Chiều ngày 12/11, hội thảo "Cảnh báo bẫy tín dụng đen, đẩy mạnh kênh tín dụng chính" do Báo Lao Động và Ngân hàng Nhà nước phối hợp tổ chức đã diễn ra với nhiều giải pháp được các chuyên gia đưa ra góp phần đẩy lùi tín dụng đen, giúp người dân, công nhân lao động tiếp cận được nguồn tín dụng chính thức.
Từ năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-TTg về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen.
Gần 27.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ
Trình bày tham luận tại hội thảo, Trung tá Đỗ Minh Phương - Phó Trưởng Phòng Trọng án - Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an cho biết hiện các đối tượng cho vay và đòi nợ không còn hoạt động công khai, lộng hành như trước.
Theo ông, nhận thức và ý thức cảnh giác của người dân từng bước được nâng cao; tình trạng treo biển, dán tờ rơi, quảng cáo giảm mạnh. Hiệu quả các mặt công tác quản lý Nhà nước theo chức năng của lực lượng công an từng bước được nâng cao.
"Theo thống kê, hiện toàn quốc có 26.942 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ. Từ đầu năm 2020 đến nay, Công an các địa phương đã cấp mới 2.436, thu hồi 175 Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự để kinh doanh dịch vụ cầm đồ, phát hiện 2.736 cơ sở vi phạm, xử phạt hành chính số tiền 7,728 tỷ đồng.
Qua công tác nghiệp vụ, Công an các địa phương đã rà soát, phát hiện: 6664 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ; 540 cơ sở kinh doanh tài chính; 3667 cá nhân có biểu hiện hoạt động cho vay lãi suất cao", ông Đỗ Minh Phương dẫn các số liệu.
Tuy nhiên, theo ông, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 làm thiệt hại nặng nề đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Tình trạng tạm dừng kinh doanh, kinh doanh không có lãi; nợ lương, mất việc làm, giảm thu nhập khiến nhu cầu vay tiền để phục vụ sinh hoạt, kinh doanh tăng cao.
Trung tá Đỗ Minh Phương cho biết: "Một bộ phận không nhỏ thanh niên còn có nhu cầu vay tiền để phục vụ tiêu xài cá nhân hoặc thậm chí sử dụng cho các mục đích vi phạm pháp luật như sử dụng ma túy, cờ bạc... Các đối tượng hoạt động tín dụng đen chuyển hướng lợi dụng công nghệ, mạng xã hội để mời chào, dụ dỗ người kinh doanh nhỏ lẻ, người lao động thu nhập thấp, công nhân, thanh thiếu niên... vay tín dụng đen".
"Quá trình cấp tín dụng vẫn gặp khó khăn"
Bà Hà Thu Giang - Phó Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết dịch Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực và tác động trực tiếp đến thu nhập của người dân đặc biệt là tập trung vào nhóm người có thu nhập thấp như công nhân, người lao động thời vụ, người kinh doanh nhỏ... dẫn tới tình hình tội phạm tín dụng đen có chiều hướng diễn biến phức tạp.
Theo bà Giang, NHNN đã liên tiếp 3 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành, tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Thường xuyên chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm tối đa chi phí hoạt động, dành nguồn lực để giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng. Đến nay, mặt bằng lãi suất vay giảm khoảng 1,66%/năm so với trước dịch.
NHNN cũng ban hành Thông tư 01 ngày 13/3/2020, Thông tư 03 ngày 2/4/2021 và Thông tư 14/2021/TT-NHNN tạo khuôn khổ pháp lý để các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi phí, giữ nguyên nhóm nợ, tháo gỡ khó khăn cho các khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19
Tuy nhiên, theo bà Hà Thu Giang, quá trình cấp tín dụng vẫn gặp khó khăn, tội phạm tín dụng đen vẫn có cơ hội để phát triển.
Bà Giang chỉ ra nguyên nhân do các nhu cầu vay vốn tiêu dùng cấp bách của khách hàng thường khó chứng minh mục đích sử dụng vốn và khả năng trả nợ, quá trình thẩm định cấp tín dụng khó khăn do nguồn thông tin không đầy đủ, độ chính xác không cao. Đặc biệt trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát như thời gian qua thì việc thẩm định cho vay lại càng khó khăn hơn. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cũng phải đảm bảo chất lượng nợ, an toàn vốn và an toàn hệ thống, thủ tục cho vay, xử lý nợ, rủi ro không giống các tổ chức cung ứng tín dụng đen.
