹ ruột mà có thể là mẹ nuôi của trẻ. Bởi sau khi đã được chấp thuận việc nhận nuôi con nuôi, cha, mẹ nuôi có thể yêu cầu UBND nơi đã đăng ký khai sinh trước đây hoặc nơi cư trú của con nuôi thực hiện thay đổi hộ tịch - thay đổi thông tin về cha, mẹ trong nội dung khai sinh đã đăng ký.
Chẳng hạn, đối với trường hợp trẻ em được nhận làm con nuôi là trẻ bị bỏ rơi, trẻ chưa xác định được cha, mẹ, theo quy định tại Khoản 2 Điều 19 Thông tư số 04/2020/TT-BTP, thì "trường hợp trẻ em được nhận làm con nuôi là trẻ bị bỏ rơi, trẻ chưa xác định được cha, mẹ thì theo yêu cầu của cha, mẹ nuôi, UBND nơi đã đăng ký khai sinh trước đây hoặc nơi cư trú của con nuôi thực hiện bổ sung thông tin của cha, mẹ nuôi vào phần khai về cha, mẹ trong Giấy khai sinh và Sổ đăng ký khai sinh; mục Ghi chú của Sổ đăng ký khai sinh phải ghi rõ "cha, mẹ nuôi".
Do đó, theo quy định pháp luật và mẫu Giấy khai sinh hiện hành, thì trên Giấy khai sinh của trẻ, phần thông tin của cha mẹ sẽ không ghi rõ là cha, mẹ đẻ hay cha, mẹ nuôi, cũng như không ghi rõ là con đẻ hay con nuôi. Cơ quan có thẩm quyền đăng ký khai sinh sẽ quản lý nội bộ và ghi rõ "cha, mẹ nuôi" tại mục Ghi chú của Sổ đăng ký khai sinh nếu cha, mẹ của trẻ là cha nuôi, mẹ nuôi".
Về cơ sở "Tịnh Thất Bồng Lai", vừa qua, trong cuộc họp báo thường kỳ quý IV năm 2021 về tình hình thực hiện các nhiệm vụ công tác của Bộ Nội vụ, ông Nguyễn Tiến Trọng – Phó trưởng Ban tôn giáo Chính phủ đã thông tin, Tịnh thất Bồng Lai không phải là tự viện hợp pháp và không do Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Long An quản lý. Những người đang sống và sinh hoạt tại đây không phải là tu sĩ Phật giáo và có dấu hiệu lợi dụng hình thức tu sĩ Phật giáo để kêu gọi lòng tốt của tín đồ Phật giáo.
Đồng thời, ông Trọng cũng khẳng định, Tịnh thất Bồng Lai là vụ việc có dấu hiệu lợi dụng tôn giáo để trục lợi.
Lan Chi
Doanh nghiệp và Tiếp thị