Đặc điểm của công ty gia đình
Nhắc đến công ty gia đình, chúng ta có thể hình dung mô hình quản lý với các cấp bậc đứng đầu đều là người "trong nhà". Với hình thức quản lý này, giám đốc sẽ là người có quyền quyết định cao nhất.
Loại hình doanh nghiệp này thường đặt doanh thu là mục tiêu hướng tới hàng đầu. Người làm việc cùng thường là con cháu trong nhà. Chính vì thế, việc "người ngoài" tham gia vào doanh nghiệp này thường vấp phải nhiều khó khăn.
Ngày nay, loại hình doanh nghiệp này chiếm hầu hết ở nhiều nơi. Đây là môi trường nhìn bề ngoài đơn giản nhưng chứa đầy thử thách. Bởi bạn phải biến hóa đa dạng với nhiều vị trí khác nhau cùng lúc. Nhưng đây cũng là môi trường cung cấp nhiều kinh nghiệp tốt nhất. Ngoài ra, đây còn được cho là mô hình doanh nghiệp " ấm áp" nhất bởi nhân sự chủ yếu là người thân cùng nhà.
Những khó khăn khi làm việc tại công ty gia đình
Nhắc đến mô hình kinh doanh hộ gia đình, nhiều người thường lắc đầu ngán ngẩm bởi cách quản lý theo cảm tính dẫn đến đãi ngộ không công bằng. Hơn thế nữa, những mập mờ trong lương thưởng khiến nhiều lao động khóc ròng bất lực. Bởi thế đây được ví như môi trường làm việc toxic nhất với nhiều bất cập, cụ thể như:
Đãi ngộ không rõ ràng
Không phải hầu hết doanh nghiệp gia đình là xấu. Nhưng rất nhiều công ty này thường lách luật hoặc phúc lợi dành cho người lao động không rõ ràng. Một số khác, lương thưởng của người lao động bị điều chỉnh dựa vào cảm tính của sếp. Điều này gây nên sự bất an khi làm việc ở dạng doanh nghiệp này. Vì thế, nhiều nhân viên giỏi chọn cách dứt áo ra đi tìm đường phát triển mới.
Con đường thăng tiến mơ hồ
Mỗi chúng ta đi làm đều khao khát có được cơ hội phát triển, sự nghiệp thăng tiến không ngừng. Nhưng ước mơ đó dường như là điều xa xỉ, bởi mô hình kinh doanh gia đình hầu như chỉ ưu tiên "con ông cháu cha". Hầu như rất khó có cơ hội để bạn phát huy tài năng, nếu có; thành tựu đó chưa chắc đã được trả công tương xứng. Vì những lẽ trên, những doanh nghiệp kiểu này nếu không thay đổi sẽ khó giữ chân người tài. Bởi chẳng ai mãi chịu cảnh " giậm chân tại chỗ" làm việc trong môi trường chẳng biết đến tương lai là gì. Nhất là những người trẻ hừng hực ý chí và hoài bão về tương lai rực rỡ, môi trường làm việc này càng không thu hút được họ.
Làm việc theo cảm tính
Như đã nêu trên, công ty gia đình thường giám đốc là người có quyền quyết định cao nhất. Mọi định hướng, chính sách phát triển đều dựa trên ý kiến của "nhân vật tối cao" này. Chính vì thế, chính sách kinh doanh và phát triển của công ty đều được xác lập dựa trên cảm tính của chủ doanh nghiệp. Môi trường làm việc thân thiện hay hà khắc đều dựa vào quyết định của giám đốc. Hơn thế nữa, chế độ khen thưởng cũng sẽ được ưu tiên cho hội "con ông cháu cha" của sếp.
Cách "sinh tồn" trong công ty gia đình
Hiện nay, loại hình doanh nghiệp gia đình chiếm phần lớn ở nước ta. Tuy còn chứa đựng nhiều bất cập, song đây cũng là cơ hội để các bạn trẻ thử sức trau dồi kinh nghiệm làm việc. Nếu bạn đang làm ở doanh nghiệp này, hãy cùng tham khảo ba bí quyết sau đây nhé.
Làm đúng theo những gì giám đốc giao phó
Dù làm việc ở môi trường nào, tôn trọng cấp trên là điều cần thiết. Nhất là ở công ty gia đình, bạn cần đặt ý kiến và mong muốn của giám đốc là nhiệm vụ hàng đầu cần thực hiện. Bởi không ai khác, giám đốc là người xem xét và đánh giá năng lực nhân viên, cũng là người cầm cân nảy mực quyết định thăng tiến của bạn. Để được lòng sếp, chúng ta cần hiểu và tôn trọng mong muốn của sếp. Chỉ như vậy bạn mới chiếm được lòng tin và dễ dàng thăng hoa trong công việc.
Đừng so kè đãi ngộ giữa bạn và "người nhà" sếp
Dù bạn giỏi bao nhiêu, có thể kết quả không được công nhận xứng đáng với nổ lực bỏ ra. Nhưng " gia đình sếp" luôn được khen thưởng, cân nhắc nâng lương dù cống hiến không bằng bạn thường xảy ra. Hãy tập quen với điều đó. Bởi bản chất của doanh nghiệp gia đình thường sẽ ưu tiên người nhà. Hành động so kè và cảm thấy thất vọng khi không được công nhận xứng đáng với tài năng chỉ khiến bạn trở nên thất vọng và áp lực thôi. Nếu đã chấp nhận làm việc kiểu doanh nghiệp này, bạn phải học cách chấp nhận thua thiệt hơn "người nhà" sếp.
Kết thân với con cháu sếp
Tạo mối quan hệ thân thiết với người nhà sếp không đồng nghĩa với việc bạn yếu kém. Tư tưởng đi lên tự năng lực hoàn toàn sai lầm, bởi việc kết thân với con cháu sếp thành công cũng là một loại năng lực. Nhất là khi làm việc trong công ty gia đình, có được mối quan hệ tốt với người nhà sếp sẽ là một bước đệm giúp bạn "dễ thở" hơn trong công việc. Hơn thế nữa, được lòng người nhà sếp còn giúp bạn trở nên sáng giá hơn trong mắt sếp. Từ đó, công việc và đãi ngộ sẽ được ưu đãi hơn.
Trên thực tế, không phải doanh nghiệp gia đình nào cũng mang nhiều điều tiêu cực. Nhất là trong bối cảnh dịch bệnh vẫn chưa biết mất hoàn toàn, việc chấp nhận làm việc tại công ty gia đình giúp bạn tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm cũng là một lựa chọn tốt. Hy vọng những chia sẻ trên giúp bạn nhìn rõ mặt lợi – hại của loại hình doanh nghiệp này để có quyết định sáng suốt nhất.
HR Insider
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị
Xem thêm: nhc.20931215121111202-tos-gnos-ed-oas-mal-irt-hnid-aig-yt-gnoc-iat-ceiv-mal-hnit-ov/nv.zibefac