Về phía ngân hàng, ông Lê Ngọc Lâm – Tổng giám đốc Ngân hàng BIDV cũng cho biết hệ lụy của tín dụng đen ảnh hưởng lớn đến kinh tế, tác động xấu đến tình hình an ninh trật tự, dễ kéo người dân vào bẫy tín dụng đen dẫn đến "khuynh gia, bại sản", thậm chí có tình huống siết nợ bạo lực, gây bất an cho xã hội.
Ông Lê Ngọc Lâm cho biết trong giai đoạn 10 năm gần đây, dư nợ bán lẻ của BIDV đã tăng từ 38.000 tỷ đồng năm 2011 lên 496.000 tỷ đồng tại thời điểm 31/10/2021 (chiếm tỉ trọng 38% tổng dư nợ tín dụng BIDV), tương đương tăng trưởng gấp 12 lần trong 10 năm vừa qua.
Tuy nhiên, theo ông Lâm, vẫn tồn tại nhiều khách hàng ít có cơ hội tiếp cận thông tin, chính sách cho vay của các Ngân hàng. "Người dân gặp khó khăn, chưa hiểu rõ về tài sản bảo đảm, giá trị, tính pháp lý tài sản bảo đảm khi đi vay ngân hàng. Bên cạnh đó, chế tài xử phạt đối với việc cho vay nặng lãi, tổ chức tín dụng đen còn nhẹ, chưa đủ tính răn đe", ông nói.
Đẩy mạnh chuyển đổi số lĩnh vực ngân hàng
Tổng giám đốc Ngân hàng BIDV Lê Ngọc Lâm cho biết BIDV sẽ tiếp tục gia tăng liên kết với các đối tác, doanh nghiệp, tổ chức trên toàn quốc và có kế hoạch tiếp cận khách hàng tại khu vực nông thôn. "Ngoài ra, ngân hàng tiếp tục phát triển, số hóa các sản phẩm tín dụng và triển khai cho vay online đối với khách hàng...", ông nói.
Ông Lê Ngọc Lâm cũng kiến nghị NHNN phối hợp cùng các Bộ, ngành hỗ trợ, ban hành các chính sách phát triển tài chính toàn diện như: phát triển các công cụ tài chính vi mô để hỗ trợ cho vay đối với người dân có thu nhập thấp, không ổn định, dưới chuẩn ngân hàng, sớm ban hành các quy định và quản lý đối với hoạt động cho vay ngang hàng; tăng cường, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng của người dân… cải thiện khả năng tiếp cận tín dụng, nâng cao hiểu biết về tài chính cho người dân và bảo vệ người tiêu dùng.
Trong bối cảnh chuyển đổi số nền kinh tế, chuyển đổi số quốc gia, đại diện BIDV Kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan xem xét, sớm nghiên cứu cơ chế kết nối, chia sẻ thông tin dữ liệu quốc gia giữa các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp, đặc biệt là các tổ chức tín dụng/công ty tài chính.
Phó Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Hà Thu Giang cũng đưa ra nhiều giải pháp ngăn ngừa, hạn chế tín dụng đen như đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng phát triển các sản phẩm cho vay phục vụ đời sống, tín dụng tiêu dùng an toàn, hiệu quả.
Theo bà, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản quy định về hoạt động cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, cho vay tiêu dùng; quy định về tín dụng ngành, lĩnh vực phù hợp với sự thay đổi nhanh chóng về công nghệ và yêu cầu của thực tế nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp.
"Bên cạnh đó, cần khuyến khích các tổ tục tín dụng phát triển mạng lưới chi nhánh và phòng giao dịch ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa nhằm tăng cường khả năng cung ứng tín dụng, dịch vụ ngân hàng chính thức", bà Hà Thu Giang cho hay.
Ngoài ra, theo bà Giang, cần chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung nguồn vốn, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, nhu cầu đời sống, tiêu dùng chính đáng của người dân của người dân, doanh nghiệp đặc biệt khi dịch Covid-19 được đẩy lùi, nền kinh tế trong nước phục hồi.
Bà Giang cũng kiến nghị cần tiếp tục triển khai các chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với các khách hàng bị ảnh hưởng do dịch như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới với lãi suất thấp hơn trước dịch.